Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức các hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4

17:03 | 27/04/2017
TTTĐ.VN - Nhân dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức một số hoạt động vui chơi cho trẻ em, tiêu biểu là các trò chơi dân gian vui nhộn và múa rối đặc sắc.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức các hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4

Đây là dịp để các bạn nhỏ được chơi và thi chơi các trò chơi dân gian mang tính tập thể như: Nối thúng, nhảy bao bố, đánh cầu lông gà (Hmông), ném gỗ, chơi quay, đi cà kheo, cướp cờ, đẩy gậy, đổ tượng... trong không gian mang đậm nét truyền thống và gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó còn có những tiết mục múa rối cạn sôi động của phường Tế Tiêu, Hà Nội, nổi bật là vở Thạch Sanh đánh chằn tinh; múa rối nước do phường Nghĩa Hưng, Nam Định biểu diễn, hứa hẹn những ngạc nhiên, thích thú đối với người xem.

Chương trình góp phần giúp cho công chúng có những giây phút vui vẻ, đầy ý nghĩa bên người thân trong kỳ nghỉ lễ, cũng như nâng cao tinh thần chung tay bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức các hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tọa lạc trên khuôn viên có diện tích hơn 4ha, được khởi công xây dựng vào cuối năm 1987 và khánh thành vào năm 1997. Đây là công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (dân tộc Tày) và nữ kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus, gồm ba khu vực trưng bày chính: khu trưng bày trong tòa Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á.

Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng có diện tích 2.500m² gồm 2 tầng, được chia làm chín chủ đề: giới thiệu chung; nhóm ngôn ngữ Việt - Mường; nhóm Thái - Kadai; nhóm Mông - Dao; nhóm Hán - Tạng; nhóm Môn - Khmer; nhóm Nam Đảo; các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer và giao lưu, hội nhập giữa các dân tộc.

Khu trưng bày ngoài trời giới thiệu những phong cách kiến trúc nhà ở đặc trưng của các dân tộc Việt Nam (nhà dài Ê-Đê, nhà sàn Tày, nhà mái lợp gỗ pơ-mu của người Mông, nhà lợp ngói của người Kinh, nhà mồ Gia-Rai, nhà rông của người Ba-Na, nhà đất trình tường của người Hà Nhì…).

Khu trưng bày Đông Nam Á được dành để giới thiệu khái quát bức tranh văn hóa phong phú của các dân tộc Đông Nam Á theo 5 chủ đề: đồ vải, đời sống hàng ngày, đời sống xã hội, nghệ thuật trình diễn và tôn giáo - tín ngưỡng.

Với 15.000 hiện vật, 42.000 phim và ảnh màu, 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới để tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn nghề thủ công và các loại hình văn hóa dân gian khác nhau của các dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới. Trang web du lịch uy tín thế giới TripAdvisor đã bình chọn bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2014.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/