Bài 50: Lan tỏa văn hóa Việt

09:10 | 10/07/2017
TTTĐ.VN - Bên cạnh việc học tập, hào hứng tham gia các sự kiện, chương trình dành cho du học sinh, các bạn trẻ thuộc chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary còn luôn duy trì những hoạt động hướng tới sự đoàn kết, rèn luyện kiến thức, kỹ năng hội nhập với bạn bè quốc tế.

Bài 50: Lan tỏa văn hóa Việt

>> Thanh niên với vấn đề hội nhập
Bài 49: Chàng thợ tiện “vàng” và khát vọng chinh phục tri thức


Tích cực hội nhập

Nguyễn Đình Cường sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hiện nay, cậu đang học ngành Công nghệ thông tin và Kinh tế, trường Đại học Corvinus – Budapest, Hungary.

Trước đây, chàng trai từng theo học trường Đại học Thương mại ở Việt Nam. Sau khi học xong năm thứ nhất, Nguyễn Đình Cường đã trúng tuyển học bổng toàn phần đi du học Hungary theo diện Hiệp định giữa Chính phủ hai nước. Từng học chuyên ngành Thương mại điện tử nên khi sang Hungary, cậu chọn theo ngành Công nghệ thông tin và Kinh tế. Cường cho biết: “Đây là ngành học phù hợp nhất với mình. Sau 4 kì nữa là kết thúc khóa học, mình sẽ trở về làm việc và cống hiến cho Tổ quốc”.

Bài 50: Lan tỏa văn hóa Việt
Du học sinh trong Ngày hội văn hóa Việt Nam tại Hungary

Cường có nền tảng kiến thức về các môn tự nhiên khá chắc chắn, bên cạnh đó là tinh thần ham học hỏi và chăm chỉ theo truyền thống của người Việt nên dễ dàng gây được thiện cảm với thầy cô và bạn bè tại Hungary. Chàng du học sinh chia sẻ, các bạn ở Hungary luôn giúp đỡ trong việc học và tạo cơ hội cho cậu tham gia các hoạt động ngoại khóa, giao lưu với sinh viên quốc tế.

Những ngày đầu đặt chân lên nước bạn theo đuổi con đường học tập, môi trường sống mới tạo ra không ít khó khăn, thách thức đối với chàng du học sinh người Việt. Cường đối diện với rào cản ngôn ngữ và phải thay đổi bản thân, thích nghi, vượt qua sự khác biệt trong vấn đề văn hóa.

Nguyễn Đình Cường nhớ lại: “Có lần trong giờ học, giáo sư kể một câu chuyện vui để minh họa. Thầy nói xong, mình chưa hiểu rõ vì vốn ngôn ngữ còn yếu nên không biết vui ở chỗ nào. Trong khi, các bạn khác cười sằng sặc. Đến lúc ngẫm lại, hiểu ra vấn đề thì một mình cười nắc nẻ. Lúc ấy, thầy giáo và cả lớp quay sang cười mình. Tuy nhiên, từ những chuyện như vậy mà các bạn có thiện cảm và luôn giúp đỡ khi mình gặp khó khăn. Cũng sau lần đó, thấy xấu hổ vì kém cỏi mà mình luôn cố gắng tìm tòi về cách tư duy của người Hungary, thông qua những cuộc nói chuyện, tham gia hoạt động với các bạn để tăng vốn ngôn từ giao tiếp của mình. Đây là cũng là động lực để mình kiên nhẫn theo học thứ ngôn ngữ khó nhất nhì thế giới này”.

Thế rồi, Cường luôn cởi mở, hòa đồng, thường xuyên tham gia các hoạt động với các bạn người bản địa, nên sang năm học thứ hai, Nguyễn Đình Cường không còn bỡ ngỡ nhiều mặt. Tích cực tham gia hoạt động của trường, Hội Sinh viên Việt Nam và chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Hungary, chàng trai này đã giành được Giải thưởng "Sao tháng giêng" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.

Hiện là sinh viên năm 4, chuyên ngành Tài chính - Kế toán của trường Đại học Corvinus Budapest tại Hungary, Nguyễn Thị Lê Thảo đã quen với môi trường nơi trời Âu. Trước đây, Thảo từng học chuyên Anh tại trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre - tỉnh Bến Tre. Bên cạnh môn chuyên là Tiếng Anh, cô gái còn thích các môn khoa học tự nhiên: Toán, Lý, Hóa.

Đỗ vào ngành Tài chính quốc tế trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2, muốn có cơ hội học tập tại một môi trường mới, để thử sức bản thân nên Thảo đã nộp đơn xin học bổng Hiệp định tại Hungary. Năm 2012, cô được chọn đi học. Tại nước bạn, cùng với học tiếng bản địa, việc hòa nhập môi trường ở Hungary rất quan trọng, Thảo chủ động làm quen, trò chuyện với bạn bè đến từ các nước trên thế giới, để hiểu thêm về văn hóa và lối sống của họ.

Thảo cho hay: “Sau giờ học trên lớp, mình cố gắng tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên, cũng như Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Hungary. Các hoạt động ấy giúp mình phát triển các kỹ năng, được tiếp xúc với nhiều tấm gương, câu chuyện của những người Việt đang sinh sống tại Hungary”.

Lan tỏa văn hóa dân tộc...

4 năm sinh sống, học tập tại Hungary, Nguyễn Thị Lê Thảo có quá nhiều kỷ niệm. Cô gái không thể nào quên lần đầu tiên tham gia lễ hội Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt sinh sống tại Budapest. Sau một năm rưỡi từ khi rời xa Việt Nam, đó là lần đầu Thảo gặp được nhiều người Việt Nam như vậy mà xúc động rưng rưng. Cũng từ ấy, năm nào Thảo cũng cố gắng tham gia hoạt động.

Bên cạnh đó, cứ vào mỗi dịp cuối tuần, Thảo cùng các bạn du học sinh Việt Nam tại Budapest thường đi du lịch, khám phá các thành phố cổ của Châu Âu để hiểu biết thêm về văn hóa, con người nơi đây. Từ đó rút ra những bài học cho bản thân và từng bước hòa nhập cộng đồng.

Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, Võ Nguyễn Thành Nhân thi vào trường Đại học Khoa học Huế với số điểm 21,5. Sau đó, Nhân sang nước bạn học dự bị tiếng Hungary tại Viện Balassi và thi lên đại học tại đây theo chuyên ngành Công nghệ thông tin và Kinh tế.

Những khó khăn về khí hậu, văn hóa, ẩm thực, múi giờ chênh lệch 5 - 6 tiếng đồng hồ so với Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và làm việc của Nhân. Tuy vậy, với sự giúp đỡ của các anh, chị khóa trước và đặc biệt là Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary đã tạo điều kiện thuận lợi cho cậu thích nghi với môi trường sống mới.

Nhân cho biết: “Bản thân mình và các bạn cùng khóa đã giúp đỡ nhau trong học tập, để học ngôn ngữ Hungary và giao tiếp với các bạn nước ngoài một cách tốt nhất. Chúng mình còn tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức để giao lưu và học hỏi văn hóa nước bạn”.

Hiện tại, Võ Nguyễn Thành Nhân cùng Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Thị Lê Thảo tham gia tích cực vào Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary và Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Hungary. Bên cạnh việc học tập, các bạn tham dự các sự kiện, chương trình của Hội Sinh viên, Chi đoàn tổ chức, hướng đến sự đoàn kết của các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập và sinh sống tại nước bạn, như: Giải bóng đá SVHU League, Vietnam’s got talent in Hungary...

Để giúp các bạn du học sinh Việt Nam hội nhập với bạn bè quốc tế, vừa qua, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Hungary đã tổ chức Ngày hội văn hóa Việt Nam tại chính ngôi trường mà cậu theo học. Sự kiện đã gây được tiếng vang lớn đối với bạn bè quốc tế và người dân bản địa. Đây là dịp để các bạn du học sinh giới thiệu với bạn bè, thầy cô giáo, sinh viên trong trường về văn hóa, con người, lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của những hòn đảo, quần đảo, địa danh du lịch nổi tiếng.

Ngay khi kết thúc sự kiện, Chi đoàn đã nhận được lời mời tổ chức “Góc Việt Nam” thuộc chuỗi chương trình Đêm hội văn hóa tại Bảo tàng nghệ thuật Châu Á Hopp Ferenc – Budapest. Là lực lượng chính tham gia sự kiện, các bạn du học sinh Việt Nam đã dốc hết sức mình, cùng nhau làm chương trình. Không chỉ trau dồi kỹ năng làm việc, đây còn là dịp để các chàng trai, cô gái Việt Nam quảng bá, lan tỏa văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.

Qua các hoạt động ấy, các bạn trẻ cũng như nhiều du học sinh Việt Nam tại Hungary đã học hỏi được nhiều điều. Đó là sự năng động, hoạt bát trong công việc của người phương Tây, hiểu được tập tục, văn hóa lâu đời của Hungary... Từ đấy, các bạn rèn luyện cho mình kĩ năng sống một cách tốt nhất và dễ dàng hòa nhập với bạn bè quốc tế.

(còn nữa)

Lê Dung

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/