Hiểm họa rình rập từ những chiếc cần cẩu tháp

10:02 | 20/12/2016
TTTĐ - Sau nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do những chiếc cần cẩu tháp gây ra, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã ban hành các văn bản tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại cẩu tháp này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số công trình đang xây dựng trên địa bàn thành phố, nhiều chiếc cẩu tháp vẫn không hoạt động theo đúng quy định tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người dân.

Hiểm họa rình rập từ những chiếc cần cẩu tháp


Hiểm họa rình rập từ những chiếc cần cẩu tháp
Tháp cẩu vươn ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Thời gian gần đây, nhiều người dân sinh sống tại chung cư Dolphin Plaza (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn cảm thấy bất an bởi xuất hiện một chiếc cẩu tháp phục vụ công trình xây dựng tòa nhà Mỹ Đình Plaza 2, sát sườn chung cư này, hoạt động ngày đêm. Chiếc cẩu tháp này không hoạt động trong phạm vi dự án mà vươn hẳn ra xung quanh. Phần trục cẩu với những cục bê tông nặng hàng tấn lơ lửng trên đầu người dân di chuyển qua đây cũng như cư dân của chung cư.


Một người dân sinh sống tại khu vực này cho hay: “Đường Nguyễn Hoàng đoạn qua tòa nhà Dolphin là đường 1 chiều nên buổi sáng đi không việc gì, nhưng khi về những khối bê tông lớn cứ treo lơ lửng trên đầu khiến tôi phát sợ. Lúc này chỉ muốn chạy thật nhanh để di chuyển qua chứ không dám ngoái lại nhìn”.


Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở chung cư này, mỗi khi đưa, đón con đi học hoặc đi chơi lại phải chọn phương án tránh không dám đi vào đường Nguyễn Hoàng mà lựa chọn cách di chuyển theo đường Trần Bình hoặc hướng ra đường Mỹ Đình, Lê Đức Thọ. Dù quãng đường xa hơn, đường tắc hơn nhưng theo cư dân cảm giác an tâm hơn bội phần khi phải đi vào con đường mà phía trên có chiếc cẩu tháp kẹp bê tông hoạt động suốt ngày đêm.


Điều đáng nói, đây là khu vực gần bến xe Mỹ Đình nên có rất nhiều xe khách hoạt động. Nhiều xe khách vẫn vô tư thả khách ngay tại vị trí những khối bê tông lớn treo lơ lửng trên đầu. Phía dưới đường Nguyễn Hoàng chủ đầu tư không hề có bất cứ một biển báo nào để hướng dẫn người dân cũng như có công nhân "xi-nhan", hướng dẫn cho các phương tiện cũng như người tham gia giao thông.


Cách đó vài cây số, tại đường Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có tới 5 - 6 chiếc cần cẩu tháp đang hoạt động. Điều đáng nói là, các cẩu tháp đều không nằm trong phạm vi công trình thi công, hầu hết đều “đua” ra ngoài khiến nhiều người tham gia giao thông mỗi khi qua đây luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi…


Đây chỉ là một trong rất nhiều những điểm xây dựng với tốc độ nhanh tạ Hà Nội. Đi kèm với các hoạt động xây dựng là những chiếc cẩu tháp khổng lồ hoạt động bất kể ngày đêm. Mới đây, ngày 18/10, tại một công trình đang thi công dự án chung cư cao tầng tại Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), cần cẩu bất ngờ đổ sập, đè lên nóc nhà dân, khiến nhiều người hốt hoảng. Tại hiện trường, đầu cánh tay cẩu đổ sập trên nóc nhà, may mắn không ai bị thương.


Tuy nhiên, không phải vụ đổ cẩu tháp nào cũng măn mắn không gây hậu quả nghiêm trọng như vụ việc trên. Trước đó, vào khoảng 10h30 ngày 4/12/2015, tại chung cư ở số 52 Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam - Hoàng Mai - Hà Nội) khiến 3 người tử vong. Vào thời điểm trên, một nhóm công nhân đang vận hành chiếc thang máy tải vật liệu xây dựng, thang máy tải vật liệu bất ngờ đổ sập xuống đất. Nhiều người dân ở khu vực kể lại, vào thời điểm trên, họ nghe thấy tiếng rầm lớn vang lên ở tòa nhà, chạy ra thì nhìn thấy chiếc thang máy cẩu vật liệu đổ xuống dưới đất. Sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng chức năng có mặt phong tỏa hiện trường. Nạn nhân người bị thương được đưa lên xe taxi đi cấp cứu. Tòa nhà xảy ra sự việc đang xây dựng đến tầng 30. Đây là tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp triển khai tại số 52 Lĩnh Nam do Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội (Tổng công ty Lilama) làm chủ đầu tư.


Được biết, sau một số vụ tai nạn do cẩu tháp xây dựng gây ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng, vận hành cẩu tháp trong thi công, xây dựng trên địa bàn TP nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn rủi ro có thể xảy ra. Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội định kỳ và đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn cẩu tháp. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn khi sử dụng, vận hành cẩu tháp của các nhà thầu, chủ sở hữu cần cẩu tháp...


Mới đây, vào tháng 4/2016, UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Cụ thể, đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần cẩu tháp vượt khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông, đi lại của nhân dân và công trình lân cận, chỉ cho phép hoạt động trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải bảo đảm đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông theo quy định… Tuy nhiên thực tế, ở nhiều công trình ngay cạnh đường giao thông vẫn còn những cẩu tháp dài hàng chục mét, vận hành ngay trên đầu người đi đường.


Để cẩu tháp không còn là nỗi sợ hãi, ám ảnh đối với người đi đường, thiết nghĩ đơn vị chức năng cũng như các cấp chính quyền cần quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, mặt khác các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công các công trình cũng cần có biện pháp che chắn cũng như thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm kỹ thuật cũng như an toàn hành lang đặt cẩu tháp.


Thanh Hà

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/