Tag

Chuyện kỳ lạ ít biết về thầy Văn Như Cương

BHXH & Đời sống 11/10/2017 17:12
aa
TTTĐ.VN- Một thời gian khá dài, PGS Văn Như Cương ở phòng 322, nhà C16, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân – Hà Nội, còn tôi ở phòng 311, nhà C14 nên chúng tôi là hàng xóm láng giềng của nhau. Những ngày này, tin PGS Văn Như Cương từ trần đã tràn ngập các trang mạng và báo chí cả nước. Ánh mắt lấp lánh của anh, bộ râu rất đặc trưng của anh đã xuất hiện trên hình nền trang tin cá nhân của hàng triệu học sinh Việt Nam. Tôi chưa từng biết 1 nhà giáo nào ở nước ta qua đời mà được cộng đồng quan tâm và tiếc thương đến thế.

Chuyện kỳ lạ ít biết về thầy Văn Như Cương

Người con của “mảnh đất khoa bảng”


Khi còn là hàng xóm của nhau, bà con trong khu phố gọi PGS Văn Như Cương là thầy. Còn anh em xứ Nghệ chúng tôi thường gọi ông là anh Cương (gọi thầy anh không thích).


Anh Cương sinh ra và lớn lên ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Giữa cánh đồng làng Quỳnh Đôi có 1 hòn núi nhỏ. Ở đó có 1 vách đá vuông vức, thẳng đứng như tấm bảng đen, gọi là Thạch Bảng. Các thầy địa lý nói rằng Quỳnh Đôi là đất khoa bảng. Và đúng vậy, thời nào làng Quỳnh Đôi cũng có tiến sĩ. Tấm bia tiến sĩ trong đình làng Quỳnh Đôi ghi tên 41 người, từ vị tiến sĩ Quận Công Văn Đức Giai, đến nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, nhà thơ Hoàng Trung Thông, GS Phan Cự Đệ, PGS Văn Như Cương....


Người làng Quỳnh Đôi ngày xưa làm 2 nghề, đàn bà thì nuôi tằm dệt lụa, đàn ông thì dạy học. Anh Cương tốt nghiệp trường ĐH Lomonoxop, về nước giảng dạy ở trường ĐH Sư phạm Vinh, sau ra làm chủ nhiệm khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Một đời anh Cương chỉ dạy học, cũng là nghề truyền thống của đàn ông làng Quỳnh Đôi.

Theo như báo chí công bố, PGS Văn Như Cương là tác giả của 60 đầu sách giáo khoa về hình học của 2 hệ giáo dục phổ thông và đại học. Anh là người 5 lần ra đề thi toán Quốc tế, hàng chục lần ra đề thi toán ĐH – CĐ ở Việt Nam. Anh sáng lập trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh và 25 năm làm hiệu trưởng. Nhưng những con số kể trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Đóng góp lớn nhất của PGS Văn Như Cương là những bài viết, bài phát biểu, những bản kiến nghị của ông về công tác giáo dục, với tư cách là thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia. Anh là nhà giáo dục đầy tâm huyết. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các nhà báo ở nước ta khi cần viết về những vấn đề Giáo dục đều tìm đến PGS Văn Như Cương và anh chưa bao giờ từ chối các nhà báo. Các nhà báo rất thích làm việc với anh, vì anh nói thẳng thắn, trung thực và chính xác.

Trong lần mừng sinh nhật, PGS Văn Như Cương 70 tuổi, tôi đã liều mạng ra 1 vế đối: “Văn Như Cương, toán Như Cương, tính Như Cương, nhất mực cương thường đạo lý”. Vế đối có thể chưa chỉnh, nhưng nói rất đúng về cá tính của anh Cương. Anh sống rất cương trực, không bao giờ e sợ cường quyền.



Chuyện kỳ lạ ít biết về thầy Văn Như Cương
Nhà giáo Văn Như Cương và các cựu sinh viên khoa toán Trường đại học sư phạm Hà Nội


“Tôi đề nghị anh đưa con về dạy lại”


Cả 1 đời anh Cương làm giáo dục. Từ việc lớn đến việc nhỏ, mục tiêu của anh là giáo dục. Một buổi tối đầu năm 1989, chúng tôi họp mặt trong nhà tiến sĩ Trương Nhân Huyền - Tạp chí Xã hội học. Anh Cương thông báo rằng: “Sắp tới tôi sẽ mở trường tư thục, gọi là trường Lương Thế Vinh. Tôi sẽ thực hành 1 cách dạy khác, 1 cách học khác và cho ra lò 1 lứa tú tài khác với các trường công lập hiện nay”. Và anh Cương đã thành công. Năm học 1989 – 1990 có 87% học sinh của trường Lương Thế Vinh thi đỗ ĐH. Lập tức trường Lương Thế Vinh trở nên nổi tiếng và được xếp vào top đầu trong các trường phổ thông ở nước ta.


Khi trường nổi tiếng thì việc tuyển sinh trở nên rất căng thẳng. Số hồ sơ xin thi vào trường Lương Thế Vinh luôn ở mức cao, từ 150 – 200% so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Vì thế trước năm học mới bao giờ anh Cương cũng phải tiếp các bậc phụ huynh đến xin cho con em vào trường. Đó là những học sinh thiếu từ 0,25 – 0,5 điểm. Cùng tiếp khách với anh Cương luôn có ông trưởng ban phụ huynh nhà trường ngồi bên cạnh.


Hôm đó 1 vị tướng già đưa cháu nội đến gặp anh Cương, cùng đi còn có bố cháu là 1 quan chức ở Bộ giáo dục & Đào tạo. Trông thấy vị tướng già, anh Cương nói với ông Trưởng ban phụ huynh: “Trường hợp này phải chiếu cố. Không phải chiếu cố vì ông ấy là Uỷ viên Bộ chính trị đương nhiệm mà chiếu cố vì cuộc đời chiến đấu của ông ấy”. Trước mặt anh Cương lúc đó chỉ có 1 chiếc ghế trống. Vừa bước vào, cậu học sinh nọ liền tót lên ghế ngồi, vắt chân chữ ngũ. Anh Cương nói: “Tại sao em dám ngồi? Tôi có mời em ngồi đâu. Trong trường hợp này, người được mời trước hết là ông nội em chứ chưa phải bố em, càng không phải là em. Em đứng lên”. Quay sang bố của cậu học trò đó, anh Cương nói: “Tôi đề nghị anh đưa con về dạy lại. Sang năm nếu cháu ngoan hơn, có thể tôi sẽ nhận cháu vào trường”.


Hôm đó, trường hợp tiếp theo là một vị trung tướng công an đến xin cho con vào trường vì thiếu 0,25 điểm. Ông ta đưa danh thiếp cho anh Cương. Thật ra thì không cần phải danh thiếp, anh Cương cũng biết ông ta giữ những cương vị quan trọng gì. Anh Cương nói: “Con trai anh thiếu 0,25 điểm. Nếu tôi nhận con anh thì cùng lúc tôi phải nhận thêm 750 em khác mà trường thì không đủ chỗ”. Ông Trung tướng nói: “Tôi mong thầy có thể xét ưu tiên”. Anh Cương nói: “Xin lỗi! Nhưng anh không thuộc diện ưu tiên của trường Lương Thế Vinh. Chúng tôi chỉ ưu tiên cho con các thương binh liệt sĩ và những người nghèo”.


Anh Cương có 1 người bạn rất thân là ông Thái Bá Vân – nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Nhà ông Thái Bá Vân ở đối diện với nhà anh Cương nên hễ có thời gian là 2 người lại ngồi với nhau bên chai rượu. Món nhắm của họ chỉ là 1 con cá muối rất mặn của Nga được mua ở nhà hàng phố Phạm Sư Mạnh. Hai người cứ xé con cá mặn ấy để uống rượu, hết cá thì mút ngón tay. Riêng mút 2 ngón tay cũng đã tiêu hết vài chén rượu rồi. Vì thân nhau như thế nên anh Cương đã nhận con trai ông Thái Bá Vân về làm Trưởng ban bảo vệ trường Lương Thế Vinh. Được 1 thời gian thì Trưởng ban bảo vệ bị anh Cương cắt hợp đồng lao động. Anh Cương nói với ông Thái Bá Vân: “Tôi phải chấm dứt hợp đồng lao động với con trai ông, vì anh ta vi phạm quy định, cạo đầu trọc như sư. Ở trường Lương Thế Vinh, mặc như thế nào, đầu tóc như thế nào, nói năng như thế nào đều được quy định cụ thể, vì đây là môi trường giáo dục, không ai được vi phạm”.


Trong 25 năm làm Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, có 1 lần anh Cương đã phải xin lỗi học trò. Anh kể với tôi: “Vào đầu năm học, bức tường vừa mới quét vôi xong thì xuất hiện 1 hình vẽ bậy lên tường. Lúc đó có 1 cậu học sinh đứng gần đó. Nhìn hình vẽ tôi bực lắm. Đang cầm sẵn trên tay 1 tờ báo cũ, tôi đánh vào má cậu ta và mắng: “Tại sao em dám vẽ bậy lên tường?”. Cậu ta không nói gì mà ôm mặt khóc nức nở. Tôi đánh bằng 1 tờ báo cũ, chỉ như phủi bụi thôi, không hề đau nhưng cậu ta khóc rất ghê. Tôi biết là em học sinh đó bị oan rồi. Tôi đến gần, nói với cậu ta: “Em cho thầy xin lỗi. Dù chưa điều tra ra ai là người vẽ bậy lên tường, nhưng thầy biết chắc là không phải em. Thầy xin lỗi em!”. Nghe tôi nói thế, em học sinh kia nín ngay. Dù tôi là Hiệu trường nhưng nếu có lỗi thì vẫn cần xin lỗi học trò. Bảo vệ môi trường giáo dục là điều vô cùng quan trọng đối với 1 nhà trường”.


Chiến đấu với căn bệnh ung thư


Anh Cương bị bệnh ung thư gan vào tháng 6/2014. Bệnh phát triển rất nhanh. Anh chỉ mới cảm thấy hơi đau ở hạ sườn phải, 1 tuần sau vào Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ khám rồi kết luận anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Nguy hiểm nhất là các bác sĩ đã nhìn thấy có huyết khối ở cửa tĩnh mạch. Các giáo trình về điều trị ung thư đều viết rằng: “Ung thư gan nếu có huyết khối tĩnh mạch cửa thì thời gian sống thêm của bệnh nhân là khoảng 2 tháng”. Lúc đó thể trạng anh Cương rất yếu nên không mổ được, cũng không hóa trị, xạ trị được. Gia đình đưa anh Cương về điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Vinmec và dấu biệt không cho anh biết bị bệnh ung thư. Nhưng anh Cương linh cảm được tình hình bệnh tật của mình. Anh gọi các bác sĩ đến và hỏi: “Bệnh của tôi rất nặng phải không?”. Đề nghị các anh nói thật đi, đừng giấu tôi”. Và các bác sĩ đã nói thật. Anh Cương bắt đầu chiến đấu với căn bệnh ung thư từ đó. Trên Facebook, anh thông báo với bạn bè: “Trong gan tôi bỗng nhiên xuất hiện 1 khối u vô lý và ngang ngược như cái giàn khoan của Trung Quốc đang đậu ngoài thềm lục địa của Việt Nam”.


Vì các bác sĩ đã bó tay nên anh Cương phải dùng thuốc Nam. Sau 24 ngày uống thuốc Nam, Bệnh viện Vinmec kiểm tra lại buồng gan của anh Cương. Đó là 1 ngày rất hồi hộp. Mọi người rất muốn được đọc phim chụp buồng gan anh Cương nhưng cả ngày hôm đó bệnh viện không công bố kết quả. Hôm sau, anh Cương kể với tôi qua điện thoại: “Huyết khối tĩnh mạch cửa tan biến hết rồi. Các bác sĩ ngạc nhiên không biết nó tan đi đâu. Vì không tin ở mắt mình nên bác sĩ yêu cầu tôi chụp lại. Chụp cộng hưởng từ mà phải chụp tới 4 lần. Các bác sĩ Vimec phải mời bác sĩ của Viện 108, của Bạch Mai và của Bệnh viện K đến cùng đọc phim mới kết luận là không còn huyết khối tĩnh mạch cửa nữa”.


Thế là mọi người thở phào nhẹ nhõm. Không còn huyết khối tĩnh mạch, nghĩa là tính mạng của anh Cương tạm thời không bị đe dọa nữa. Anh tiếp tục uống thuốc Nam rồi đi học thiền. Mặt khác anh vào Bệnh viện Việt Đức làm phẫu thuật nội soi, thắt động mạch gan. Đây là 1 cách “bỏ đói” khối u, khiến khối u nhỏ lại. Một thời gian sau, bạn bè rất vui mừng khi anh Cương thông báo trên Facebook rằng: “Tôi làm xét nghiệm 3 lần đều không tìm thấy tế bào ung thư nữa. Thời gian qua, tôi vừa uống thuốc nam, vừa ngồi thiền, vừa thắt động mạch khối u, không biết tôi khỏi bệnh nhờ cái gì. Có lẽ nhờ cả 3 thứ đó”.


Ngày khai giảng năm học mới, anh Cương bỏ tiền túi mua 4.000 chiếc áo phông có in cờ tổ quốc để tặng học trò. Trong buổi lễ khai giảng đỏ rực màu cờ ấy, anh Cương đã nói về lòng yêu nước với tất cả sự xúc động của anh. Anh xúc động, học trò và các phụ huynh cũng xúc động đến trào nước mắt. Sau lễ khai giảng, anh Cương thông báo với Hội phụ huynh nhà trường là anh đã khỏi hẳn bệnh ung thư. Tôi đinh ninh rằng anh Cương đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.


Khi một ngôi sao sa xuống…


Chị Oanh vợ anh Cương cho tôi biết là anh ăn rất ít, mỗi bữa chỉ nửa bát cơm nên anh rất gầy. Đã thế anh Cương lại ăn uống rất đạm bạc. Món ăn mà anh ưa thích nhất là ruốc khô xào với vài lát khế chua và 1 chút mật mía. Đó là món ăn rất quen thuộc của người làng Quỳnh Đôi.


Ngày 20/11/2015, tôi đến thăm anh Cương ở trường Lương Thế Vinh. Lúc này anh đang ở 1 căn phòng dành riêng cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường. Tôi thấy anh gầy quá, mặc dù đôi mắt vẫn tinh anh và giọng nói vẫn đầy khí lực. Anh cho biết: “Hiện giờ tôi vẫn là bệnh nhân, nhưng không phải bệnh nhân ung thư nữa mà là bệnh nhiễm độc gan. Mỗi tuần tôi phải vào viện 1 lần để truyền dịch tẩy độc gan. Thôi thì đành sống chung với lá gan bị nhiễm độc vậy”. Nghe anh nói như thế nhưng tôi vẫn không yên tâm, vẫn lo là anh sẽ ra đi trong 1 ngày không xa.


Rồi Bệnh viện Vinmec ghép tế bào gốc tự thân cho anh và tích cực tẩy độc gan cho anh. Anh Cương chống chọi với bệnh tật từng ngày một. Trong thời gian đó, anh vẫn trả lời phỏng vấn của các nhà báo và tham dự các cuộc họp của UB Giáo dục của Quốc hội. Đây là lĩnh vực cả đời anh Cương tâm huyết nên anh không bỏ 1 buổi họp nào. Tuy mang bệnh nặng nhưng anh làm việc liên tục, không ngơi nghỉ. Hình như anh biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên phải làm việc nhiều hơn.


Trường Lương Thế Vinh khai giảng năm học 2017 – 2018. Tôi bấm đốt ngón tay tính ra anh Cương đã chống chọi với bệnh tật được 4 năm rồi. Trước đây các bác sĩ nói rằng anh chỉ sống được từ 60-90 ngày nữa thôi. Tôi nói với anh: “Vậy là anh lãi rồi, sống thêm 1 ngày, lãi 1 ngày”. Anh cười vui: “Lãi to chứ”.


Và rạng sáng ngày Kỷ Tị, năm Đinh Dậu (9/10/2017) một ngôi sao xanh viền băng giá trên bầu trời thu thăm thẳm đã sa xuống. Anh Cương đã ra đi vào giờ Hoàng đạo. Nhưng trường Lương Thế Vinh của anh vẫn còn đó. Và 4.000 học trò của anh đã tung 4.000 con hạc giấy lên trời để chở linh hồn của thầy hiệu trưởng kính mến lên cõi thần tiên.



Nhà văn Hoàng Hữu Các



Tin liên quan

Đọc thêm

Phối hợp liên ngành phát triển số người tham gia BHXH BHXH & Đời sống

Phối hợp liên ngành phát triển số người tham gia BHXH

TTTĐ - Trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ký kết quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, Hội Liên hiệp phụ nữ quận và UBND 8 phường trên địa bàn nhằm phát triển số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Công ty Dệt Hòa Khánh hứa thanh toán nợ bảo hiểm xã hội Xã hội

Công ty Dệt Hòa Khánh hứa thanh toán nợ bảo hiểm xã hội

TTTĐ - Lãnh đạo Công ty CP Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng cho biết, sẽ thanh toán hơn 1,3 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động chậm nhất vào ngày 16/4/2024, mong muốn BHXH thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện cho Công ty được thanh toán với lịch trình nêu trên.
Điểm tựa an sinh vững chắc cho những người yếu thế trong xã hội BHXH & Đời sống

Điểm tựa an sinh vững chắc cho những người yếu thế trong xã hội

TTTĐ - Trải qua hơn một năm triển khai, chương trình bảo hiểm vi mô “An bình yên vui - An sinh hạnh phúc” của Bảo hiểm Bảo Việt đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần cải thiện đời sống của hàng ngàn gia đình và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hơn 10.400 tỷ đồng BHXH & Đời sống

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hơn 10.400 tỷ đồng

TTTĐ - Theo thông tin của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 594.013 người, số tiền 10.483 tỷ đồng.
Trao Giải Báo chí về Bảo hiểm 2023 và phát động mùa giải 2024 BHXH & Đời sống

Trao Giải Báo chí về Bảo hiểm 2023 và phát động mùa giải 2024

TTTĐ - Ngày 10/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tổ chức Lễ trao Giải Báo chí về Bảo hiểm 2023 nhằm vinh danh những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất về bảo hiểm năm 2023 và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2024.
TP HCM: Khám, chữa bệnh sẽ sử dụng CCCD thay thẻ bảo hiểm BHXH & Đời sống

TP HCM: Khám, chữa bệnh sẽ sử dụng CCCD thay thẻ bảo hiểm

TTTĐ - Sử dụng CCCD thay thẻ bảo hiểm y tế khi người dân khám, chữa bệnhlà 1 trong 5 nhóm mục tiêu được UBND TP HCM đặt ra tại Đề án số 06, giai đoạn 2025 - 2030.
Đề nghị xem xét thiết kế lại mẫu thẻ bảo hiểm y tế Xã hội

Đề nghị xem xét thiết kế lại mẫu thẻ bảo hiểm y tế

TTTĐ - Ban Dân nguyện kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét thiết kế lại mẫu thẻ bảo hiểm y tế để người tham gia bảo hiểm có thể theo dõi hạn sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn.
Tân binh trong thời gian nhập ngũ tham gia BHXH như thế nào? BHXH & Đời sống

Tân binh trong thời gian nhập ngũ tham gia BHXH như thế nào?

TTTĐ - Tham gia nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ đáng tự hào của thanh niên Việt Nam và luôn nhận được các chế độ khích lệ tương xứng, đơn cử như chế độ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự.
Liên thông 2,2 triệu dữ liệu khám sức khỏe lái xe BHXH & Đời sống

Liên thông 2,2 triệu dữ liệu khám sức khỏe lái xe

TTTĐ - Liên quan đến việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết đến nay, đã xác thực trên 95,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội của Thủ đô BHXH & Đời sống

Nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội của Thủ đô

TTTĐ - Trong hành trình xây dựng và phát triển, BHXH TP Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần đưa chính sách BHXH, bảo hiểm y tế đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô.
Xem thêm