Tag

Chuyện rợn người ở những bãi vàng: 14 tuổi chui vào lòng núi, tự tay nổ mìn rồi bòn vàng (Kỳ 2)

Phóng sự 17/01/2017 14:00
aa
Cầu và những đứa trẻ kia đã bị tra tấn và khống chế bắt làm 100% các thứ việc của một mỏ vàng thổ phỉ “đội đá vá trời”, những công việc “trâu bò” mà lẽ ra phải cần đàn ông lực lưỡng vai u thịt bắp và nhiều công nghệ kỹ năng an toàn trong khai thác mỏ lắm mới kham nổi.

Chuyện rợn người ở những bãi vàng: 14 tuổi chui vào lòng núi, tự tay nổ mìn rồi bòn vàng (Kỳ 2)

Toại và Cầu, 15 tuổi được chúng tôi đưa về xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An

Toại và Cầu, 15 tuổi được chúng tôi đưa về xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An.


* Chuyện rợn người ở những bãi vàng và thân phận xuống núi làm “nô lệ” ( Kỳ 1)


Bãi vàng mà Mạo bán cháu Hùng Văn Cầu (lúc đó mới 14 tuổi) cùng 7 đứa trẻ khác vào làm việc ở rất xa trong rừng. Chủ bãi là một tay tên Phụng. Cầu kể, tay Phụng này nghiện nặng, đệ tử của hắn có tay Hải, người Đại Lộc, Quảng Nam, cũng nghiện oặt nốt.


Chiều và tối, chúng nhai kẹo cao su rau ráu rồi lấy giấy bạc vỏ kẹo xòe ra hít heroin. Chúng dùng cả thuốc phiện, heroin, hồng phiến và luôn mồm gạ trẻ dùng thử cho đời lên tiên. Chúng muốn dụ cho trẻ nghiện để dễ bề khống chế các nô lệ nhí này.

Cầu và những đứa trẻ kia đã bị tra tấn và khống chế bắt làm 100% các thứ việc của một mỏ vàng thổ phỉ “đội đá vá trời”, những công việc “trâu bò” mà lẽ ra phải cần đàn ông lực lưỡng vai u thịt bắp và nhiều công nghệ kỹ năng an toàn trong khai thác mỏ lắm mới kham nổi. Làm việc quần quật nhưng lời hứa 6 triệu đồng tiền lương một tháng bay theo gió.

Vào đến bãi ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, mỗi đứa trẻ được ông chủ cho vay 500 nghìn đồng, gọi là ứng tiền lương. Thế rồi 6 tháng sau đó, chủ lán không trả thêm cho đám trẻ một xu nào nữa.

Chuyện rợn người ở những bãi vàng và thân phận xuống núi làm “nô lệ”

Cụt Văn Toại và Hùng Văn Cầu, sau 2 ngày chạy trốn xuyên núi, vẫn hoảng hốt khi được cứu, cắt tóc, cho quần áo tại Quảng Nam.

Không tiền, không biết lối bỏ trốn, ăn uống kham khổ như tù bị biệt giam, hàng ngày lũ trẻ phải nổ mìn, rúc hang, chống đất đá, bòn núi đãi vàng từ mờ sáng đến sẩm tối. Bình minh thức dậy, chúng tự làm nóng cơm nguội ăn với cá mắm mủn mục mặn chát nướng trên than củi.

“Cháu cứ cầm cái đuôi con cá, nướng chín cái đầu nó trên than. Vừa ăn cơm nguội vừa cắn chỗ cá nướng chín, lúc ăn hết phần đầu cá, lại cầm thân con cá, nướng cái đuôi cho chín rồi cắn tiếp...”, Cầu kể.

Sau đó, mỗi đứa trẻ cầm một thỏi chứa kíp mìn to bằng cổ tay, dài như bắp ngô. Chúng đi bộ 4 tiếng đồng hồ vào các dãy núi. Chui vào núi, đốt dây cháy chậm rồi chạy ra ngoài. Ầm. Mìn nổ.

“Nhớ là mìn nổ thì sẽ hút hết oxy trong hang hốc mìn vừa phá ra, phải thổi oxy vào hoặc đợi ô xy ngoài núi tràn vào, kẻo chết ngạt cả nút đấy. Trong lúc chờ đợi ô xy bay vào, bây giờ chúng bay lên rừng cưa gỗ về chống hầm lò.

Tao không bao giờ vào trong hầm cả. Chúng mày, liệu mà dựng cột, cọc, chống hầm cho kỹ. Nó sụp là chúng mày chết, tao có chết đâu. Làm cọc là làm cho tính mạng chúng mày. Ở đây có cả máy khoan, nhưng chúng mày bé như cái kẹo, vác máy khoan thế nào được mà giao cho chúng mày”, ông chủ nói đại loại thế.

Rồi hắn quay vào hít heroin trên giấy bạc của gói kẹo cao su. Sau mỗi bi, tiếc thanh kẹo vừa được bóc lấy miếng giấy bạc, ông chủ lại bỏm bẻm nhai như nhai trầu. Ông anh đầu gấu người Đại Lộc thì rủ Toại và Cầu dùng thử.

Làm cọc chống lán xong, các cậu bé bắt đầu đẩy xe goòng vào xúc, bế, vác, khiêng quặng ra và bới tìm. Tìm đãi các mảy vàng li ti. Cũng có khi trúng cả lọ penicilin toàn vàng. Lán của họ là lán mót vàng, nổ mìn và đào vài bữa lại thông vào một đường hầm cũ của người khai thác trước.

Các hầm đó lâu năm, mục ruỗng và sụt lún, rất nguy hiểm, nhiều người chui vào hoặc đang chống hầm mà gặp hang vàng cũ đó đã bỏ mạng. Vàng mót thì ít lắm. Chủ cũng chẳng giàu có gì, chỉ có sự lưu manh và tàn độc là luôn sẵn và rất nhiều.

Chuyện rợn người ở những bãi vàng và thân phận xuống núi làm “nô lệ”

Hầm vàng, nơi 3 anh em Cụt Văn Sơn chết.


Cuộc “vượt ngục” xuyên rừng suốt 2 ngày đêm

Các cậu bé hàng ngày được cho ăn bằng cá khô với cơm hẩm. Thỉnh thoảng có tí rau xanh. Tuyệt đối không có thịt. Có lúc ở dưới trung tâm xã họp chợ phiên mà ông chủ nghiện oặt hết cơn sợ nước sợ gió ngẫu hứng đi chợ, thì ông ta sẽ cưỡi xe máy Min-khơ được độ chế để leo núi hiểm trở. Chỉ xe máy đó mới luồn ra khỏi lán được.

Ông ta mua về ít mỡ lợn, rán lấy tóp ăn và trữ mỡ để rán cá kho mục nát. Hàng ngày, 5h sáng các cậu bé phải dậy, ăn cơm nguội, leo núi khoảng 1 tiếng từ lán vào rừng “bòn vàng”. 12h về, tự nấu cơm, ăn xong lại vào hang tiếp. Cuộc đời chuột chũi và bị đối xử tàn độc như nô lệ đó đã khiến 5 cậu bé vùng Tương Dương, Kỳ Sơn, chủ yếu người xã đồng rừng Bảo Thắng (giáp với Mường Lống) đã bỏ trốn.

Hùng Văn Cầu quan sát, bọn nó trốn được là vì ông chủ nghiện chia lũ trẻ làm hai kíp. Nhóm làm ngày, nhóm làm đêm. Đêm cũng phải rúc vào trong lòng núi mà đào đãi vàng, thậm chí ùng oàng nổ mìn.

Đám trẻ bé loắt choắt, sớm phải làm nô lệ gánh vác cả một bãi vàng thổ phỉ, gánh vác toàn bộ các công đoạn theo đúng nghĩa đen. Cầu quan sát và quyết tâm trốn. Lúc đầu, cậu bé giả ốm, kêu là giỗ ông bà, giỗ bố đến ngày rồi, cần phải về vài ngày rồi lại quay vào bãi. Chưa đến ngày thực hiện kế hoạch đào tẩu, thì có mấy cậu bé cũng nại lý do đó và trốn biệt.

Ông chủ biết trò, bảo anh Hào (gã nghiện người Đại Lộc) nọc lũ còn lại ra đánh đòn. Bảo đứa nào còn có tư tưởng bỏ trốn nữa thì biết tay tao. Có thằng Cụt Văn Toại, nó người xã Lượng Minh, ở rể trong bản cùng Chiêu Lưu với Cầu cũng rất khôn. Toại làm ca đêm, lừa lúc ông chủ nằm trong cái lán căng nilon vải bạt lụp xụp bên suối, Toại bỏ trốn.

Ai ngờ, vì không thông thổ, không nghiên cứu kỹ nên Toại vừa ra khỏi Lán được vài cây số thì gặp một cái ngã ba đường đông người bán hàng và “cảnh giới”. Chúng bèn giữ “nô lệ” lại, gọi ông chủ Phụng và Hào ra bắt Toại trở lại. Chúng trói Toại lại và đánh đến gù cả lưng.

Chuyện rợn người ở những bãi vàng và thân phận xuống núi làm “nô lệ”

Bàn giao nạn nhân Hùng Văn Cầu cho Trưởng Công an xã Chiêu Lưu.


Từ bấy chúng cảnh giác với bọn làm ca đêm. Trong khi Cầu làm ca ngày. Ngày hay đêm thì trong hầm cũng tối tăm y như nhau, nhưng ca đêm thì trời tối dễ trốn hơn so với ca ban ngày. Toại căm thù ông chủ, Cầu cũng thế. H

ai đứa đồng hương kết nghĩa anh em. Rồi giả vờ chịu thương chịu khó để chờ thời. Bây giờ phải mưu trí. Mà 5 thằng nó trốn hết rồi, còn chỉ có 2 thằng thật thà ngây ngô nhất, công việc của cả lán vàng hầm vàng dồn cả lên đầu hai cậu nhóc.

Chúng nhìn mặt trời lặn, nhớ lại đường vào, dò hỏi thông tin và quyết định cắt núi mà đi. Hai cậu bé đều người Khơ Mú ở vùng sâu vùng xa, luồn rừng như sơn dương là nghề của chúng rồi. Đợi dịp ngày 6/7/2016, các ông chủ lán say rượu, lại vừa hả hê mấy chầu heroin nên đang “phê lòi”, hai đứa quyết định trốn.

Đi theo đường dây điện bắc ngoài đường ô tô rất xa vào lán, chúng cứ đi theo mãi để ra phía có dân cư, mà phải là ở vùng thật xa so với chỗ lán vàng để tránh “tay chân cài cắm” của các ông chủ mà kêu cứu.

Vừa chạy chúng vừa van xin núi rừng, hãy cho chúng đôi chân có mắt để luồn rừng trong đêm tối. Hùng Văn Cầu chuẩn bị bước sang tuổi 15, người đen nhoáy, bé loắt choắt, mắt xếch tinh tường.

Cầu nhìn ánh trăng, đoán ánh mặt trời sẽ lên từ phía nào và đường lớn sẽ nằm ở phía nào. Chúng cắt núi mà đi, vấn đề là phải đi nhanh. Đi ra đường thì sẽ bị xe máy, ô tô rồi lũ đầu trâu mặt ngựa được thuê “quản” các nô lệ lao động kia bắt.

Đi trong núi thì không có đường. Vừa xua đuổi rắn rết để sống sót, vừa lao thật nhanh để tự cứu mạng mình. Chúng đi đến khi trời sáng. Hú hồn, đúng hướng. Nhưng phải đi vòng sang bên kia dãy núi để tránh các ngã ba đường, tránh các đỉnh núi có “bạn bè” cú vọ của chú Phùng và anh Hảo đầu gấu.

Trong đêm tối, chân của Cầu ướt nhoẹt toàn máu do đá sắc cứa, gai đâm. Cả cây nứa vạt nhọn đâm vào ngón chân cái. Chúng nằm thiêm thiếp, đói khát cũng mặc. Sợ khí núi trên đá lạnh làm cho ngất xỉu, hai đứa bảo nhau bẻ lá cây lót xuống đá làm chiếu chăn.

Toại lớn hơn, có kinh nghiệm đi rừng hơn nên bảo với Cầu, chúng ta như anh em ruột thịt. Em lấy dép của anh mà đi, chứ chạy chân trần mãi, mất máu là chết đấy. Mỗi đứa có cái áo rách với cái quần đùi cũng rách. Gai cào nát bươm. Tóc của chúng dài ngang vai, da xanh bủng.

Chúng chạy suốt 2 ngày đêm, trừ vài chục phút thiếp đi giữa rừng già. Đến khi gặp đường lớn, thấy một người đi buông gỗ keo xuất hiện, thì cả hai sụp lạy và khóc xin cứu mạng. Chúng không biết rằng, chúng đã chạy đến tận xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Anh Hồ Văn Hồng, 41 tuổi, cũng là dân Quảng Nam (người thôn Ngọc Lâm, xã Bình Lâm) lên đồng rừng kiếm ăn, thấy hai thằng bé tóc tai rũ rượi, tóc dài ngang vai và rối bù như tổ quạ, Toại thì rách tơi tả, Cầu thì còn mỗi cái quần cộc te tua.

Bàn chân 2 đứa trẻ đầy máu khô, máu tươi. Cho uống từng ngụm nước nhỏ, ăn từng tí cơm nhỏ, anh Hồng sợ bọn chúng sẽ dính vào một bữa no bất ngờ và lăn ra chết.

Mất mấy ngày sau khi được người dân xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cứu giúp, Toại và Cầu mới hoàn hồn. Chúng không tin là mình còn sống.

Bà con xã Bình Lâm, mỗi người một tí, họ chung tay cho hai đứa trẻ đi cắt tóc, mua quần áo và ăn uống no nê, dùng thuốc điều trị vết thương. Có người thương xót quá, còn tặng “các người rừng nhí” cả cái điện thoại đen trắng có sẵn sim và tiền để các cháu gọi về cho gia đình và báo với bà con Bình Lâm khi cần trợ giúp.

Rồi bà con đưa hai đứa ra công an địa phương trình báo. Từ đó, người ta liên lạc với gia đình đề nghị xuống đón người thân bị bán buôn và trốn thoát trở về.

Nhưng câu trả lời từ gia đình Hùng Văn Cầu là: không có tiền và không biết cách đi đón. UBND xã Chiêu Lưu cũng có chủ trương bất thành văn là: xã nghèo, không có kinh phí đi đón. Chúng tôi đã lái xe từ Hà Nội vào đón, đưa các nạn nhân nhí hồi hương.

Tin liên quan

Đọc thêm

Thâm nhập những cánh rừng vùng biên đang ngày đêm "rỉ máu" Phóng sự

Thâm nhập những cánh rừng vùng biên đang ngày đêm "rỉ máu"

TTTĐ - Quá trình thâm nhập, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng vùng biên giới tại hai xã Ia Púch và Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, đang ngày đêm "rỉ máu"
Bài cuối: Niềm vui trên khu tái định cư do doanh nghiệp xây dựng Phóng sự

Bài cuối: Niềm vui trên khu tái định cư do doanh nghiệp xây dựng

TTTĐ - Bên cạnh những khu tái định cư còn nhiều bất cập, thì Khu tái định cư Thủy điện Đăk Mi 1, do Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư đang đem lại niềm vui, cuộc sống ấm no cho 37 hộ dân thôn Kon Năng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum).
Về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên Phóng sự

Về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

TTTĐ - Chiều 9/12, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, đoàn công tác của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới dự lễ cầu siêu, dâng hương tri ân những anh hùng hi sinh trên các mặt trận của tỉnh Hà Giang.
Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư? Phóng sự

Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư?

TTTĐ - Loạt bài phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy nhiều bất cập tại các khu tái định cư thuộc dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đang cần được tháo gỡ.
Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong Phóng sự

Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong

TTTĐ - Khi người dân chuyển về khu tái định cư đã phát hiện nhiều bất cập khiến các hộ dân “đi không được, ở cũng không xong”. Thậm chí, có hộ dân phải “bỏ của chạy lấy người”...
Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư Phóng sự

Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư

TTTĐ – Câu chuyện đầu tư khu tái định cư cho người dân vùng thiên tai, khó khăn tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) không được tính toán thấu đáo, dẫn đến dự án rơi vào cảnh hoang phế, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Bài 5: Để “thuốc” phát huy tác dụng Phóng sự

Bài 5: Để “thuốc” phát huy tác dụng

TTTĐ - Liên quan đến việc triển khai Chỉ thị 24/CT-TU của Thành uỷ Hà Nội, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi...
Bài 4: “Khâu khó, việc mới” - khẳng định “chất” người đứng đầu Phóng sự

Bài 4: “Khâu khó, việc mới” - khẳng định “chất” người đứng đầu

TTTĐ - Chỉ thị 24 được Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy xác định là “luồng gió” mới trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ.
Bài 3: Thủ đô tiên phong Phóng sự

Bài 3: Thủ đô tiên phong

TTTĐ - Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được cho là "liều thuốc" hữu hiệu.
Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính” Phóng sự

Bài 2: Nỗi đau từ “khối u ác tính”

TTTĐ - Chỉ thị 24 - cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nhận việc khó - là cách chữa trị đầu tiên tung ra giữa lúc cả xã hội đang cần một biện pháp hữu hiệu để điều trị căn bệnh trầm kha.
Xem thêm