Tag

Thực trạng hoạt động của Nhà hộ sinh ở Thành phố Hà Nội

Sức khỏe 15/06/2017 08:09
aa
TTTĐ.VN - Ở Việt Nam, mạng lưới y tế được triển khai đầy đủ từ tuyến cơ sở đến Trung ương. Tuy nhiên, sự quá tải của các bệnh viện lớn dường như ngược lại với sự đìu hiu của các cơ sở y tế tuyến dưới. Những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu là cần thiết, góp phần giảm tải cho tuyến trên, nhưng thực tế không phải cơ sở y tế nào cũng có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.

Thực trạng hoạt động của Nhà hộ sinh ở Thành phố Hà Nội

Thực trạng hoạt động của Nhà hộ sinh ở Thành phố Hà Nội

Không chỉ có thanh niên, các lứa tuổi khác cũng có nhu cầu không nhỏ đối với việc truyền thông giáo dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản...

Nhà hộ sinh được hình thành nhằm mục đích cung cấp dịch vụ sản phụ khoa thiết yếu cho người dân. Ngay khi mới thành lập, Nhà hộ sinh đã giúp cho các bà mẹ, các sản phụ sinh nở được an toàn, hạn chế trường hợp đẻ rơi, đẻ tại nhà và chăm sóc sơ sinh thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ, mang đầy đủ tính chất đặc thù của tuyến y tế cơ sở.

Ngày nay, với sự phát triển của các phòng khám, bệnh viện công lập và tư nhân về lĩnh vực sản phụ khoa, cùng với việc người dân sinh ít con hơn trước, đồng nghĩa với việc họ quan tâm đến sức khỏe của mẹ và con hơn dẫn đến số lượng sản phụ đăng ký sinh con ở Nhà hộ sinh ngày càng giảm, cụ thể trong tháng 6/2016 chỉ có 2 trường hợp sinh con tại Nhà hộ sinh A, trong đó Nhà hộ sinh được thiết kế với cơ cấu 10 giường nội trú. Các dịch vụ khác như: khám phụ khoa, khám thai, kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục duy trì được người bệnh nhưng cũng có xu hướng giảm so với các năm trước đây.


Thực trạng hoạt động của Nhà hộ sinh ở Thành phố Hà Nội

Nhà Hộ sinh A - Ngô Quyền - Hà Nội

Thành phố Hà Nội hiện có 4 Nhà hộ sinh (gồm Nhà hộ sinh A Ngô Quyền; Nhà hộ sinh B Lò Đúc; Nhà hộ sinh Đống Đa, Nhà hộ sinh Ba Đình) được đầu tư khá khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, cả 4 Nhà hộ sinh này đang chung số phận: Hoạt động èo uột, dư thừa cơ sở vật chất, nhưng lại thiếu vắng sản phụ. Trong khi đó, tại các Bệnh viện: Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương lúc nào cũng quá tải.

Các Nhà hộ sinh này được hình thành từ rất lâu, khi đó Hà Nội mới chỉ có 4 quận nội thành mà ngày nay gọi là 4 quận nội thành cũ. Bốn Nhà hộ sinh này nằm trên địa bàn 4 quận trực thuộc Trung tâm Y tế của quận đó: Nhà hộ sinh A thuộc quận Hoàn Kiếm, Nhà hộ sinh B thuộc quận Hai Bà Trưng, Nhà hộ sinh Đống Đa thuộc quận Đống Đa, Nhà hộ sinh Ba Đình thuộc quận Ba Đình. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của 4 Nhà hộ sinh này đều rất giống nhau. Mô hình này giống như một bệnh viện sản tuyến cơ sở thu nhỏ trong đó có 5-10 giường bệnh nội trú, có khả năng tiếp nhận ít nhất 5-10 ca đẻ mỗi ngày.

Ngoài bác sĩ và nữ hộ sinh, Nhà hộ sinh còn có các bộ phận hành chính, kế toán, dược, hộ lý, điều dưỡng phụ trách tiêm chủng, bảo vệ. Các phòng ban tại đây bao gồm nhà đẻ, khu thủ thuật, khu xét nghiệm, khu khám phụ khoa, siêu âm, phòng tiêm chủng, nhà giặt, nhà hấp sấy, kho dược, khu khử trùng dụng cụ, nhà xe, khu hành chính-kế toán.

Năm 2010, Nhà hộ sinh Đống Đa đã được Thành phố Hà Nội đầu tư xây mới khang trang với 3 tầng đẹp đẽ, trang bị thêm các trang thiết bị phục vụ cho việc sinh đẻ. Dù vậy, nhưng các sản phụ vẫn không mấy mặn mà đến sinh tại đây do phân cấp về thủ thuật khiến chị em… ngại. Chẳng hạn: Nhà hộ sinh chỉ được đỡ đẻ thường, không được mổ đẻ; điều này vừa không đáp ứng được yêu cầu của số đông sản phụ, lại vô tình hạn chế chuyên môn của bác sĩ.

Vấn đề chủ yếu là niềm tin vào chất lượng dịch vụ cho người dân. Phụ nữ mang thai khi đến Nhà hộ sinh thường hỏi có phòng mổ không, khi được biết không có thì ai cũng e dè rồi tìm đến bệnh viện để sinh.

Qua nghiên cứu tại Nhà hộ sinh A 36 Ngô Quyền Hà Nội, số lượng sản phụ đến đẻ tại Nhà hộ sinh này giảm 5 lần trong vòng 6 năm qua. Nhiệm vụ chính ở Nhà hộ sinh là đỡ đẻ, ngay như tên “Nhà hộ sinh” cũng nói lên điều đó. Tuy vậy, dịch vụ này dường như lu mờ hơn so với các dịch vụ khác như khám phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình.


Thực trạng hoạt động của Nhà hộ sinh ở Thành phố Hà Nội

Đội ngũ y bác sĩ của Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Một giáo sư đầu ngành về sản phụ khoa đã nghỉ hưu cho rằng, từ trước tới nay, việc quản lý thai và đỡ đẻ tuyến cơ sở làm rất tốt. Những bà đỡ dày dặn kinh nghiệm có thể xử lý cả những ca sinh khó. Về sau, do cơ chế về y tế và tâm lý người bệnh, những cơ sở sản khoa tuyến dưới đang dần bị lãng quên.

Theo ông, hiện nay phụ nữ quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, việc chăm sóc thai kỳ cũng được chú ý, tuy nhiên nhiều người lại thực hiện chưa đúng cách khi chỉ chăm chăm đi siêu âm 4 chiều, siêu âm màu, chọn nơi sinh theo đám đông, quảng cáo...

"Siêu âm không phải là khám thai. Khám thai là quản lý sức khỏe của cả mẹ và bé, tiên lượng những trường hợp có thể xảy ra trong ca đẻ. Nếu làm tốt việc này thì sẽ hạn chế được rất nhiều tai biến sản khoa, mà không cần phải dồn tới các bệnh viện tuyến trên", ông nói.

Bên cạnh việc đỡ đẻ, với kinh nghiệm và tay nghề, các Nhà hộ sinh tại Hà Nội cung cấp các dịch vụ cơ bản về sản phụ khoa thu hút khá đông khách hàng. Với 4 Nhà hộ sinh có quy mô, tổ chức, hoạt động, nguồn lực tương đối giống nhau, số lượng dịch vụ của họ cũng khá tương đồng. mỗi tháng trung bình họ tiếp đón 500-600 lượt khách hàng đến sử dụng dịch vụ. Đông nhất là khám phụ khoa, khám thai rồi đến kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Ngoài đỡ đẻ, khám thai, khám phụ khoa, KHHGĐ, họ cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà, tiêm chủng cho mẹ và con và một số dịch vụ cận lâm sàng phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và đỡ đẻ.


Thực trạng hoạt động của Nhà hộ sinh ở Thành phố Hà Nội

Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn trong tình trạng quá tải với những ca đẻ thường mà lẽ ra Nhà hộ sinh và các bệnh viện tuyến dưới có thể đảm đương được.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Vy - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội sản Phụ khoa Việt Nam, các sản phụ đều biết về tình trạng quá tải tại một vài bệnh viện, nhưng họ vẫn tìm đến là bởi, họ biết ở những nơi đó, có bác sĩ tay nghề cao, có chất lượng phục vụ tốt, có các chuyên gia và khi xảy ra tai biến trong sinh đẻ thì được can thiệp kịp thời bởi những chuyên gia và những bác sĩ giỏi.

Đó là lý do vì sao mà ở một số các bệnh viện như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện tại vẫn phải gánh đến 30- 40% những ca đẻ thường, mà lẽ ra, những ca đó phải ở Nhà hộ sinh, hoặc ở những bệnh viện tuyến dưới.

Còn lý do vì sao các Nhà hộ sinh thường bị các sản phụ từ chối là bởi ở đó chưa được trang bị đầy đủ, trình độ cán bộ hạn chế, trang thiết bị chưa hiện đại. “Mà không chỉ riêng Nhà hộ sinh, nhiều bệnh viện tỉnh, được đầu tư xây dựng rất lớn, nhưng vẫn không có bệnh nhân, vì tất cả bệnh nhân đều đã nhảy hết về Hà Nội” – GS.TS Nguyễn Đức Vy nói.

Tỷ lệ các ca đẻ khó ở Nhà hộ sinh không nhiều. Thực tế, tại các Nhà hộ sinh ở Hà Nội hầu như không xảy ra các ca tai biến gây hậu quả, trừ những trường hợp bất khả kháng. Ở đây luôn rất coi trọng việc tiên lượng, theo dõi sát sao bệnh nhân, nếu thấy ca nào khó là họ chuyển viện.

Không ít người từng tới khám và đẻ ở Nhà hộ sinh thì thể hiện thái độ hài lòng, vẫn chọn nơi đây để vượt cạn lần hai.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là mô hình Nhà hộ sinh khá giống một bệnh viện phụ sản thu nhỏ, nhưng mọi thứ từ cơ sở vật chất, nguồn lực, dịch vụ đều nhỏ bé hơn rất nhiều, trình độ hạn chế hơn rất nhiều so với bệnh viện. Mô hình Nhà hộ sinh không có bước đột phá, do vậy rất khó thu hút khách hàng đến sử dụng dịch vụ đặc biệt là sinh con và lẽ tất nhiên họ sẽ tìm đến bệnh viện nhiều hơn. Vì vậy, để thu hút khách hàng, Nhà hộ sinh cần phát huy những mặt mạnh của mình là cung cấp các dịch vụ cơ bản, tạo cảm giác gần gũi thân thiết với khách hàng bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ những dịch vụ là thế mạnh của mình, phát triển các dịch vụ như khám sức khỏe định kỳ, đội lưu động khám tại nhà, các khóa đào tạo giáo dục sức khỏe, trang bị phòng ốc gần gũi với khách hàng giống như nhà của họ thì có thể sẽ thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Trong 6 năm qua, các dịch vụ khác tại Nhà hộ sinh có giảm nhưng không giảm nhiều như dịch vụ đỡ đẻ. Các dịch vụ này trong năm 2011 so với năm 2016 giảm khoảng 20%.

Việc giảm số lượng dịch vụ của Nhà hộ sinh có nhiều nguyên nhân, do nguồn nhân lực, trang thiết bị Nhà hộ sinh trong công tác đỡ đẻ dần lạc hậu so với thời đại. Sản phụ ngày càng chăm lo sức khỏe của mình hơn do vậy họ muốn được cung cấp dịch vụ ở cơ sở hiện đại, uy tín hơn. Với việc giảm không nhiều các dịch vụ khác như: khám thai, đặt dụng cụ tử cung, khám phụ khoa chứng tỏ Nhà hộ sinh A vẫn thu hút được một nguồn bệnh nhân nhất định, tuy nhiên vì mạng lưới y tế rộng mở, nhiều phòng khám tư nhân, bệnh viện tư nhân mở ra đã hút bớt phần nào lượng bệnh nhân đến với Nhà hộ sinh. Cộng thêm việc không quảng bá hình ảnh, với hình thức ”Hữu xạ tự nhiên hương” cũng làm cho ít khách hàng biết đến dịch vụ của Nhà hộ sinh A để họ có thể lui tới khám chữa bệnh.

Nhà hộ sinh chưa thu hút được những người bệnh, những khách hàng có trình độ, có thu nhập cao và các đối tượng cán bộ. Như vậy, Nhà hộ sinh A phù hợp với tầng lớp có thu nhập, trình độ trung bình hơn là các tầng lớp khác, khá gần với mô hình “phòng khám bình dân”. Với những đối tượng có thu nhập trung bình, nghề nghiệp tiểu thương và nội trợ, nhiều chị em chỉ khi có bệnh hoặc thấy bất thường mới đi khám, chưa hình thành tư tưởng khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ một cách khoa học, họ vẫn chủ quan coi thường sức khỏe của chính mình.

Đa số phụ nữ đến với Nhà hộ sinh là khách hàng thường xuyên. Điều này cho thấy Nhà hộ sinh vẫn giữ được uy tín về chất lượng chuyên môn, dịch vụ nên họ mới quay lại. Đó là một phần lý do để duy trì mô hình Nhà hộ sinh. Nhưng nguồn khách hàng mới cũng rất quan trọng vì góp phần vào việc phát triển các Nhà hộ sinh. Có tăng nguồn bệnh nhân mới có điều kiện để phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút nguồn nhân lực để Nhà hộ sinh ngày càng phát triển bền vững hơn.

Ngoài ra, việc đóng khung trong một số dịch vụ nhất định theo truyền thống từ trước mà chưa cập nhật các phương pháp và xu thế chung của y học ngày nay cũng làm hạn chế các khách hàng muốn đến với Nhà hộ sinh. Họ chỉ chú ý đến khám thai để sản phụ đẻ tại Nhà hộ sinh, hút thai dưới 12 tuần mà chưa chú trọng phát triển các dịch vụ khác. Ngay như số lượng khám phụ khoa đông nhưng số lượt chữa phụ khoa lại rất ít, đa phần chỉ kê đơn cho về, rất hạn chế điều trị triệt để bằng các phương pháp đốt điện điều trị lộ tuyến, sàng lọc ung thư đường sinh sản như ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Ước tính ở Việt Nam cứ 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15-19 thì có đến 46 người sinh con. Tỷ lệ này cao hơn so với nhiều nước ở châu Á. Con số này ở Myanmar chỉ là 17,4; Singapore là 5,2. Như vậy có thể thấy nhu cầu về việc truyền thông giáo dục sức khỏe của thanh niên là rất lớn và công tác này là đặc thù của tuyến y tế cơ sở mà các Nhà hộ sinh là nơi rất thích hợp. Hơn nữa, không chỉ có thanh niên, các lứa tuổi khác cũng có nhu cầu không nhỏ đối với hoạt động này.

Phụ nữ khi đến Nhà hộ sinh sử dụng dịch vụ nhiều nhất là khám phụ khoa, sau đó là nạo phá thai, rồi đến khám thai, đặt dụng cụ tử cung, đẻ và cuối cùng là chăm sóc sau sinh.

Với dịch vụ chăm sóc sau sinh trong đó bao gồm tắm bé là dịch vụ rất phù hợp với mô hình và trình độ của Nhà hộ sinh nhưng lại là dịch vụ có số lượng cung cấp thấp nhất. Điều này cần phải cải thiện hơn mặc dù có ý kiến cho rằng các bệnh viện cũng cung cấp dịch vụ này nên không cạnh tranh được, rồi số đẻ ít nên chăm sóc sau sinh cũng ít theo. Đó không hẳn là lý do duy nhất vì còn rất nhiều các ca sinh ở bệnh viện nhưng không phải sản phụ nào cũng ở gần bệnh viện. Vấn đề ở đây là cách tiếp cận các bà mẹ sau sinh, các kênh thông tin của Nhà hộ sinh A đến với cộng đồng là chưa có.

Với cơ cấu dịch vụ như trên có thể thấy ngoại trừ đỡ đẻ, các dịch vụ khác tại Nhà hộ sinh A vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với các nguồn lực sẵn có tại Nhà hộ sinh .

Để Nhà hộ sinh hoạt động có hiệu quả hơn cần có sự thay đổi về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu như khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe tại nhà và đặc biệt nâng cao công tác giáo dục sức khỏe để người dân ý thức hơn, quan tâm hơn tới sức khỏe của chính mình.

Tin liên quan

Đọc thêm

Lập 10 đoàn kiểm tra trong “Tháng hành động vì ATTP" năm 2024 Chung tay vì an toàn thực phẩm

Lập 10 đoàn kiểm tra trong “Tháng hành động vì ATTP" năm 2024

TTTĐ - Chiều 17/4, quận Tây Hồ tổ chức hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024” với chủ để “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP”.
Thu hồi toàn quốc lô sữa tắm không đạt chất lượng Tin Y tế

Thu hồi toàn quốc lô sữa tắm không đạt chất lượng

TTTĐ - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu huỷ lô sản phẩm sữa tắm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Phát hiện cơ sở quảng cáo, cung cấp dịch vụ giảm béo trái phép Nhịp sống phương Nam

Phát hiện cơ sở quảng cáo, cung cấp dịch vụ giảm béo trái phép

TTTĐ - Thanh tra Sở Y tế TP HCM đang tiến hành các thủ tục để xử lý theo quy định pháp luật với mức phạt cao nhất đối với Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm An Việt, buộc công ty này tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định trên các nền tảng mạng xã hội.
Xử lý 2 cơ sở quảng cáo và cung cấp dịch vụ trái phép Nhịp sống phương Nam

Xử lý 2 cơ sở quảng cáo và cung cấp dịch vụ trái phép

TTTĐ - Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động đối với phòng khám răng hàm mặt và cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ tắm hơi, massage nhưng thực tế lại quảng cáo và cung cấp dịch vụ “nam khoa” trái phép.
Thủ tướng tri ân gia đình người hiến tạng Tin Y tế

Thủ tướng tri ân gia đình người hiến tạng

TTTĐ - Thủ tướng Chính phủ có thư khen gửi tới các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia sau thành công ca điều phối, ghép tạng từ người cho chết não cứu sống 7 người vừa qua.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu Tin Y tế

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

TTTĐ - Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.
Đồ dùng trẻ em thương hiệu Richell chính thức ra mắt tại Việt Nam Sức khỏe

Đồ dùng trẻ em thương hiệu Richell chính thức ra mắt tại Việt Nam

TTTĐ - Ngày 16/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Sóng Thần (Magicwave) phối hợp với Công ty TNHH Richell Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu nhà phân phối sản phẩm đồ dùng tập uống và ăn dặm kiểu Nhật dành cho trẻ em mang thương hiệu Richell Nhật Bản tại Việt Nam.
Khám sức khỏe cho cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý Tin Y tế

Khám sức khỏe cho cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý

TTTĐ - Ngày 16/4, TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra công tác tổ chức, triển khai khám sức khỏe định kỳ năm 2024 đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tại 3 bệnh viện là Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn và Đống Đa.
Quận Ba Đình tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại trường học Chung tay vì an toàn thực phẩm

Quận Ba Đình tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại trường học

TTTĐ - Sáng 16/4, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” và mô hình “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục” trên địa bàn quận.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP Chung tay vì an toàn thực phẩm

Tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP

TTTĐ - UBND quận Long Biên vừa tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024.
Xem thêm