Tag

Trang trí đường phố: Thẩm mỹ giật lùi bao nhiêu lãng phí bấy nhiêu

Bạn đọc 20/01/2017 08:00
aa
Có tiền mua Tiên cũng được. Tiên được hiểu ở nghĩa đẹp, nghĩa thiên đường hạnh phúc. Tuy nhiên, có tiền chưa chắc đã mua nổi cô Tiên, mà lại mua cái “ông ba bị, chín quai, mười hai con mắt” xấu xí, thô kệch, vô giá trị.

Trang trí đường phố: Thẩm mỹ giật lùi bao nhiêu lãng phí bấy nhiêu

Con rồng có hình dáng quái lạ xuất hiện tại Hải Phòng

Con rồng có hình dáng quái lạ xuất hiện tại Hải Phòng

Con rồng đang hòa lẫn một màu xanh cây lá xung quanh, ít ai để ý, bỗng được khoác lên một thân hình khác, đầu Ngô mình Sở vàng chóe, quái đản ở Hải Phòng khiến dư luận ầm ĩ phê phán bởi có hai cái sai:

Một là, con Rồng không có thật, nhưng từ cảm xúc, trí tuệ dân gian và bác học đã tạo hình nên biểu tượng 1 con vật mang tâm thức và mỹ học dân tộc Việt qua các triều Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và hiện nay khá ổn định, bền vững.

Nhưng, “Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hải Phòng đã dùng hoa giả màu vàng bọc kín 2 con rồng vốn tồn tại từ lâu bằng cây xanh”. Vô tình người ta đã tầm thường hóa con rồng thiêng và làm con vật xấu xí, phản cảm một cách thô thiển, thiếu mỹ học.

Chứ nếu người ta sáng tác ra một con vật gì đó không phải con rồng, mà đẹp để trang trí phù hợp với mùa xuân tươi xanh thì chẳng ai ý kiến làm gì cho mệt.

Hai là, làm một con vật quái đản đón Tết rồi bị phá bỏ, rất lãng phí. Có thông tin làm hai con rồng này tốn 100 triệu đồng? Số tiền này mà đem bắc cầu vượt qua sông cho trẻ em miền núi vẫn phải đu dây đi học, cho người nghèo, người độc thân không nơi nương tựa thì mới nhân văn, nhân ái.

Con rồng vừa quen vừa lạ, không chỉ các dân tộc Á đông mà phương Tây cũng thế. Lạ vì nó là con vật không có thật được huyền thoại hóa theo hư cấu lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Trang trí đường phố: Thẩm mỹ giật lùi bao nhiêu lãng phí bấy nhiêu

Trước đây con rồng có màu xanh

Chưa một người nào, có thể cả Chúa nữa, nhìn thấy con rồng thật bằng xương bằng thịt. Con rồng mãi mãi chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng được huyền thoại hóa trong dân gian và hư cấu của văn học nghệ thuật.

Không lạ mới là chuyện lạ. Con rồng quen thuộc bởi từ cảm xúc và trí tuệ dân gian, sau này là trí tuệ hàn lâm nữa, người ta đã sáng tạo ra nhân vật rồng, tuy mỗi thời đại có khác nhau, mỗi dân tộc có chênh nhau quan niệm, nhưng cơ bản nó đã có hình dáng, diện mạo, tính cách để có thể... kể lại được, nhìn thấy được.

Con rồng có mặt trong văn học, kiến trúc, mỹ thuật, điện ảnh... Nó có những phẩm chất tạo hình và mỹ học, đã đi vào tâm thức dân tộc và nhìn thấy là có thể nhận ra rồng, chứ không ai bảo nó là rắn, là giun, là lươn. Quen là thế!

Con rồng là vật linh thiêng trong tín ngưỡng văn hoá Việt. Về cơ bản, con rồng uốn lượn sóng hình sin thành 12 khúc, mỗi khúc là một tháng trong năm. Đầu rồng to, có bờm dài, có râu. Mắt lồi. Mũi to bành. Nanh dài. Lưỡi dài và mảnh. Hàm rộng. Miệng thường ngậm viên châu.

Rồng phương Tây là biểu tượng của sự hung dữ và cái ác, nhưng rồng Á Đông lại là biểu tượng cho quyền lực, may mắn, an lành và sự trù phú, no đủ, tốt tươi của nền văn minh lúa nước.

Rồng mỗi thời đại có đặc điểm và phong cách khác nhau. Chẳng hạn rồng thời Lý hiền lành, nhưng rồng thời Nguyễn lại rất dữ dằn. Rồng còn là dấu ấn tư duy thẩm mỹ và quan niệm dân gian.

Chính vì thế, người dân bình thường nhìn con rồng kỳ quái ở Hải Phòng mới được dựng lên đón Tết thì rất ngạc nhiên và phản ứng có tính dây chuyền. Bởi nó không đẹp, không có hồn và không giống với những con rồng mà họ nhìn thấy trong cõi nhân gian và trong văn học, nghệ thuật.

Phản ứng là điều tất nhiên, khi chềnh ềnh trên đường phố một hình thù quái thú, đầu ngô mình sở, ngô nghê, đần độn. Các bạn trẻ còn ví con rồng ấy như con Pikachu - một con vật trong hoạt hình Nhật Bản.

Trước đây, cũng ở vị trí đấy đã có con rồng kết bằng cây xanh. Nói thực, cái đầu con rồng xanh cũng chẳng giống con rồng quen thuộc trong tâm thức Việt và nó cũng không đẹp; nhưng nó không bị dư luận lên tiếng chê bài, ỉ eo.

Vì nó cũng khiêm tốn, giản dị, nhỏ bé nằm cùng với màu xanh cây cỏ khác. Chẳng ai để ý lắm, và nếu có nhìn ra sự bất ổn của con rồng xanh thì cũng có thể tất cho qua.

Bỗng dưng, con rồng cây xanh được khoác lên hình dạng mới với những hoa giả vàng chóe... thì lại sinh chuyện. Trên báo mạng, có người bình luận bằng thơ thế này: “Bấy lâu hít thở khí trời. Bỗng dưng nghẹt thở vì mùi ni-lon.

Mấy ngày phải chịu long đong. Công ty nổi hứng biến rồng thành... sâu”. Nhìn hình dáng con rồng màu vàng, kết hoa giả rất phản cảm.

Dù là làm bằng chất liệu gì chăng nữa (hoa, vải ni lông...) và tạm thời trong vài tuần ngày Tết rồi tháo bỏ, nhưng thời đại ngày nay là thời của công nghệ thông tin - kỹ thuật số. Những hình ảnh ấy sẽ được quay phim, chụp ảnh từ điện thoại di động cũng được tán phát trên mạng.

Nhìn hình ảnh con vật kỳ quái đầu ngô mình sở ấy, người ta không tò mò khiếp sợ bởi thế gian mới xuất hiện một sinh vật lạ, thì cũng nghĩ ngay đến thẩm mỹ người Việt chúng ta có vấn đề?

Vụ hai con rồng vô lối được làm linh vật trang trí ở đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng không chỉ là chuyện xấu xí, phản cảm, mà còn là câu chuyện về tư duy nghệ thuật minh họa thô thiển đang tồn tại, phát triển theo xu hướng tầm thường hóa.

Nghệ thuật không của riêng ai, nhưng không phải ai cũng có tư duy mỹ học, và chẳng phải ai cũng làm nổi nghệ thuật. “Mỗi người đều có một nghề. Con phượng thì múa, con nghê thì chầu”, ai giỏi cày cuốc, quai búa, đập đe, quét nhà; ai thạo dạy học, làm kỹ sư điện toán, hay bác sĩ... thì cứ nghề ấy mà làm. Nghệ thuật thuộc về lĩnh vực khác.

Tôi biết Hải Phòng có rất nhiều nghệ sĩ là kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc giỏi... Vì sao người ta không mời các nghệ sĩ trứ danh của đất Cảng tham gia thiết kế tạo hình và chọn màu sắc cho con rồng?

Sao cứ để thợ vườn với mỹ học thủ công thô thiển trang trí đường phố? Câu chuyện mỹ học đường phố xuống cấp không chỉ ở Hải Phòng mà đang là nguy cơ tràn lan khắp nơi. Có những hình thù rối rắm, đèn màu xanh đỏ tím vàng loạn xị... chỉ làm xấu phố phường và gây cảm giác khó chịu cho người đi đường.

Thật lạ lùng! “Ông Nguyễn Khắc Hà – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hải Phòng, khi vừa nghe tới ý kiến của người dân về việc tạo hình con rồng bằng cách bọc hoa giả lên cây thật, ông Hà nổi nóng:

“Thế nào là không đẹp, các anh căn cứ vào đâu mà bảo không đẹp. Chúng tôi đang làm đẹp thành phố mà các anh lại có ý kiến thế à? Thiết kế chúng tôi đã được Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng duyệt. Không đẹp là thế nào?”.

Trang trí đường phố: Thẩm mỹ giật lùi bao nhiêu lãng phí bấy nhiêu
Con rồng màu vàng được tiến hành gỡ bỏ

Có nghĩa là ông Tổng giám đốc thấy đẹp và kiên quyết bảo vệ cái đẹp của mình. Trong khi đó, theo các chuyên gia mỹ thuật nổi tiếng như họa sĩ Lê Thiết Cương thì “2 con rồng tại đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng là vô cùng xấu. Không ra rồng thời Lý, thời Trần và thời Mạc mà lai căng con vật khác”.

Trên báo Giao thông, Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cũng bày tỏ: "Những thứ sáng tạo mà không dựa trên nền tảng trí tuệ và truyền thống thì đều chỉ là những cái vui chơi mang tính nhất thời".

Theo ông Tổng giám đốc công ty công viên cây xanh Hải Phòng thì “Thiết kế chúng tôi đã được Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng duyệt”. Vậy là, họ đã cùng nhau duyệt một con vật xấu xí, thô kệch để đón mùa xuân mới?

Duyệt qua loa, chiếu lệ, hay mỹ học của các vị tham ra duyệt thiết kế chỉ ở mức “trông gà hóa cuốc”, mà nên nỗi ông Nguyễn Xuân Bình - Phó chủ tịch UBND Thành phố lại phải ai oán: “Không chỉ xấu, phản cảm mà còn làm tăng nguy cơ gây chết các cụm cây xanh được trồng từ nhiều năm nay và được cắt tỉa rất kỳ công".

Ông Bình cũng quả quyết: “tôi đã yêu cầu phải tháo bỏ ngay, không thể để hình tượng “quê” như vậy giữa trung tâm thành phố".

Cuối cùng, hai con rồng xa lạ cũng đã được tháo bỏ. Người đi đường không phải tức mắt nhìn con thú quái đần độn, ngây ngô nữa. Nhưng, câu chuyện đâu chỉ dừng lại đó. Nỗi buồn về mỹ học sa sút ở cái chốn chuyên trang trí làm đẹp đường phố bao nhiêu thì lại xót xa bởi sự lãng phí tiền bạc của dân bấy nhiêu. Hai con rồng chi phí hết khoảng 100 triệu đồng.

Chỉ vài tiếng đồng hồ là phá bỏ xong, hai con rồng giả biến mất một cách chóng vánh. Nhưng, với người nông dân, người buôn thúng bán mẹt nghèo khó kiếm tiền, đến bao giờ mới có được số tiền khủng ấy?

Chả lẽ tiền thuế của dân cứ phải chi vào những chuyện “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”? Người quốc doanh làm ào ào, rồi lấy tiền Nhà nước sửa sai, mà không ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí ấy, còn kéo dài đến bao giờ nữa?

Tin liên quan

Đọc thêm

Một người dân đi làm thủ tục đất đai hơn 10 năm chưa xong Đường dây nóng

Một người dân đi làm thủ tục đất đai hơn 10 năm chưa xong

TTTĐ - Một người dân tại phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một mua đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế nhưng khi làm thủ tục sang tên lại bị kéo dài từ năm 2012 đến tận nay vẫn chưa xong.
Khởi tố 5 đối tượng vụ phá rừng tự nhiên tại Đăk Pxi Đường dây nóng

Khởi tố 5 đối tượng vụ phá rừng tự nhiên tại Đăk Pxi

TTTĐ - Cơ quan CSĐT, Công an huyện Đăk Hà đã khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam với 5 đối tượng trong vụ phá rừng tự nhiên tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) mà báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh.
Hải Phòng sẽ cưỡng chế thu hồi đất hộ bà Phạm Thị Thu Trang Đường dây nóng

Hải Phòng sẽ cưỡng chế thu hồi đất hộ bà Phạm Thị Thu Trang

TTTĐ - UBND huyện An Dương, thành phố Hải Phòng vừa thông tin về việc cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5, xã An Đồng, huyện An Dương.
Gia đình liệt sĩ có dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản? Đường dây nóng

Gia đình liệt sĩ có dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

TTTĐ - Tin tưởng “cò làm bìa đỏ”, gia đình ông Nguyễn Văn Phụng (con của liệt sĩ Nguyễn Văn Vượng) ở Kiền Bái, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, đã bị Hoàng Anh Đức và một số đối tượng lừa bán thửa đất 104m2 trị giá 1,5 tỷ đồng và 300 triệu đồng tiền vay tín chấp.
Những phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã được làm rõ Đường dây nóng

Những phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã được làm rõ

TTTĐ - Gần 1 năm ròng rã, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã kiên trì đeo bám, tìm hiểu vụ việc cấp đất trái quy định, trái thẩm quyền. Với sự vào cuộc quyết liệt và tinh thần cầu thị, đến nay các ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã có báo cáo chính thức về hàng loạt sai phạm trong việc quản lý đất đai xảy ra tại Công ty TNHH MTV 732 (Công ty 732) trong việc cấp đất cho các cá nhân.
Xây dựng sai phép, Công ty San Hô Xanh Côn Đảo bị phạt Đường dây nóng

Xây dựng sai phép, Công ty San Hô Xanh Côn Đảo bị phạt

TTTĐ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Du lịch San Hô Xanh Côn Đảo về hành vi xây dựng sai phép.
Người dân xã Tân Triều hạn chế tắm giặt vì thiếu nước sạch Đường dây nóng

Người dân xã Tân Triều hạn chế tắm giặt vì thiếu nước sạch

TTTĐ - Mới vào nắng nóng đầu hè đã xảy ra tình trạng thiếu nước sạch trên diện rộng do nguồn nước sông Đà không đủ cung cấp. Tại khu vực Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nguồn nước đến nhỏ giọt, chỉ có vào buổi sáng khiến người dân lo lắng, nhiều gia đình phải hạn chế tắm giặt để tiết kiệm nước sinh hoạt.
Công ty HPP bị "quỵt tiền", chủ đầu tư nói không liên quan? Đường dây nóng

Công ty HPP bị "quỵt tiền", chủ đầu tư nói không liên quan?

TTTĐ - Chủ đầu tư dự án thi công trụ sở UBND phường Chính Gián (TP Đà Nẵng) cho biết không liên quan đến Công ty HPP, THL, do các đơn vị này không trúng thầu.
Tỉnh Kon Tum chỉ đạo điều tra vụ phá rừng tự nhiên Đăk Pxi Đường dây nóng

Tỉnh Kon Tum chỉ đạo điều tra vụ phá rừng tự nhiên Đăk Pxi

TTTĐ - Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh tình trạng phá rừng tự nhiên quy mô lớn tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum (UBND) đã chỉ đạo yêu cầu điều tra, làm rõ đối tượng và hành vi trong vụ phá rừng trái phép.
Thực tế thửa đất mua đúng luật bị giả mạo hồ sơ ủy quyền chiếm đoạt Đường dây nóng

Thực tế thửa đất mua đúng luật bị giả mạo hồ sơ ủy quyền chiếm đoạt

TTTĐ - Sau loạt bài phản ánh vụ mua đất đúng luật bị người khác dùng hồ sơ ủy quyền giả mạo mua bán chiếm đoạt ở tỉnh Long An được bạn đọc quan tâm và Công an huyện Đức Huệ phục hồi điều tra, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tìm hiểu thêm thực tế thửa đất.
Xem thêm