Tag

Xin lỗi mẹ, Tổ quốc cần con!

Thể thao 08/04/2016 05:53
aa
TTTĐ - Sài Gòn tháng bảy bất chợt đổ cơn mưa, dưới nhà chờ xe buýt mọi người vội vàng chen chân nhau tìm chỗ trú. Có anh cảnh sát mặc quân phục đứng sát lề đường, những giọt mưa đập xuống mặt đất bắn lên người làm ướt cả đôi giày của anh…

Xin lỗi mẹ, Tổ quốc cần con!

TTTĐ - Sài Gòn tháng bảy bất chợt đổ cơn mưa, dưới nhà chờ xe buýt mọi người vội vàng chen chân nhau tìm chỗ trú. Có anh cảnh sát mặc quân phục đứng sát lề đường, những giọt mưa đập xuống mặt đất bắn lên người làm ướt cả đôi giày của anh…

Cơn mưa mùa hạ chỉ bất chợt thoáng qua, trời đã chập tối, trạm xe cũng đã vắng người, anh cảnh sát vẫn còn đó. Chiếc xe buýt mang số hiệu 602 đang tiến lại gần. Anh lơ xe tuyến Suối Tiên – Phú Túc nhanh nhảu mở cửa xe và thúc giục vị khách quen thuộc của mình:

- Nhanh chân nào chú cảnh sát ơi! Chuyến cuối cùng rồi đấy.

Chuyến xe đã đến bến cuối cùng. Xóm nghèo đã lên đèn, anh cảnh sát bước chân thật nhanh qua con đường vắng, không gian tĩnh mịch văng vẳng tiếng dế nghe thanh trong và yên lành. Căn nhà bé nhỏ của anh đầu ấp luôn sáng đèn hiên. Thủy, cô em út thấy anh hai về liền chạy ra sân:

- Mẹ ơi…mẹ… Anh hai về mẹ ơi…

Có vẻ như anh cảnh sát lâu lắm chưa về nhà nên đứa em gái nó mừng ríu rít như một con chim nhỏ. Trong cái lều tranh đang nghi ngút khói rơm, có người đàn bà tuổi trung niên bước ra thật vội:

- Tâm, con về đấy à! Trường có cho nghỉ không mà về ?

- Dạ. Con xin thầy chủ nhiệm nghỉ hai ngày phép để về với mẹ, chứ dạo này bán chạy mà một mình mẹ thì gói bánh không kịp cho người ta.

- Ừ vào ăn miếng cơm, rồi nghỉ ngơi, mẹ đang luộc mấy xấp lá chuối.

Trong căn nhà nhỏ giữa xóm nghèo, ánh đèn lung mờ rọi xuống mâm cơm, anh ăn vội rồi chạy xuống bếp phụ mẹ làm bánh. Mấy bữa nay bán buôn khá được, mẹ Tâm ngày nào cũng hết hơn năm mươi đòn bánh tét.

Vừa bước chân xuống cửa bếp, Tâm đứng khựng lại một lúc, hai mắt dõi theo mẹ mình, tấm thân gầy hao, cái lưng đã còng đi nhiều vì gồng gánh, tóc mẹ cũng đã bạc hơn, bóng mẹ liêu xiêu in lên tường vôi, hòa vào làn khói trong ánh lửa hiu hắt giữa trời đêm tĩnh lặng, mùi lá chuối luộc quen thuộc nồng trong mũi của anh. Phải chăng những làn khói rơm làm đôi mắt Tâm cay cay nên những giọt nước mắt cứ ứa ra.

- Mẹ, để cái nồi con nhấc cho, nặng lắm đấy.

- Ừ, con không nhấc thì mẹ cũng nhấc, mấy việc này mẹ không dám nhờ mấy đứa em của con, tụi nó là con gái, mẹ thương lắm. Bố con bệnh tình ra thế mẹ muốn nhờ vả cũng không được.

Không như ở Sài Gòn, đêm chưa khuya lắm nhưng cả ấp đã tắt đèn, chỉ còn một chút ánh sáng leo lắt của bếp rơm dưới túp lều tranh chiếu bóng hai mẹ con lên bức tường vôi đã đen kịt màu tro.

- Mẹ ơi, qua tháng học xong môn cuối, nhà trường phân con về Cẩm Mỹ thực tập, nên con sẽ được ở luôn với ba mẹ và mấy em.

- Được vậy thì tốt, mấy bữa nay con Thủy nó chạy bán bánh phụ mẹ tội quá, có con cũng đỡ mấy phần cho nó.

- Dạ, mà mẹ ơi. Con có bàn với Hà rồi, thực tập xong ra trường tụi con làm đám cưới luôn, hai đứa cũng lớn tuổi rồi, để Hà chờ con lâu tội lắm.

- Nhà bên đó cũng đã sang chơi mấy lần, hai bên đã chịu nhau thì tụi con tính vậy cũng tốt. Mấy hôm nữa mẹ ra chỗ ông thầy Hòa coi ngày lành tháng tốt thế nào rồi mẹ tính.

Hai ngày phép với Tâm trôi qua thật nhanh. Anh chia tay gia đình rồi lại bắt xe lên trường học. Tâm không quên mang theo gói bánh ít mẹ đã chuẩn bị để Tâm chia cho mấy bạn cùng lớp.

Hễ lần nào Tâm về nhà là mấy đứa trong phòng cũng có bánh ít ăn no. Chẳng còn mấy ngày nữa là Tâm và cả khóa K16 của anh phải chia tay nhau về địa phương thực tập. Có lẽ vì sắp phải xa nhau nên mấy đứa trong phòng ngậm ngùi tâm sự với những dự định trong tương lai sau khi tốt nghiệp ra trường :

- Này Tâm, tháng lương đầu tiên mày làm gì? Chắc là để sửa nhà lều cho mẹ nấu bánh chứ gì, tao biết cái bụng của mày mà.

- Không, để dành… con Thủy nó muốn đi học lại, tao để dành tiền mua cho nó chiếc xe đạp với đóng học phí cho nó, chứ mẹ tao thì không lo nổi rồi. Với lại tao định cưới vợ, không lẽ để mẹ tao phải đi vay mượn làm đám cưới cho tao nữa.

Ngày hôm sau, Tâm và cả lớp được thầy chủ nhiệm dặn dò trước khi đi thực tập, ai nấy cũng hớn hở nhưng cũng có phần ưu sầu khi phải xa giảng đường, xa bạn bè, xa thầy cô… Cái nếp ăn ở trong trường công an suốt hai năm qua đã in hằn trong kí ức của các anh biết bao kỉ niệm đẹp.

Mấy hôm nay đi bán ngoài chợ Phú Túc, bà Sữa hay được người ta hỏi về thằng con trai học công an đang thực tập. Cả ấp ai cũng biết Tâm ngay từ khi anh còn ở nhà vì anh nổi tiếng ngoan hiền, giỏi việc nhà mà đặc biệt là gói bánh tét thì đẹp miễn chê.

Có lẽ vì vậy mà Hà đã phải lòng Tâm ngay từ khi còn học chung cấp ba. Họ cũng sắp cưới nhau rồi, cả ấp ai cũng biết, hễ nhắc đến là ai cũng ngưỡng mộ.

Bắt đầu công việc thực tập ở Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Cẩm Mỹ, Tâm tõ ra rất thích nghi và được mọi người yêu mến. Sắp kết thúc một ngày làm việc, mọi người chuẩn bị ra về thì có cuộc gọi khẩn từ tổ tuần tra giao thông, đồng chí đội trưởng nhanh chóng phát lệnh thành lập tổ công tác đặc biệt đi làm nhiệm vụ.

Rất nhiều anh em trong đội đã xung phong vào tổ, trong đó có sinh viên thực tập Lê Thanh Tâm. Tâm và đồng đội được thông tin về vụ việc rằng có hai đối tượng vi phạm luật giao thông và dùng súng chống trả khi bị tổ tuần tra truy đuổi. Ngay lập tức Tâm và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ.

Tổ công tác đặc biệt vừa đến hiện trường thì hai đối tượng tiếp tục chạy trốn bằng chiếc xe máy đã cướp của người đi đường, đến vòng xoay Long Giao thì chúng bỏ xe máy trốn vào rừng cao su. Bị tổ công tác truy đuổi ráo riết, hai tên cướp tiếp tục trốn chạy vào rừng rồi dùng súng khống chế người dân để cướp xe máy.

Tâm tức tốc áp sát rồi nhanh chóng quật ngã đối tượng để giải cứu người dân, cuộc vật lộn diễn ra trong chốc lát, bỗng có tiếng súng vang rền giữa đại ngàn cao su xanh thẳm trong buổi chiều yên ắng. Đồng đội của Tâm nhanh chóng tiếp cận nhưng đối tượng một lần nữa chạy thoát.

Tâm nằm im giữa rừng cao su bạt ngàn với hơi thở yếu ớt. Máu trong ngực anh chảy ra ướt sũng bộ quân phục màu xanh lá mạ, mắt anh vẫn còn lim dim dưới những tia nắng chiều mà toàn thân không một chút cử động. Đồng đội ôm anh vào lòng, mấy bàn tay xiết chặt nhau, Tâm cố mở to mắt nhìn mọi người một lượt và áp má vào anh đội trưởng :

- Anh ơi, nhắn với bố mẹ em là con xin lỗi bố mẹ, anh xin lỗi Thủy, xin lỗi Thu, xin lỗi Thảo. Và với cả Hà nữa, anh xin lỗi vì không giữ được lời hứa. Và em xin lỗi các anh…

Đôi mắt của Tâm nhìn đăm chiêu vào ngôi sao trên mũ của anh đội trưởng rồi từ từ khép lại và ngất lịm đi.

- Tâm ơi…cố lên em, chút nữa anh đưa em về nhà với mẹ, cố lên mà em, em sẽ về với mẹ thôi…

Khoảng trời chiều u ám giữa đại ngàn cao su, không một ai có thể lắng nghe tiếng khóc nhói lòng của đồng đội anh, không một ai có thể thấu hiểu nỗi đau đang sắp mất đi một người em, một người đồng đội yêu quý.

Trên chiếc băng ca của xe cấp cứu, Tâm vẫn nằm im trong cơn mê, bỏ mặc cho đồng đội của anh đau đớn trong những giọt nước mắt…Tiếng còi xe xuyên màn chiều chạy đua cùng thần chết đã về đến bệnh viện, nhưng anh đã mãi mãi ra đi. Không một phép màu nào có thể thương xót và cứu lấy người đồng đội thân yêu của các anh.

Trời đã xế chiều, cũng như mọi hôm, bà Sữa cặm cụi bên nồi bánh tét của mình, nhưng không hiểu vì sao hôm nay thằng con trai của bà muộn rồi mà chưa về. Nó bảo kê bếp nấu bánh là phải chờ nó về để nó làm nhưng chờ mãi bà không thấy, trời đã chập tối, bà phải tự mình nhấc nồi bánh lên bếp và đỏ lửa. Mấy đứa em gái thì đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi, chỉ chờ anh hai về là cả nhà cùng ăn, từ khi anh hai chúng nó đi học cả nhà hiếm khi có bữa cơm đông đủ thành viên trong gia đình.

Nghe tiếng xe máy đầu ngõ, Thủy ríu rít chạy ra sân đón anh hai, nhưng xuống xe là một người mà Thủy chưa bao giờ gặp. Người đàn ông đó cũng mặc quân phục như anh hai của Thủy, xin gặp mẹ. Anh đội trưởng e dè bước vào nhà, mẹ Thủy dưới bếp đi lên:

- Dạ em chào chị. Người đàn ông đã đứng tuổi chào chủ nhà với giọng rụt rè.

Mẹ Tâm nhanh chóng nhận ra người đàn ông có bộ quân phục giống con trai của mình nên hỏi ngay :

- Chào chú, chú tới nhà có việc gì không chú ?

Anh đội trưởng mắt nhìm mâm cơm bày sẵn chờ Tâm về mà nước mắt lưng tròng, giọng run run:

- Chị ơi, Tâm…Tâm…

Với linh cảm của một người mẹ, mẹ Tâm cảm nhận được có chuyện gì đó không lành với đứa con trai duy nhất của mình, bà hỏi gấp chú công an:

- Thằng Tâm nó đâu chưa về hả chú, nó làm sao rồi hả chú ?

Anh đội trưởng không cầm được nước mắt, dù biết mình sắp lấy đi cả bầu trời ngay trước mắt mẹ Tâm, nhưng buộc anh phải làm điều đó:

- Dạ… dạ… Tâm … Tâm hy sinh rồi chị ơi.

Người đàn bà đứng không còn vững nữa, cảnh vật trước mắt bà mờ đi, đôi bàn tay run lên và cố siết chặt vào nhau, bà không muốn tin những gì mình vừa nghe được từ người đàn ông xa lạ :

- Chú…chú…đừng nói xui, nó hẹn chiều nay về gói bánh cho tôi mà hy sinh là thế nào.

Xin lỗi mẹ, Tổ quốc cần con!

Anh đội trưởng cũng phải lặng im không muốn nhắc lại câu nói đầy tàn nhẫn với một người đàn bà tội nghiệp như vậy nữa. Mấy đứa em của Tâm đứng ngây người ra vì không biết phải phản ứng ra làm sao trước mọi chuyện. Ngay lập tức anh đội trưởng nói với mấy đứa :

- Thôi mấy đứa ăn cơm trước đi, chú chở mẹ các con đi gặp anh hai, tối nay anh hai không về, mấy đứa ở nhà ngoan nhé.

- Ừ, chú chở tôi đi gặp nó, đi liền đi. Mấy đứa ăn cơm rồi ngủ sớm, chút nữa mẹ với anh hai cùng về. Người đàn bà sắc mặt vẫn đang còn tái nhợt hiểu chuyện gì đang xảy ra và vội lên xe đi gặp con trai mình.

Không gian lặng lẽ yên ắng của nhà xác bệnh viện bỗng bị xé tan vì tiếng khóc nghe đau xót đến tột cùng của người đàn bà tội nghiệp.

Bầu trời như sụp đổ trước mắt bà, không khí như bị rút hết, bà chỉ khóc mà không thở được bên thi hài đã lạnh của con trai mình. Chiếc quan tài đã được đưa đến bởi các đồng đội của anh. Không một ai muốn đặt anh ấy và trong khung gỗ lạnh tanh và vô cảm.

- Đừng, con tôi chưa chết, đừng đưa nó đi…

- Tâm ơi, mẹ đây con, dậy về nhà với mẹ, về ăn cơm với mấy đứa em con ơi…

Những ai chứng kiến cảnh ngộ này đều phải ước một điều ước cho đứa con bé bỏng, cho người đồng đội thân yêu được tỉnh dậy, cho anh ấy được về nhà, cho anh ấy được đến trường.

Chuyến xe đưa thi hài của anh trở về với bữa cơm đoàn viên cùng gia đình, người cha đang mắc chứng tâm thần khi hay tin con mình đã lìa xa cõi đời càng trở bệnh nặng, mấy đứa em gái đón anh bằng những giọt nước mắt đớn đau, đứa nhỏ nhất nước mắt nghẹn ngào :

- Mẹ ơi, anh hai chưa về hả mẹ, đêm nay ai ấp con ngủ? Mẹ nói anh hai về đi, con nhường cái nệm cho anh hai ngủ.

Giữa căn nhà bé nhỏ, cỗ quan tài phủ lá Quốc kỳ đỏ thắm, vây quanh là những con người tội nghiệp đã khóc cạn nước mắt và không còn một chút sức lực. Kẻ đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh, ngất đi rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại gục xuống bên chiếc quan tài.

Anh ngã xuống khi đang còn quá trẻ, bỏ lại sau lưng người cha tội nghiệp, bỏ lại mẹ già côi cút trong căn lều tranh nghi ngút khói chiều, bỏ lại đàn em thơ với bao lời hứa hẹn…

Anh đi rồi, ai nấu bánh phụ mẹ, lưng mẹ còng, thân mẹ gầy, tóc mẹ bạc lấy ai sẽ chia? Anh đi rồi những đêm trời trở gió, bố bạo bệnh ai ở kề bên? Anh đi rồi lũ em thơ bé bỏng, mỗi khi buồn phiền tâm sự cùng ai, lũ trẻ đầu ấp có bắt nạt, các em lặng thầm đâu dám kêu anh. Anh đi rồi người yêu còn đó, lỡ lời ước hẹn cho mối tình đầu tan vỡ trong nước mắt đau thương. Anh đi rồi, thầy cô bè bạn nỗi nhớ đong đầy người đồng đội thân yêu…

Tổ quốc mất đi một sinh viên tốt, một chiến sĩ anh dũng, mẹ Việt Nam mất đi một người con ưu tú. Dẫu biết rằng đất mẹ sẽ âu yếm đón anh vào lòng nhưng chúng con vẫn xót xa cho người đồng đội thân yêu. Nếu như cha ông ta hy sinh xương máu vì độc lập tự do thì anh ấy hy sinh vì cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.

Máu anh đổ xuống ngay giữa thời bình, khi anh đang còn tuổi đôi mươi trên băng ghế giảng đường. Chúng ta sẽ mãi nhớ đến anh như đã từng nhớ đến anh hùng Trần Văn Ơn và nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam ưu tú khác nữa.

Nghĩa trang lạnh lùng đón anh yên nghỉ, những nấm mồ bên xanh cỏ có phải đều như anh? Xin hãy dành cho anh một chút tình thương nơi lạnh lẽo của lòng đất, bởi anh đi vì Tổ quốc thân yêu. Thay lời tiễn biệt người học trò đáng mến của mình, thầy giáo đọc lời điếu văn trong lễ truy điệu anh:

“Anh ấy là sinh viên tốt trong những người sinh viên tốt, anh ấy ngã xuống vì một lý tưởng cao cả, vì một ước mơ cao đẹp của tuổi trẻ. Tổ quốc, gia đình, đồng đội, bạn bè, thầy cô và tất cả mọi người sẽ phải nhớ đến anh như một tượng đài anh dũng giữa thời bình, là tấm gương cho thế hệ sinh viên, thanh niên Việt Nam noi theo. Chúng tôi xin được kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn của anh để chào tiễn biệt anh về với đất mẹ thân yêu”.

Một ngày mưa bất chợt nữa của tháng bảy, dưới góc cây hoàng vĩ, nấm mồ cỏ đã xanh tươi, có người mẹ già và ba cô gái trẻ ngồi đó lặng im trong con mưa vội vã của mùa hạ.

(Câu chuyện dự thi "Sinh viên Việt Nam- Những câu chuyện đẹp" của bạn Dương Đăng Trợ, trườngĐại học Công an nhân dân)

Đông Sơn (ghi)

Tin liên quan

Đọc thêm

Khai mạc Giải bóng đá công nhân, viên chức lao động Hà Nội Thể thao trong nước

Khai mạc Giải bóng đá công nhân, viên chức lao động Hà Nội

TTTĐ - Sáng 17/4, tại sân vận động Tây Hồ (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Cúp báo Lao động Thủ đô lần thứ IX năm 2024.
22 đội tham gia Giải bóng đá Công nhân viên chức lao động Thể thao trong nước

22 đội tham gia Giải bóng đá Công nhân viên chức lao động

TTTĐ - Chiều 16/4, tại trụ sở Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã diễn ra Lễ bốc thăm chia bảng Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Cúp Báo Lao động Thủ đô lần thứ IX năm 2024.
Giải bóng đá Nhi đồng U11 toàn quốc khởi tranh từ ngày 5/6 Thể thao trong nước

Giải bóng đá Nhi đồng U11 toàn quốc khởi tranh từ ngày 5/6

TTTĐ - Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc do Nestlé Milo tài trợ diễn ra từ ngày 5/6 đến 6/8 với 50 đội tham gia.
Khai mạc “Giải vô địch cầu mây quốc gia 2024” Thể thao trong nước

Khai mạc “Giải vô địch cầu mây quốc gia 2024”

TTTĐ - Sáng 15/4, tại Nhà thi đấu thể thao thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Liên đoàn cầu mây Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Bắc Giang tổ chức khai mạc Giải vô địch cầu mây quốc gia 2024.
Sôi động Giải Half Marathon thành phố mới Bình Dương năm 2024 Instant Article (Facebook)

Sôi động Giải Half Marathon thành phố mới Bình Dương năm 2024

TTTĐ - Sáng 14/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Câu lạc bộ chạy bộ Bình Dương và các đơn vị liên quan tổ chức Giải Half Marathon thành phố mới Bình Dương năm 2024.
Hơn 400 chiến sĩ công an tham gia giải chạy Nâng bước trí tuệ Thể thao trong nước

Hơn 400 chiến sĩ công an tham gia giải chạy Nâng bước trí tuệ

TTTĐ - Sáng 13/4, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra giải chạy Nâng bước trí tuệ lần II năm 2024 của Phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội với sự tham dự của hơn 400 vận động viên.
Runner khiếm thị chinh phục đường đua marathon 42km Thể thao trong nước

Runner khiếm thị chinh phục đường đua marathon 42km

TTTĐ - Mắc căn bệnh rung giật nhãn cầu từ khi mới chào đời, không thể nhìn thấy mọi thứ nhưng điều đó không ngăn cản được tình yêu với thể thao của Vũ Tiến Mạnh (24 tuổi, Phú Thọ). Không chỉ chinh phục các đường chạy dài, mới đây Tiến Mạnh trở thành người khiếm thị Việt Nam đầu tiên chinh phục marathon với độ dài 42km.
Công bố giải chạy marathon "Hành trình về Làng Sen 2024" Thể thao trong nước

Công bố giải chạy marathon "Hành trình về Làng Sen 2024"

TTTĐ - Giải marathon "Hành trình về Làng Sen 2024" do Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Nghệ An, Báo VietNamNet và Win VietNam đồng tổ chức vào ngày 9/6 tại Nghệ An, dự kiến quy tụ khoảng 3.000 vận động viên (VĐV) tranh tài.
Những con số "biết nói" tại Tiền Phong Marathon 2024 Thể thao trong nước

Những con số "biết nói" tại Tiền Phong Marathon 2024

TTTĐ - Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024) đã tạo nên những khoảnh khắc không thể nào quên. Bên cạnh đó là những kỷ lục, dấu mốc mới được thiết lập, khiến giải đấu tại Phú Yên trở nên vô cùng đặc biệt.
Edurun 2024: Quyên góp kỷ lục - 5 tỷ đồng để xây trường vùng xa Thể thao

Edurun 2024: Quyên góp kỷ lục - 5 tỷ đồng để xây trường vùng xa

TTTĐ - Giải chạy vì giáo dục thường niên của Vinschool - mùa 2024 vừa khép lại với số tiền quyên góp kỷ lục (từ 2015 đến nay) - 5 tỷ đồng cho hoạt động xây dựng trường cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Tiếp nối hành trình nhân ái với sứ mệnh “thu hẹp khoảng cách giáo dục”, sự kiện năm nay ghi dấu ấn với quy mô lớn thu hút hơn 10.000 vận động viên.
Xem thêm