Suốt 26 năm thầm lặng trông coi di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ với ông Công Ngọc Dũng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) đó là niềm vui, niềm tự hào lớn. Bởi, di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ - nơi ghi dấu ấn những ngày Bác về nghỉ, làm việc chính là ngôi nhà ông Công Ngọc Dũng đã sinh ra và lớn lên.
Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ nằm ẩn khuất bên đê An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đó là một nhà ngói năm gian, được xây dựng từ năm 1929, căn nhà của cụ Nguyễn Thị An là cơ sở Cách mạng trong thời kỳ năm 1941 - 1945, tại làng Phú Gia. Cụ An là con dâu cụ Công Văn Trường (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đã tiếp đón, nuôi giấu đoàn cán bộ và Hồ Chủ tịch từ Tân Trào về Hà Nội. Bà được tặng Huân chương kháng chiến hạng Hai và Bằng có công.
Đặc biệt, từ ngày 23 đến 25/8/1945, Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc đã về nghỉ và làm việc tại đây, trước khi vào nội thành Hà Nội chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối năm 1946, Bác Hồ cũng trở lại thăm ngôi nhà một lần nữa.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay căn nhà cổ vẫn được các thế hệ trong gia đình gìn giữ, duy tu từng món đồ, kỷ vật mang hình bóng của Bác. Từ cổng vào nhà, nền gạch lát ở sân đến các hiện vật quan trọng như chiếc sập gỗ, chiếc trường kỷ nơi Bác làm việc và nghỉ ngơi, chiếc phản mà đồng chí tháp tùng theo cạnh Bác (tức đồng chí Trần Đăng Ninh)... đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội của cụ An - người trông coi ngôi nhà gần 30 năm nay. |
Được sinh ra và lớn lên từ mái nhà này, ngay từ nhỏ, ông Công Ngọc Dũng đã được nghe ông bà, bố mẹ kể về những ngày Bác Hồ ở trong nhà mình. Niềm tự hào đó được nhân lên gấp bội khi năm 1996, thành phố Hà Nội đã lấy ngôi nhà của gia đình ông làm Nhà lưu niệm Bác Hồ.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1931, với năm gian bằng gạch, lợp ngói. Phía trước nhà có bốn chữ Hán "Minh nguyệt thanh phong" (trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ "Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành" (Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa Đông).
“Khi tìm hiểu hồ sơ, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa ngôi nhà và tự hào hơn khi nhà của ông bà, bố mẹ để lại được Nhà nước lấy làm di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ”, ông Công Ngọc Dũng chia sẻ. Điều đáng quý nhất đó là ngôi nhà được giữ nguyên trạng từ những ngày Bác Hồ lưu lại ở đây đến bây giờ.
Dẫn khách đi thăm di tích, ông Công Ngọc Dũng giới thiệu từ cách bố trí các phòng đến cách bài trí đồ vật bên trong nhà. Ngay cả các hiện vật quý bị thất lạc trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, sau đó cũng được các cụ tìm mọi cách để chuộc lại. Ông cũng phấn khởi giới thiệu với khách chiếc tràng kỷ ngày xưa Bác nằm nghỉ, bộ bàn ghế Bác từng ngồi làm việc.
Không chỉ say sưa với công việc thuyết minh, ông Dũng còn hết lòng chăm chút ngôi nhà để giữ lại một kỷ vật thiêng liêng từng gắn bó với gia đình ông. Từ khi trở thành di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ, ngôi nhà được thành phố tu sửa hai lần, một lần từ khi được công nhận và một lần vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ. Bản thân ông cũng tự bỏ kinh phí để tu sửa những chi tiết nhỏ của ngôi nhà nhiều lần với mục đích làm cho ngôi nhà bền đẹp.
Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Hồ Chủ tịch tại đây, ngôi nhà được công nhận là "Nhà lưu niệm Bác Hồ" và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. |
Điển hình như năm 2010, khi xây dựng nhà riêng của mình, ông Dũng đã tự bỏ kinh phí sửa chữa toàn bộ mái bếp theo đúng nguyên mẫu, trị giá hơn 10 triệu đồng. Hai bể nước mưa ngoài sân bị rò rỉ, ông Dũng cũng tự tu sửa lại, rồi tự gò máng nước để đón nước mưa vào bể.
Ông Công Ngọc Dũng tự hào cho biết, hàng năm lễ hội đình Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) tổ chức vào ngày 9 - 10 tháng Giêng, các cụ đều thực hiện nghi thức vào di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ xin nước mưa để ra lễ ngoài đình.
Ngôi nhà hiện có hai phòng hơn 10 m2 dùng trưng bày nhiều bức ảnh về Hồ Chủ tịch, cán bộ cách mạng qua các thời kỳ, cùng kỷ niệm của gia đình trong những năm tháng lịch sử. |
Hai phòng nhỏ bên cạnh dùng để trưng bày những tư liệu, hiện vật trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. |
Vali mây của Hồ Chủ tịch mang về từ Chiến khu Việt Bắc. |
Máy chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, đặt lưu niệm tại căn nhà. |
Bể nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng năm 1945 và 1946. |
Đến năm 2013, di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Phú Thượng được chuyển từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) về quận Tây Hồ quản lý. Đến năm 2015, ông Công Ngọc Dũng bắt đầu được bồi dưỡng một chút tiền thù lao, nhưng với ông, quan trọng hơn cả là hàng ngày được gắn bó, trông nom ngôi nhà.
Ngày 23/8/2022, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An.
Bài viết: Phạm Mạnh |