Ác mộng phận đời cô dâu bị bán sang Trung Quốc
Bài liên quan
Châu Âu có thể cung cấp năng lượng cho toàn thế giới
Đất nước tỷ dân bùng nổ nghề làm mẫu nhí
“Lá phổi” của hành tinh đang lâm nguy
Rừng Amazon cháy vì... thế giới ăn quá nhiều thịt
Sân bay tại Mỹ cấm bán chai nước bằng nhựa
WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về hạt vi nhựa và ô nhiễm
Mô hình trợ giúp thanh thiếu niên nhân văn tại Mỹ
Chọn “đường tắt” vào đại học danh tiếng cho con
Những trang trại rau trong lòng thành phố
Chính sách một con được áp dụng tại Trung Quốc từ năm 1979 - 2015 đã gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Trong hơn 30 năm qua, tính mạng hàng triệu bé gái đã bị tước đoạt khi rất nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc phải dùng các biện pháp phá thai để đảm bảo đứa con duy nhất là con trai. Ở đỉnh điểm của sự mất cân bằng giới tính năm 2004, cứ 100 bé gái thì có 121 bé trai được sinh ra. Các chuyên gia còn cảnh báo rằng, đến năm 2055, số nam giới độc thân ở nước này sẽ trội hơn so với nữ giới 30%.
Địa ngục trần gian
Dịch vụ môi giới buôn bán phụ nữ ở Pakistan bắt đầu phát triển mạnh từ cuối năm ngoái. Theo thống kê, chỉ tính từ tháng 10/2018 đến nay có khoảng 750 - 1.000 cô gái Pakistan kết hôn với đàn ông Trung Quốc thông qua các dịch vụ môi giới. Riêng Gujranwala, thành phố ở phía Bắc Lahore được xem là điểm đến nhiều hứa hẹn với những kẻ môi giới. Hơn 100 phụ nữ và các cô gái trẻ Cơ Đốc giáo ở thành phố này kết hôn với đàn ông Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Tại Pakistan, cha mẹ thường quyết định lựa chọn chồng cho con gái. Họ thường phải chịu chi phí tổ chức đám cưới, tiền hồi môn. Trong khi đó, các chàng rể Trung Quốc lại chủ động chi trả tiền tổ chức đám cưới, thậm chí hào phóng tặng thêm cho phụ huynh Pakistan tiền hồi môn.
Trung bình, mỗi người đàn ông Trung Quốc tới đây tìm vợ bỏ ra từ 3.500 - 5.000 USD, bao gồm các khoản thanh toán cho cha mẹ vợ, linh mục và nhà môi giới. “Tuy nhiên, đó chỉ là gian lận mà thôi. Tất cả những gì họ hứa hẹn đều không đúng sự thật”, cha của Muqadas Ashraf, một nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc nói.
Ban đầu, con rể người Trung Quốc hứa trả cho gia đình Muqadas khoảng 5.000 USD, bao gồm chi phí cho đám cưới và tiền váy cưới cho cô dâu. “Tôi chưa thấy và nhận được gì hết. Tôi đã tin rằng con gái có một cuộc sống tốt hơn và chúng tôi cũng vậy”, mẹ của Muqadas than thở.
Muqadas kể lại rằng, chồng tự nhận giàu có nhưng khi đến Trung Quốc vào đầu tháng 12/2018, cô phải sống trong căn nhà nhỏ chỉ có một phòng. Muqadas cũng rất ít khi ra khỏi nhà một mình. Ngoài ra, chồng của Muqadas còn nhiều lần đe dọa và đánh đập cô.
Trường hợp của Muqadas vẫn còn may mắn. Nhiều kẻ môi giới dụ dỗ các gia đình Pakistan nghèo khó gả con gái cho đàn ông Trung Quốc để lấy tiền. Trên thực tế, chúng ép các cô gái đi bán dâm hoặc làm nô lệ lao động cực nhọc.
Natasha Masih, 20 tuổi, bị gia đình gả bán sang Trung Quốc hồi tháng 11/2018. Người chồng đã ép vợ mới cưới quan hệ với một số đàn ông ở chung nhà. Sau đó, hắn mang cô đến một khách sạn ở thành phố Urumqi thuộc vùng Tân Cương hẻo lánh rồi nhốt ở đó để tiếp khách.
Không những thường xuyên làm nhục và đánh đập cô, anh ta còn nói: “Tao bỏ tiền mua mày ở Pakistan. Mày là tài sản của tao. Mày thuộc về tao!”, Natasha thuật lại lời chồng nói.
Những cô dâu tuổi teen
Nyo mới 16 tuổi đến từ cao nguyên San của Myanmar. Cô không biết có thai là như thế nào. Cô không biết mình đang ở đâu và cũng không thể nói được tiếng địa phương. Tuy nhiên, giờ đây cô đã là mẹ của đứa bé khoảng hai tuần tuổi.
Nyo bên đứa con mới 9 ngày tuổi. Ảnh: NYT |
Năm ngoái, Nyo và bạn cùng lớp Phyu (vẫn còn được gọi bằng những biệt danh vì chúng vẫn còn là những đứa trẻ vị thành niên) mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê hương nghèo khó này. Một người hàng xóm có tên là Daw San Kyi đã hứa tìm cho họ công việc phục vụ bàn ở một quán ăn giáp biên giới với Trung Quốc, thông qua kết nối của một dân làng khác là Daw Hnin Wai.
Cô Hnin Wai có ngôi nhà đẹp nhất trong làng. Vì vậy, lời đề nghị giúp hai cô gái trẻ tìm công việc rất có trọng lượng.
Một buổi sáng đầu tháng 7/2018, chiếc xe tải đến đón các cô gái. Con đường núi làm Phyu say xe. Daw San Kyi đưa cho Phyu bốn viên thuốc để cô cảm dễ chịu hơn, gồm một hồng và ba trắng.
Sau đó, hồi ức về các sự kiện của Phyu mờ nhạt dần. Ai đó đã tiêm vào cánh tay cô thứ gì đó. Một bức ảnh chụp Phyu trong thời gian đó cho thấy khuôn mặt sưng húp và đôi mắt choáng váng.
Nyo may mắn hơn. Cô từ chối uống thuốc. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày di chuyển, mơ ước về công việc tại nhà hàng của hai cô gái đã vụt tắt. Họ biết mình đã bị lừa. Nyo và Phyu đã cố gắng chạy trốn hai lần nhưng họ không biết phải đi đâu. “Những kẻ buôn người bắt chúng tôi và nhốt trong một căn phòng. Điện thoại thì không có tín hiệu”, Nyo kể.
Các cô gái đã chia tay nhau tại đây. Mỗi người kết đôi với một người đàn ông Trung Quốc mà họ được gọi là chồng, mặc dù không có giấy tờ hôn thú.
Khi đã bước chân đến Trung Quốc, những cô gái trẻ Nyo và Phyu phải sống biệt lập tại vùng nông thôn hẻo lánh, thậm chí đối mặt với bạo lực gia đình. Họ không thể giao tiếp do rào cản ngôn ngữ và phải dựa vào ứng dụng dịch thuật.
Một nghiên cứu của trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) và Hiệp hội Phụ nữ Kachin Thái Lan ước tính rằng, khoảng 21.000 phụ nữ và trẻ em gái ở miền Bắc Myanmar đã bị buộc phải kết hôn ở Trung Quốc giai đoạn từ năm 2013 - 2017.
Việt Nam và Trung Quốc vốn có đường biên giới chung dài, nhiều đường mòn, tiểu ngạch, lối tắt. Từ lâu, bọn buôn người đã lợi dụng để đưa các nạn nhân nhẹ dạ cả tin qua biên giới mà không bị phát hiện.
Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, cả nước đã phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người với gần 1.500 đối tượng mua bán, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc (chiếm 84,2% tổng số vụ) với 1.187 đối tượng tham gia, lừa bán 2.319 nạn nhân. Các địa phương phát hiện mua bán người nhiều nhất là các tỉnh biên giới như: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh...
Tình trạng nghèo đói ở vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn thấp và thiếu việc làm đã khiến nhiều phụ nữ cảm thấy cần phải đi nơi khác để kiếm sống. Điều này khiến họ dễ trở thành nạn nhân của những kẻ không có lương tâm. Tuy đã có nhiều cảnh báo nhưng những thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Những kẻ buôn người sẵn sàng dành ra hàng tháng hoặc hàng năm trời để đầu tư thời gian, lấy lòng tin của nạn nhân, rồi thực hiện mua bán người vì lợi nhuận quá lớn. Không có một mẫu số chung cho những kẻ buôn người. Đó có thể là bất kỳ ai, từ họ hàng đến bạn bè hay thậm chí là người yêu của nạn nhân.