Giải pháp nào để trẻ vị thành niên không phạm tội?

01:48 | 08/04/2016
TTTĐ - Theo Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định: Trẻ em bây giờ được cưng chiều theo đúng nghĩa “nâng trứng, hứng hoa”. Vì vậy, những tính cách xấu của trẻ như thói tham lam, lười biếng và ỷ lại được dung dưỡng và ngày càng khó gạt bỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em có những hành vi liều lĩnh để nhanh chóng đạt được mục đích, thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình.

Giải pháp nào để trẻ vị thành niên không phạm tội?

TTTĐ - Theo Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định: Trẻ em bây giờ được cưng chiều theo đúng nghĩa “nâng trứng, hứng hoa”. Vì vậy, những tính cách xấu của trẻ như thói tham lam, lười biếng và ỷ lại được dung dưỡng và ngày càng khó gạt bỏ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em có những hành vi liều lĩnh để nhanh chóng đạt được mục đích, thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình.

Giải pháp nào để trẻ vị thành niên không phạm tội?

Nhiều trẻ em mê game bạo lực.Ảnh: Minh Việt

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên là do đua đòi ăn chơi, nghiền internet, mê game bạo lực, thiếu sự quan tâm sâu sát của gia đình, xã hội… Mặt khác, chưa bao giờ trẻ em nước ta đang phải đối mặt với nhiều những vấn đề tiêu cực, những mặt trái của xã hội như hiện nay. Trong khi đó, không ít các gia đình, các ông bố, bà mẹ gần như không có kỹ năng để hướng dẫn, dạy dỗ và bảo vệ con mình 1 cách đúng nhất.

Ngăn chặn tình trạng phạm tội ở trẻ vị thành niên là bài toán đặt ra cho các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trước hàng loạt các vụ trọng án do trẻ em gây ra, nhiều người cho rằng, cần tăng nặng khung hình phạt để tăng tính răn đe đồng thời nghiêm trị những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Thìn cũng như nhiều chuyên gia về tâm lý, giáo dục cho rằng, tăng khung hình phạt để hạn chế trẻ em phạm tội chỉ là cách giải quyết từ ngọn, mang nặng tính chất tình thế và đi ngược lại với xu thế của thời đại. Phải làm sao để giúp trẻ tự phòng ngừa, tự nhận thức và làm chủ hành vi, hiểu rõ pháp luật cũng như biết yêu thương, tôn trọng sức khỏe, tính mạng của người khác mới chính là gốc rễ của vấn đề.

Đối với lứa tuổi này, các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, nên môi trường sống và gia đình, xã hội có tác động rất quan trọng, bởi đa số trẻ vị thành niên phạm tội là do thiếu hụt giáo dục trong gia đình và nhà trường. Do đó, một trong những biện pháp được coi trọng là tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên.

Các cấp bộ đoàn cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến. Lực lượng công an cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên, học sinh. Cùng với đó, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý văn hóa phẩm, phim ảnh và Internet. Vì tương lai con em chúng ta, mỗi gia đình hãy quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục và quản lý con em mình, kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội.

Trẻ vị thành niên cần được dạy về việc chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình song song với việc được dạy tuân thủ nghiêm minh. Tuy nhiên, giải pháp căn bản của vấn đề vẫn cần bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ hãy dành thời gian thích đáng cho con, định hình nhân cách từ sớm, giáo dục hành vi mang tính chuẩn mực, định hướng cung cách ứng xử… Chiến lược định hướng hành vi và lối sống của bạn trẻ cần được chung tay góp sức sao cho bài bản, hệ thống. Như thế mới có thể kéo giảm số lượng cũng như mức độ phạm tội trong giới trẻ hiện nay.

Văn Việt (tổng hợp)

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/