Tràn lan đồ chơi bạo lực trong lễ hội

14:38 | 15/02/2017
TTTĐ.VN - Mặc dù là mặt hàng cấm nhưng vào mùa lễ hội các loại đồ chơi bạo lực lại được bày bán một cách công khai làm mất đi những hình ảnh đẹp tại lễ hội. Không những thế, các loại đồ chơi này đã thu hút rất nhiều trẻ em, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương khi sử dụng chúng.

Tràn lan đồ chơi bạo lực trong lễ hội


Tràn lan đồ chơi bạo lực trong lễ hội
Trẻ em sử dụng đồ chơi bạo lực trong lễ hội Triều Khúc.

Ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu ít ngày, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã thu giữ 15.000 sản phẩm là các đồ chơi bạo lực. Các món đồ chơi trên đều thuộc danh mục cấm nhập khẩu, lưu hành và sử dụng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tại các lễ hội, tình trạng đồ chơi bạo lực lại xuất hiện trở lại.

Tại hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra vào sáng 5/2 (mùng 9 tháng Giêng âm lịch), các loại súng đồ chơi được bày bán phổ biến. Những người bán hàng tay cầm những chiếc súng đồ chơi không quên chĩa vào từng khách tham quan vừa để giới thiệu, vừa để mời chào. Thi thoảng, để tăng thêm tính hấp dẫn, dễ quảng bá sản phẩm, những chủ sạp lại bắn “bụp” một cái vào tấm bạt hay mặt nước.

Cùng với đó, những tốp thiếu nhi thay nhau chơi trò bắn trận giả với những khẩu súng nhựa trên tay, vừa chơi vừa cười khoái trá, náo động cả một góc hội làng. Không những thế, chúng còn tăng mức độ hấp dẫn của trò chơi bằng việc bắn vào nhiều người đang tham dự lễ hội. Trái lập với sự thích thú của lũ trẻ hay đám thanh niên đó, những nạn nhân không may hứng chịu phải nhăn nhó đau đớn, nhiều người còn tỏ ra bực tức. Họ cho rằng, trong một lễ hội độc đáo, nhiều ý nghĩa là thế, nhưng vì những hành động vô ý thức, những loại trò chơi vô bổ bỗng biến lễ hội bị xấu xí bởi những hình ảnh thiếu văn minh.

Liên quan tới vấn đề này, Ban quản lý lễ hội Triều Khúc cho rằng, rất khó để có thể kiểm soát được những người buôn bán và sử dụng loại đồ chơi trên. Nếu không cho người bán được bán hàng trong khu vực lễ hội thì họ bán bên ngoài hoặc trẻ nhỏ, thanh niên mua bên ngoài mang vào trong lễ hội sử dụng. Tuy nhiên, Ban quản lý cũng kiên quyết xóa bỏ những hình ảnh tiêu cực trên, tạo một không gian lễ hội mang đậm nét truyền thống và đầy ý nghĩa.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, với giá thành rẻ, hình thức bắt mắt khiến cho các loại đồ chơi bạo lực được tiêu thụ rất mạnh. Với giá chỉ từ 30.000 đồng – 150.000 đồng, bất cứ ai cũng có thể sở hữu cho mình một khẩu súng đồ chơi. Hơn nữa, kiểu dáng và chủng loại các đồ chơi bạo lực cũng rất đa dạng. Chính vì sự đa dạng về hình thức, giá cả lại rẻ cho nên nhiều phụ huynh lựa chọn đồ chơi bạo lực làm quà cho con trẻ. Họ cho rằng, những thứ đồ chơi thường được mô phỏng theo các phim hoạt hình trẻ hay xem và trẻ thường mong muốn được đóng vai thần tượng. Vì vậy, họ lựa chọn mua kiếm, súng vì muốn con được thực hiện ước mơ và sở thích của mình.

Tuy nhiên, nhiều người không biết, việc sử dụng đồ chơi bạo lực ảnh hưởng lớn tới tâm lý của người dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Đi chơi lễ hội vui là thế nhưng nhìn những tốp trẻ con bắn súng vào nhau, tôi chỉ biết lắc đầu. Trong khi có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, tôi không hiểu sao những phụ huynh khác lại chấp nhận cho con chơi những trò bạo lực đó. Chưa kể tới, súng bắn rất mạnh, bắn vào tay người lớn đã thấy đau rát, nếu chẳng may trẻ con bắn vào mắt nhau thì sẽ nguy hiểm như thế nào?!”

Đây không chỉ là lo lắng của anh Hùng bởi trên thực tế đã có rất nhiều những trường hợp bị chấn thương do các loại đồ chơi này gây ra. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra tình trạng trên.


Liên quan tới đồ chơi bạo lực, ngày 27/12/1997, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ra Quyết định số 464/BNV ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm, bao gồm: “Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn:Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại; súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ; các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn; các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén”.



Thanh Hà

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/