Nghi bắt cóc trẻ em, nhiều nạn nhân bị xử lý theo “luật rừng”

07:21 | 01/08/2017
TTTĐ.VN - Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc người dân vì nghi ngờ người lạ mặt vào làng bắt cóc trẻ em. Họ hô hoán tạo đám đông và tự xử một cách thái quá. Nhiều người đã bị đòn oan, tài sản bị đốt, phá như vụ đốt ô tô xảy ra tối 20/7, tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương; vụ 2 người phụ nữ bị đánh bầm dập ở xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) khiến dư luận hết sức lo ngại.

Nghi bắt cóc trẻ em, nhiều nạn nhân bị xử lý theo “luật rừng”

1.000 người đòi vây đánh, đốt xe ô tô

Khoảng 18h chiều 20/7, anh Trịnh Mạnh Hải (SN 1980, ở Thái Nguyên, Giám đốc kinh doanh của công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Hải Dương) cùng lái xe Lê Văn Nam (SN 1988, ở Chương Mỹ, Hà Nội) đi xe ô tô 34A-121.79 về nhà vợ ở xã Tân Việt (Thanh Hà) chơi.

Trên đường về, khi đi qua khu bán đồ gỗ ở xã Hồng Lạc, anh Hải đã bảo anh Nam dừng xe để xuống xem. Sau đó, anh Hải đã vào cửa hàng của vợ chồng anh Phạm Đăng Bắc (SN 1984, trú tại thôn Đồng Hởi) hỏi mua đồ gỗ.

Anh Bắc đã chỉ cho anh Hải sang kho nhà mình gặp chị Quyên (vợ anh Bắc) để xem đồ nội thất. Do không thấy chị Quyên ở cửa hàng nên anh Hải đã gọi điện theo số in trên biển hiệu. Khoảng 10 phút sau, chị Quyên về cho anh Hải vào xem hàng.

Trong khi đang trao đổi với anh Hải, chị Quyên thấy chóng mặt, mệt mỏi. Nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội nên chị Quyên liền chạy sang hàng xóm tri hô mọi người đến cứu.

Thấy chị Quyên cầu cứu, nhiều người đã kéo đến đòi đánh anh Hải và anh Nam. Thậm chí, khi anh Hải gọi điện cho vợ là chị Phạm Ngọc Hoa (SN 1990, trú ở xã Tân Việt) và anh Tuấn Anh (Giám đốc điều hành của công ty thước ăn gia súc) đến nhà chị Quyên giải thích nhưng cũng không được, thậm chí còn bị người dân đòi đánh.

Theo Công an huyện Thanh Hà, trong đám đông, có một số đối tượng quá khích đã kích động một số người lật xe ô tô của anh Hải xuống ruộng, đốt cháy hoàn toàn.



Nghi bắt cóc trẻ em, nhiều nạn nhân bị xử lý theo “luật rừng”
Chiếc xe ô tô bị những đối tượng quá khích đốt cháy trơ khung

Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Thanh Hà đã tới hiện trường kiểm tra. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ việc, khoảng 1.000 người đã kéo đến đòi vây đánh những người trên vì cho rằng họ thôi miên, bắt cóc trẻ em. Họ không cho lực lượng công an đưa những người liên quan đi.

Sau nhiều giờ kiên trì vận động, thuyết phục, đến khoảng 1h30 ngày 21/7, Công an huyện đã đưa nhóm người của anh Hải rời khỏi đám đông về trụ sở Công an huyện an toàn và ổn định tình tình. Chị Quyên đi khám sức khỏe, xét nghiệm. Kết quả cho thấy sức khỏe của chị Quyên đều hoàn toàn bình thường.

Ngay trong sáng 21/7, cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ, anh Hải, anh Nam có nhân thân tốt, lai lịch rõ ràng. Bản thân anh Hải là người có học thức cao, có chỗ ở, nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Trong quá trình giao dịch với vợ chồng chị Quyên không có biểu hiện mờ ám, nghi vấn. Vì vậy, Công an huyện Thanh Hà cũng loại trừ khả năng những người này dùng thủ đoạn thôi miên, đánh thuốc mê để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Quyên hoặc bắt cóc trẻ em như người dân đồn đoán, suy diễn.

Nghi bắt cóc trẻ em, 2 phụ nữ bị đánh bầm dập

Trong khi vụ việc ở huyện Thanh Hà, Hải Dương vẫn còn đang xôn xao dư luận thì trưa ngày 22/7, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip ghi lại hình ảnh người dân ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bắt giữ và đánh đập hai người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em.

Theo nội dung đoạn clip chia sẻ, 2 người phụ nữ này đã lợi dụng thời điểm trưa, dụ dỗ một cháu nhỏ ở thôn Thái Phù bằng cách cho cháu kẹo nhưng cháu bé không ra. Sau đó, mẹ cháu bé phát hiện 2 người phụ nữ này lạ và hô hoán người dân xung quanh đến bắt giữ. Khi bị giữ lại, hai người phụ nữ này nói đang đi bán tăm. Trước nghi vấn 2 người phụ nữ này bắt cóc trẻ con, người dân đã lao vào đánh tới tấp 2 người phụ nữ khiến một người máu me đầy mặt, còn một người bị thương tích nhẹ hơn.

Sự việc chỉ dừng lại khi có mặt lực lượng công an xã Mai Đình và công an huyện Sóc Sơn. Phải rất vất vả, lực lượng chức năng mới đưa được 2 người phụ nữ khỏi sự bức xúc của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Đảm, Phó Trưởng Công an xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, vào khoảng gần 12h, ông nhận được tin 2 người phụ nữ khoảng gần 50 tuổi nghi bắt cóc trẻ em và đang bị người dân giữ lại tại thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ngay sau đó ông Đàm đã ra chỗ 2 người phụ nữ bị người dân giữ lại, đồng thời báo đồn Công an Phủ Lỗ vào hỗ trợ, đưa 2 người phụ nữ này ra đồn để làm rõ vụ việc.

Theo báo cáo của Huyện ủy Sóc Sơn, 11h15 ngày 22/7/2017, chị Lê Thị B., sinh năm 1977, ở xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội và chị Nguyễn Thị P., sinh năm 1965 ở xã Sơn Công huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội (cả hai người đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức) đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bán tăm bông để gây quỹ tình thương. Khi đến nhà cháu Đ.H.A, sinh năm 2012 (con trai anh Đ.V.T sinh năm 1992, tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình) hỏi bố mẹ cháu có nhà không để bán tăm. Bà nội của cháu là N.T.T, sinh năm 1974 thấy vậy liền đuổi chị B. và chị P. ra khỏi nhà, hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em. Một số người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình đuổi đánh chị B. và chị P. đến địa phận Khu 1, xã Phú Minh huyện Sóc Sơn khiến hai chị bị thương.

Ngay sau khi nhận tin báo, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo: Công an huyện kịp thời cử tổ công tác xuống hiện trường đưa chị Bảy và chị Phúc đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn để khám và điều trị; đồng thời tiến hành lấy lời khai người có liên quan. Tại báo cáo số 355/BC-CASS-TH ngày 22/7/2017 của Công an huyện Sóc Sơn đã xác định chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mai Đình cho hay: Cơ quan chức năng đã cử người về Hợp tác xã tình thương Mỹ Đức xác minh 2 người phụ nữ có đúng là làm việc ở đây hay không. Tại thời điểm xảy ra sự việc, phát hiện có 50 gói tăm cùng với giấy giới thiệu của hợp tác xã trong hành lý của họ.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với báo chí, đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm – Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết: Việc người dân quá khích, tự xử như vụ việc nêu trên là biểu hiện của yếu tố lây lan tâm lý đám đông, có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội, cần phải được lên án một cách quyết liệt qua nhiều kênh khác nhau; tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho người dân, kịp thời xử lý ngay hành vi sai phạm để vừa giáo dục, răn đe, phòng ngừa sự lây lan.

“Khi người dân được giáo dục hiểu biết pháp luật họ sẽ biết điều chỉnh hành vi đúng mực, không dám có những hành động quá khích, khi biết làm như vậy phải đi tù thì còn ai dám” – Đại tá Thìn nhấn mạnh.

Thành Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/