Các nước đang quản lý Uber, Grab như thế nào?

10:01 | 06/10/2017
TTTĐ.VN - Trên thế giới, những ứng dụng chia sẻ xe như Uber, Grab… được ghi nhận đã tạo nên “cuộc cách mạng về vận tải công cộng” tại các quốc gia mà chúng xuất hiện. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của người dân, các ứng dụng này lại vấp phải sự phản đối của các hãng taxi truyền thống. Vậy chính quyền các nước trên thế giới đang quản lý các ứng dụng công nghệ này như thế nào?

Các nước đang quản lý Uber, Grab như thế nào?

Tăng tính cạnh tranh của taxi

Los Angeles là thành phố lớn đầu tiên của Hoa Kỳ chào đón sự bùng nổ của các dịch vụ chia sẻ xe. Nhằm tăng tính cạnh tranh cho phương tiện truyền thống, thành phố này đã đề xuất giảm bớt các quy định cho taxi. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách xem xét đến việc yêu cầu tất cả các tài xế taxi phải sử dụng một ứng dụng gọi xe kiểu như Uber. Ứng dụng này sẽ cho phép khách hàng gọi xe từ điện thoại của họ không khác gì Uber hay Lyft, đồng thời họ cũng có thể được hưởng các chính sách giảm giá cũng như đánh giá tài xế. Biện pháp này được xem là một lựa chọn hiệu quả cho các tài xế cũng như các cơ quan quản lý của thành phố.


Các nước đang quản lý Uber, Grab như thế nào?
Các tài xế taxi truyền thống biểu tình phản đối Uber ở thủ đô London nước Anh. Ảnh: Flickr

Chính quyền bang Indiana (Mỹ) có quyết định táo bạo hơn, đó là bãi bỏ các quy định đối với taxi truyền thống như màu xe, nơi đón trả khách, các loại giấy phép đăng ký, với lý do luật pháp không có quy định quản lý các ứng dụng như Uber hay Lyft, nên việc bỏ các quy định với taxi truyền thống là điều cần làm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Buộc đăng ký dịch vụ

Tại châu Âu,ứng dụng gọi xe phổ biến nhất thế giới Uber cũng vấp phải không ít khó khăn khi bị nhiều quốc gia như Bulgaria, Đan Mạch, Italia, Hungary... cấm vì “cạnh tranh thương mại không lành mạnh”.

Các quốc gia này yêu cầu Uber phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của luật pháp và phải đăng ký như một dịch vụ taxi thì mới được phép hoạt động. Ngoài các quốc gia trên, Uber cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha hay Hà Lan. Nhiều thành phố lớn cũng buộc Uber phải áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ như đào tạo lái xe nghiêm túc hơn, thực hiện các chính sách bảo hiểm và kiểm tra xe bắt buộc.

Phạt tài xế Uber, Grab

Tại Thái Lan, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Arkhom Termpitayapaisit cho biết Chính phủ nước này không cấm Uber, Grab và các ứng dụng gọi xe tương tự, song bất kể tài xế nào không có giấy phép hoạt động sẽ bị bắt giữ và phải nộp phạt.

Theo luật pháp nước này, xe ô tô tư nhân không được phép cung cấp dịch vụ taxi công cộng. Nhiều nhân viên giao thông đã giả làm khách hàng, sử dụng ứng dụng Uber để gọi xe và sau đó phạt tài xế vi phạm. Theo Bangkok Post, cơ quan chức năng Thái Lan tại hai thành phố lớn là Bangkok và Chiangmai còn bố trí nhân lực để chụp ảnh tài xế dùng ứng dụng gọi xe bắt khách nhằm phạt nguội.

Các nước đang quản lý Uber, Grab như thế nào?
Một phụ nữ đón xe Uber tại sân bay Los Angeles, Mỹ. Ảnh: LA Times

Ông Arkhom khẳng định các nhà cung cấp dịch vụ đều phải tuân thủ luật pháp ở mỗi quốc gia nhằm bảo vệ quyền lợi cho hành khách. Bất kỳ phương tiện nào di chuyển trên đường đều phải tuân thủ quy định của Bộ Giao thông Vận tải, kể cả các xe của Uber. Do đó, các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe cần đăng ký giấy phép hoạt động taxi để được hoạt động hợp pháp tại quốc gia này.

Tương tự như Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) vừa tiến hành bắt giữ 22 tài xế Uber, vì nghi ngờ họ “sử dụng trái phép phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ vận tải” theo SCMP ghi nhận hồi tháng 5 năm nay. Cảnh sát Hong Kong cho hay sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ tương tự đối với những trường hợp vi phạm cũng như ủng hộ hành vi phạm tội. Các vụ bắt giữ này diễn ra sau khi tòa án phán quyết 5 tài xế Uber phải nộp phạt 1.300 USD và bị tước giấy phép lái xe 1 năm do đón khách không có giấy phép hoạt động taxi.

Siết dần quản lý

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia có chi phí taxi rẻ nhất trên thế giới song các hãng taxi truyền thống của Singapore cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Uber, Grab. Tuy nhiên thay vì cấm hoàn toàn, Chính phủ Singapore chọn cách kiềm chế sự phát triển quá mạnh của hai hình thức kinh doanh này bằng các điều kiện bắt buộc đối với tài xế. Lái xe Uber, Grab buộc phải vượt qua bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng và sức khỏe để được cấp chứng chỉ hành nghề, phải có bảo hiểm cho hành khách, trang bị xe đáp ứng đủ tiêu chuẩn nếu không sẽ bị phạt hành chính, thậm chí ngồi tù. Các dịch vụ đặt xe cũng phải cung cấp trước cho hành khách tất cả thông tin về cước phí, phụ phí và mức phí phải trả cho hành trình – bao gồm cả trong thời gian cao điểm và số tiền tính thêm theo địa điểm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích các hãng taxi thay đổi để cạnh tranh bằng các hình thức như: Giảm phí giờ cao điểm, tặng điểm, tích điểm cho khách hàng (để đổi chuyến đi miễn phí), làm ứng dụng gọi xe cho khách hàng...

Tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã ra quy định yêu cầu lái xe của ứng dụng phải là người dân địa phương và phương tiện của họ cũng phải được đăng ký trong thành phố. Đây được xem là một trong những chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi truyền thống. Chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động cho các mô hình đi nhờ xe thông qua ứng dụng, song tại các thành phố khác nhau, chính quyền có thể đưa ra những biện pháp riêng để áp dụng cho các ứng dụng.


Uber, Grab nên tuân thủ điều kiện kinh doanh vận tải ở Việt Nam?

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ngày 3/10 vừa qua bác kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm Uber, Grab. Đại diện Bộ cho biết, với quan điểm cạnh tranh sòng phẳng, việc gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm. Xe hợp đồng được quản lý theo quy định và cơ quan chức năng đã xử lý nhiều xe hợp đồng vi phạm. Bản chất của hoạt động Uber và Grab chỉ là hình thức thay hợp đồng bằng giấy sang hợp đồng điện tử. Việc giám sát hành trình của Uber, Grab cũng giống như taxi truyền thống và đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, quản lý. Thời gian qua, các vi phạm thông qua giám sát hành trình được phát hiện rất nhiều và cũng bị xử phạt như nhau theo quy định, bao gồm cả rút giấy phép kinh doanh.

Trước đó, Hiệp hội taxi Hà Nội đã gửi đơn kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017. Theo Hiệp hội, lượng xe thí điểm chạy cho Grab, Uber bùng nổ mất kiểm soát khi tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng. Hiệp hội này cũng kiến nghị cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam. Theo đó, Uber, Grab cần phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.


Phương Linh tổng hợp

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/