Bài 126: Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

14:57 | 15/12/2016
TTTĐ - Nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bài 126: Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

>> Phát triển nguồn nhân lực trẻ
* Bài 124: “Khát” lao động chất lượng cao
* Bài 125: Đổi mới công tác đào tạo: Nhiệm vụ sống còn
* Bài 126: Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài


Bài 126: Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

Học viện âm nhạc quốc gia Moscow Tchaikovsky (LB Nga) - nơi đào tạo rất nhiều sinh viên Việt Nam.


Đề án phấn đấu đến năm 2030 sẽ lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài 300 cử nhân, 180 thạc sĩ, 50 tiến sĩ; 40 người có trình độ trung cấp và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 360 người là giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật toàn quốc theo các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.

Đề án ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật thuộc 6 lĩnh vực và 1 ngành, gồm: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học. Lựa chọn các cơ sở đào tạo uy tín, có thế mạnh đào tạo về văn hóa nghệ thuật thuộc các lĩnh vực và ngành đào tạo của Đề án ở các nước tiên tiến như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, trong đó ưu tiên gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đã kí thỏa thuận với Bộ GD-ĐT Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Việt Nam.

Theo Đề án, đối tượng được đào tạo trình độ đại học là học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong nước đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện hoặc đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; lưu học sinh đã tốt nghiệp trung cấp tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài theo Đề án này được cơ sở đào tạo trong nước cử đi học trung cấp đề nghị dự tuyển trình độ đại học...

Đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho nhiều nhóm đối tượng như: giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật trong nước được cơ sở đào tạo, nghiên cứu đề nghị dự tuyển trình độ thạc sĩ; sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong nước có nguyện vọng đi học tập ở nước ngoài để về làm giảng viên, nghiên cứu viên cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật...

Có thể nói, Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn học nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 là một đề án tổng thể, trong đó rất nhiều hạng mục đã được thay đổi và cải tiến. Một trong những vấn đề cần bàn đến, là việc mở rộng đối tượng đào tạo và trình độ đào tạo.

Những năm 80 của thế kỉ trước, đã có hàng nghìn học sinh, sinh viên về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được Nhà nước cử đi đào tạo tại Nga và một số nước XHCN Đông Âu để trở về phục vụ đất nước. Những cái tên như NSƯT Vương Đức, NSƯT Vũ Xuân Hưng của điện ảnh, hay NSND Lê Hùng, NSND Phạm Thị Thành của sân khấu, NSND Đỗ Hồng Quân. NSND Trần Thị Mơ của âm nhạc... Tất cả học sinh, sinh viên trở về từ các khóa đào tạo nước ngoài trong môi trường chuyên nghiệp ấy đều ít nhiều mang theo những kiến thức chuyên môn vững chắc và trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, đóng góp nhiều thành tựu cho nền văn học nghệ thuật của nước nhà.

Đạo diễn - NSƯT Vũ Xuân Hưng, nguyên Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: "Hơn 6 năm học tại Liên bang Xô Viết, tôi được học trong môi trường sư phạm đạt tiêu chuẩn quốc tế với sự học tập rất đồng bộ của các môn học và sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô giáo. Việc học như vậy giúp cho những người mới bước chân vào nghề như tôi trưởng thành lên rất nhiều".

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Minh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, trường CĐ Múa Việt Nam cho biết: Nếu nói đến quãng thời gian đi du học, cái "được" nhiều nhất chính là kiến thức. Chúng tôi đã tiếp thu được kiến thức toàn diện rồi chuyên sâu và chuyên môn của ngành nghề.

Sau năm 1991, do nhiều nguyên nhân nên chúng ta đã không thể cử học sinh, sinh viên ra nước ngoài học như vậy. Có thể nói, thực tế ấy đã để lại một lỗ hổng khá lớn cho nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Chính vì nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đào tạo ở nước ngoài nên từ những năm 2000, Chính phủ đã có những đề án cụ thể, hướng tới mục đích này như Đề án 322, 911, 599. Các đề án đó được triển khai đào tạo tại nước ngoài cho tất cả các lĩnh vực của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác các đề án này rất hạn chế. Đề án 911 chỉ tập trung đào tạo ở nước ngoài cho các đối tượng là giảng viên các trường đại học, cao đẳng nhưng không cử người đi đào tạo, bồi dưỡng cho các bậc khác. Trong khi đó, phần lớn các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ta đều là trường trung cấp. Còn Đề án 599, tuy có ưu tiên hơn cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhưng cũng chỉ tập trung vào những đối tượng là cử nhân, thạc sĩ và đối tượng tuyển sinh phải đạt giải quốc tế.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sau 2 năm thực hiện đề án 599, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chỉ tuyển sinh được 1 ứng viên. Rõ ràng là các đề án trên chưa chú ý tới tính đặc thù và nhu cầu bức thiết của nhóm ngành văn hóa nghệ thuật. Do đó, số lượng học sinh, sinh viên trong lĩnh vực này được cử đi đào tạo ở nước ngoài còn rất khiêm tốn so với yêu cầu thực tế.

Từ bất cập của các đề án trước, đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt có nhiều thay đổi ở hạng mục Đối tượng và Trình độ đào tạo. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã thực sự khắc phục được những lỗ hổng của các đề án trước hay chưa còn là điều đáng bàn.

Trung tâm kĩ thuật âm thanh, ánh sáng thuộc trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội những năm qua luôn gặp khó khăn trong nguồn giáo án, giáo trình và giảng viên.

Khoa múa ballet của trường Cao đẳng Múa Việt Nam cũng thiếu trầm trọng những giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành và có kinh nghiệm chuyên sâu. Những bộ môn về công nghệ điện ảnh hay múa ballet kể trên đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Chính vì vậy, có những khó khăn và hạn chế chung, trong đó, vấn đề khan hiếm giảng viên chuyên nghiệp là điều dễ nhận thấy.


Thạc sĩ - NSƯT Phạm Hồng Hải, giảng viên Khoa múa nước ngoài, trường Cao đẳng Múa Việt Nam cho biết: Tôi không có điều kiện được đào tạo chính thống nhưng tôi từng tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Được tiếp xúc với môi trường đào tạo chuyên nghiệp ở các nơi đó, tôi nghĩ rằng, nếu các em sinh viên sau khi tốt nghiệp trong nước sẽ được ra nước ngoài đào tạo tiếp thì tốt hơn rất nhiều.

Về vấn đề đào tạo, những bộ môn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần được thực hành nhiều hơn là lí thuyết. Vì thế, việc khan hiếm giảng viên nhiều kinh nghiệm truyền dạy những kiến thức thực tế, những bài học thực hành cho các em là sự thiếu hụt đáng bàn, nhất là những ngành nghề không phải là thế mạnh ở Việt Nam. Nhận thức được điều này, Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 đã có thêm nhiều tiêu chí và lựa chọn ưu tiên cho những ngành nghề đặc biệt cần được giao lưu, học hỏi với thế giới.

(còn nữa)


Quang Anh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/