Ngành công nghiệp thịt của Brazil ảnh hưởng nặng nề sau bê bối thịt bẩn

14:53 | 23/03/2017
TTTĐ.VN - Bê bối thịt bẩn của Brazil đã gây ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành công nghiệp xuất khẩu thịt của nước này khi ngày 20/3, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil.

Ngành công nghiệp thịt của Brazil ảnh hưởng nặng nề sau bê bối thịt bẩn

Ngành công nghiệp thịt của Brazil ảnh hưởng nặng nề sau bê bối thịt bẩn

Mặt hàng thịt bò được bán giảm giá tại một siêu thị ở Chile


Nhiều quốc gia ngừng nhập khẩu

Quốc gia Nam Mỹ Chile cũng tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thịt của Brazil, làm dấy lên mối lo ngại về sự tranh chấp thương mại giữa hai đối tác Nam Mỹ.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ 1/3 lượng thịt xuất khẩu của Brazil. Bắc Kinh hôm 20/3 vừa qua cho biết họ cần thu thập thêm các thông tin về việc các doanh nghiệp chế biến thịt của Brazil đã hối lộ các thanh tra viên để nhận giấy chứng nhận đảm bảo an toàn trong khi “ngụy trang” thịt bẩn để đưa ra tiêu thụ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi đã tổ chức một hội nghị qua truyền hình vào cuối ngày 20/3 với các nhà chức trách Trung Quốc để "làm rõ" vấn đề.

"Chúng tôi dự kiến có hơn 30 quốc gia đặt câu hỏi với Brazil về vấn đề này," ông Maggi nói tại một cuộc họp báo. Nếu tất cả các quốc gia này đều ngừng nhập khẩu thịt của Brazil, điều này sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng đối với quốc gia Nam Mỹ này.

Ủy ban châu Âu EC hiện đã kêu gọi Brazil ngừng xuất khẩu ngay lập tức đối với sản phẩm của 4 công ty dính líu vào vụ bê bối này.

Chính phủ Brazil cho biết họ ngưng việc xuất khẩu của 21 cơ sở chế biến thịt đang được điều tra.

Tuy nhiên, sau khi Chilê tuyên bố lệnh cấm "tạm thời" đối với các sản phẩm thịt của Brazil, Maggi giận dữ và đe dọa trả đũa.

"Chúng tôi là nhà nhập khẩu chính nhiều sản phẩm của Chile như cá, trái cây và các sản phẩm khác, và người Brazil yêu cầu chúng tôi nên xây dựng các rào cản. Thương mại là như vậy", Maggi nói.

Căng thẳng leo thang giữa hai nước vào cuối ngày 20/3, khi Furche nói rằng Chile sẽ không hành động "theo các mối đe dọa" và nhắc lại yêu cầu của ông về các thông tin chính thức liên quan đến vụ bê bối này.

Hàn Quốc hiện đã bãi bỏ lệnh đình chỉ tạm thời về việc phân phối gà đã nhập từ Brazil, sau khi các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng và xác nhận rằng không có gia cầm hỏng nào được nhập vào nước này.

Nước này cũng không có kế hoạch đóng cửa thị trường đối với thịt Brazil, đại sứ quán Hàn Quốc ở Brasilia cho biết.

Trong khi đó, Nhật Bản, một trong những thị trường chính của ngành công nghiệp xuất khẩu thịt Brazil cho biết họ đang xem xét đưa ra một thông báo cho khách hàng.

Ngành công nghiệp thịt của Brazil ảnh hưởng nặng nề sau bê bối thịt bẩn

Sản phẩm xúc xích bày bán trong siêu thị Brazil. Ảnh: AFP

Hậu quả nghiêm trọng

Ít nhất 30 người đã bị bắt trong vụ bê bối thịt bẩn trên, trong khi cảnh sát Brazil đã phát hiện được hơn 10 nhà máy chế biến có liên quan đến vụ việc.

Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, một nhà máy chế biến gia cầm do tập đoàn đa quốc gia BRF và hai nhà máy chế biến thịt do doanh nghiệp địa phương Peccin điều hành đã bị đóng cửa.

Brazil hiện là nước xuất khẩu thịt bò và gia cầm lớn nhất thế giới và đặc biệt, dây cũng là lúc nước này phải vật lộn để vượt qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử.

Nhóm phân tích thị trường Capital Economics cảnh báo, vụ bê bối về xuất khẩu thịt bẩn của Brazil có thể làm lệch hướng tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước.

"Brazil đang phải đối mặt với nguy cơ thất thu từ xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương khoảng 0,2% GDP", Capital Economics cho biết.

“Tác động về kinh tế sẽ phụ thuộc vào thời gian các lệnh cấm được duy trì.”

Hiện Chính phủ Brazil đang nỗ lực trấn an thế giới rằng việc cảnh sát phát hiện ra vụ bê bối thịt bẩn này chỉ là một số rất nhỏ trong số hơn 4.800 doanh nghiệp xuất khẩu thịt của nước này.

Mặt hàng thịt của Brazil đang được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, trong đó các thị trường chính bao gồm Arab Saudi và Nga.

Theo số liệu của chính phủ Brazil, năm 2016 của Brazil thu về 5,9 tỷ USD nhờ xuất khẩu thịt gia cầm và 4,3 tỷ USD từ thịt bò. Theo số liệu của Capital Economics, tổng giá trị xuất khẩu thịt chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm xuất khẩu và 0,7% GDP của nước này.

Minh Hoa

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/