CEO của Uber từ chức vì áp lực từ phía các nhà đầu tư

17:27 | 21/06/2017
TTTĐ.VN – Hôm qua, thứ Ba (20/6), Giám đốc cũng đồng thời là 1 trong 2 nhà sáng lập của Uber, Travis Kalanick đã từ chức vì áp lực từ phía các nhà đầu tư.

CEO của Uber từ chức vì áp lực từ phía các nhà đầu tư

CEO của Uber từ chức vì áp lực từ phía các nhà đầu tư
Giám đốc điều hành Uber, Travis Kalanick, nói chuyện với sinh viên tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters


Năm 2009, cùng người bạn Garrett Camp, Travis Kalanick bắt đầu vận hành công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải có tên gọi “UberCab” tại San Francisco (Hoa Kỳ). Từ năm 2012, Uber bắt đầu vươn ra quốc tế. Hiện hãng đã có mặt tại hơn 300 thành phố lớn và 58 quốc gia, đạt giá trị ước tính lên đến 62,5 tỷ USD. Sự ra đời của Uber đã đảo lộn các quy tắc vốn có của ngành công nghiệp taxi trên toàn thế giới. Bản thân Kalanick cũng đã trở thành tỷ phú, với khối tàn sản ròng ước tính khoảng 6 tỷ USD.

Kalanick đã trả lời tờ New York Times: "Tôi yêu Uber nhiều hơn bất cứ điều gì trên thế giới và trong thời điểm khó khăn này tôi chấp nhận yêu cầu từ chức của các nhà đầu tư để Uber có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển trở lại thay vì phải đấu tranh nội bộ”.

Sự ra đi của Kalanick báo hiệu sẽ tạo ra một thời kỳ xáo trộn đối với công ty dịch vụ vận tải lớn nhất thế giới này.

Trong thời gian vừa qua, Uber bị vướng vào một loạt các rắc rối như bị kiện quấy rối tình dục, phân biệt đối xử, có một số hành vi được cho là hối lộ, “đi cửa sau” với cơ quan thi hành pháp luật và thậm chí là với đối tác. Ngoài ra, Uber cũng phải đối mặt với vụ kiện sở hữu trí tuệ với Waymo (công ty con của Google) về việc một số cựu nhân viên của Waymo đã tiết lộ về công nghệ xe hơi tự lái cho Uber.

Vừa qua, Uber cũng cho sa thải hơn 20 nhân viên sau cuộc điều tra về văn hoá của công ty, bắt tay vào tiến hành những thay đổi quan trọng để chuyên nghiệp hóa nơi làm việc và đang tìm kiếm nhân sự cho các bộ phận chủ chốt, trong đó có vị trí CEO.

Vào tuần trước, ông Kalanick nói rằng ông sẽ vắng mặt vô thời hạn ở Uber, một phần để giải quyết việc riêng và một phần là để tưởng nhớ đến mẹ của mình (mẹ của Kalanick đã chết vào tháng trước trong một tai nạn chèo xuồng). Trong thời gian ông vắng mặt, Uber sẽ được điều hành bởi một ban quản lý gồm 10 người.

Tuy nhiên, bất chấp gia đình ông Kalanick đang có chuyện buồn và tuyên bố vắng mặt vô thời hạn của Kalanick, các cổ đông của Uber vẫn bắt buộc ông phải từ chức. Việc ông Kalanick từ chức khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tương lai của Uber, ai sẽ thay thế được vị trí của ông.

Đây là một trong những trường hợp khá hiếm gặp ở Thung lũng Silicon, những nhà đầu tư thường khen ngợi các CEO và sự nhiệt huyết của họ, đặc biệt nếu các công ty đang phát triển nhanh. Chỉ khi những công ty mới thành lập ở trong tình trạng bấp bênh hoặc đang giảm sút thì các cổ đông mới phải lên tiếng để bảo vệ tiền đầu tư của họ.

Hà Linh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/