“Bóng ma” ám ảnh châu Âu

16:42 | 18/09/2017
TTTĐ.VN - Châu Âu ngày 15/9 vừa qua lại rúng động trước vụ tấn công khủng bố nhằm vào Thủ đô London của Anh khiến ít nhất 29 người bị thương. Đây là lần thứ 5 trong vòng 6 tháng, xứ sở sương mù phải hứng chịu khủng bố và cũng là lần thứ 13 một vụ tấn công xảy ra tại châu Âu trong năm 2017.

“Bóng ma” ám ảnh châu Âu

Dường như cụm từ “khủng bố”, “tấn công khủng bố” không còn quá xa lạ và đang dần trở thành một điều tồi tệ trong cuộc sống của người dân châu Âu. Kể từ sau cuộc tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo xảy ra ở thủ đô Paris hồi tháng 1/2015, tần suất các vụ tấn công khủng bố ngày càng gia tăng. Số nạn nhân bị thương và tử vong đặc biệt tăng mạnh trong những vụ quy mô lớn như ở Nice (Pháp), Berlin (Đức), Barcelona (Tây Ban Nha), Manchester (Anh)… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn châu lục đã xảy ra ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố, khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương.


“Bóng ma” ám ảnh châu Âu
Cảnh sát tuần tra trên đường phố Newcastle, Anh hôm 17/9 sau vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London. Ảnh: Daily Mail

Ngày 15/9 vừa qua, châu Âu lại một lần nữa rúng động bởi 3 vụ tấn công trong cùng một ngày. Tại London, một thiết bị đã được kích nổ trên chuyến tàu điện ngầm đông đúc buổi sáng, khiến ít nhất 29 người bị thương. Ngay sau đó, cảnh sát Anh lập tức nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất, đồng thời mở một chiến dịch quy mô lớn để truy tìm thủ phạm. Cùng ngày hôm đó tại Pháp, cảnh sát cũng truy lùng nghi phạm thực hiện vụ tấn công bằng dao nhằm vào một binh sĩ tại ga tàu điện ngầm ở Paris và một nghi phạm dùng búa tấn công hai phụ nữ tại thành phố Chalon-sur-Saone, miền Đông nước Pháp.

Các vụ tấn công trên đã cho thấy, xu hướng hành động của những kẻ “tấn công khủng bố” hiện nay đã thay đổi rất nhiều và đe dọa sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai. Không giống như những cuộc tấn công “rầm rộ” như vụ khủng bố ngày 11/9/2001, các hoạt động khủng bố ngày nay đa số được thực hiện theo hình thức “con sói đơn độc”. Thay vì thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn, những kẻ khủng bố chỉ thực hiện các vụ việc nhằm vào các mục tiêu đơn giản, dễ thực hiện nhưng đủ để gây hoang mang, mất ổn định cho người dân và chính quyền địa phương. Ngoài ra, tần suất tấn công đang trở nên dày đặc hơn khi cứ 4 – 6 tuần lại xảy ra một vụ việc mới.

Bên cạnh đó, những đối tượng thực hiện đang cho thấy khuynh hướng ngày càng đa dạng hơn và trẻ hơn. Ngoài những kẻ được IS đào tạo, những phần tử cực đoan trở về từ Trung Đông hay những khu vực có chiến sự khác, thủ phạm giờ đây thậm chí là thế hệ sau của các công dân nhập cư, người đã sống ở châu Âu lâu năm, không “tiền sự”, lý lịch trong sạch khiến lực lượng an ninh vô cùng khó khăn trong việc điều tra. Thanh thiếu niên dễ bị tổn thương là đối tượng thường bị nhắm đến nhiều hơn cả. Họ dễ dàng tiếp cận các tài liệu trên internet rồi sau đó liên hệ với các phần tử cực đoan và bị chúng khuyến khích thực hiện các vụ tấn công.

Điều đó cho thấy một thực trạng tồi tệ là chủ nghĩa khủng bố giờ đây không còn “ở bên ngoài” nữa mà nó đã nằm ngay giữa xã hội châu Âu. Nhờ hòa lẫn trong các khu dân cư, chúng rất khó bị phát hiện. Đây cũng là một thách thức lớn với các lực lượng an ninh của EU thời gian tới. Theo số liệu được Văn phòng Chính phủ Anh công bố hôm 14/9, số tội phạm liên quan đến khủng bố bị bắt giữ trong nửa đầu năm 2017 tăng cao kỷ lục 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đẩy mạnh tuyên truyền khủng bố, lực lượng an ninh các quốc gia luôn phải đề cao cảnh giác và căng mình đối phó. Quan chức cấp cao phụ trách vấn đề chống khủng bố của Anh, ông Mark Rowley cho biết trong những tháng gần đây, cảnh sát Anh đã chặn đứng hàng chục cuộc tấn công, đồng thời trung bình một ngày lại bắt giữ một nghi phạm khủng bố.

Dù nhận thức rõ nguy cơ khủng bố và liên tục triển khai các biện pháp siết chặt an ninh, châu Âu vẫn rơi vào tình trạng bị động sau mỗi vụ tấn công. Các cuộc thảm sát vẫn xảy ra vào thời điểm và địa điểm bất ngờ khiến người ta bắt đầu hoài nghi nhiều hơn về tính hiệu quả của những hoạt động an ninh tại “lục địa già”. Những vụ khủng bố liên tiếp tại Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Điển và Tây Ban Nha… đã chỉ ra rằng an ninh chính là một “yếu huyệt” khác mà EU cần đặc biệt lưu tâm. Những London, Paris, Brussels, Barcelona có thể sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng của những hành động tội ác kiểu này.

Rõ ràng, những gì đang xảy ra đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng những nỗ lực phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia cùng những giải pháp dài hơi để đảm bảo an ninh cho khu vực. Hồi tháng 6 vừa qua Ủy ban châu Âu đã công bố dự án Quỹ quốc phòng châu Âu để tăng cường khả năng phòng thủ của châu lục. Trong khi đó ngày 16/9, một ngày sau vụ nổ bom trên tàu điện ngầm London, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho biết sau khi quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hoàn tất, Chính phủ nước này sẽ đề xuất một hiệp ước an ninh mới để duy trì mức độ hợp tác chống khủng bố với EU.

Giữa làn sóng tấn công khủng bố đang đe dọa châu Âu, hợp tác an ninh này sẽ đóng một vai trò quan trọng nhằm thiết lập các mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Bên cạnh đó, các quốc gia còn cần đoàn kết hơn nữa, đồng thuận, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các nước, cùng tạo thành một mặt trận đấu tranh hiệu quả.


Thục Anh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/