Việt Nam không trồng ngô ngọt biến đổi gen

16:14 | 05/04/2017
TTTĐ.VN - Trước tin đồn thất thiệt về ngô ngọt gây biến đổi gen trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức khẳng định Việt Nam không trồng ngô ngọt biến đổi gen.

Việt Nam không trồng ngô ngọt biến đổi gen


Thời gian gần đây, một số đối tượng đang lan truyền tin đồn thất thiệt rằng, các loại ngô ngọt bày bán trên thị trường hiện nay là ngô biến đổi gen và có nguy cơ gây ung thư. Tin đồn này đã khiến người tiêu dùng hoang mang và giá ngô ngọt giảm mạnh.

Cục Trồng trọt cho biết, Việt Nam đang có khoảng 50 giống ngô các loại, trong đó có 16 giống ngô biến đổi gen đã được công nhận. Tất cả ngô biến đổi gen đều là ngô vàng, dùng làm thức ăn chăn nuôi. Các gen được chuyển gồm gen kháng sâu bọ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ) và gen kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate. Tuy nhiên, diện tích ngô biến đổi gen hiện mới chiếm khoảng 8% tổng diện tích ngô trồng trên cả nước.


Việt Nam không trồng ngô ngọt biến đổi gen

Thông tin ngô ngọt biến đổi gen là tin đồn sai lệch


Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) khẳng định, thông tin ngô ngọt biến đổi gen là tin đồn sai lệch, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nông dân trồng ngô trên địa bàn. Theo bà Thoa, ngô ngọt được trồng khá phổ biến tại các khu vực đất bãi của Hà Nội như Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm… song toàn bộ đều không phải là sản phẩm biến đổi gen. Bà Thoa khẳng định: “Không riêng Hà Nội mà các địa phương hiện nay cũng chỉ sản xuất ngô biến đổi gen trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, không có giống ngô ngọt”.

Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, không chỉ riêng ngô ngọt, mà hàng loạt các sản phẩm lạ mắt như ổi tím, nhãn tím, cà chua đen… thời gian qua cũng bị gắn mác biến đổi gen. “Những tin đồn, thông tin thiếu sát thực về sản phẩm biến đổi gen đang khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí quay lưng với nhiều nông sản. Thực chất các loại quả có màu sắc lạ như cà chua đen, ổi tím, su hào tím… chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống, chọn lọc những đặc tính ưu việt để kích thích giác quan của người tiêu dùng. Chính vì thế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng”.

Ông Hàm cho biết thêm, muốn trồng thực phẩm biến đổi gen không hề đơn giản. Người nông dân không tự mạo hiểm đưa giống cây trồng biến đổi gen không được phép sử dụng vào sản xuất, vì đây là cả một quy trình tốn kém và được nhiều cơ quan Nhà nước giám sát chặt chẽ… Để nhân rộng và đưa vào sản xuất đòi hỏi khoảng thời gian nghiên cứu 3 - 5 năm và chi phí cao nên bản thân người nông dân cũng không hề mặn mà.

Huyền Thanh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/