Hà Nội có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

16:07 | 08/08/2017
TTTĐ.VN - Hà Nội đã có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, các huyện có nhiều mô hình là: Sóc Sơn 8 mô hình, Thanh Oai 7 mô hình, Thanh Trì 6 mô hình, Quốc Oai 5 mô hình…

Hà Nội có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Đây là thông tin được bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội cho biết tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 8/8 tại Hà Nội.

Hà Nội có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trung tâm Thụ tinh nhân tạo ứng dụng công nghệ cao tại huyện Gia Lâm.

Bà Huyền cho hay, tính đến nay, Hà Nội đã có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, Sóc Sơn 8 mô hình, Thanh Oai 7 mô hình, Thanh Trì 6 mô hình, Quốc Oai 5 mô hình, Đan Phượng 3 mô hình; các huyện Ba Vì, Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất mỗi địa phương có 2 mô hình, Sơn Tây có 1 mô hình.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn TP Hà Nội có 2 huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn NTM, 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để trình T.Ư công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với cấp xã, toàn Thành phố có 256/386 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 66,06%. Trong số 131 xã còn lại, có 93 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 – 18 tiêu chí, tăng 6 tiêu chí so với quý I/2017, còn 38 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 – 14 tiêu chí.

Về công tác dồn điền đổi thửa, tính đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 78.700ha, đạt 103,2% kế hoạch. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa là hơn 1.800ha, tạo điều kiện cho địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.

Bà Huyền cũng cho biết, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến tháng 6/2017, toàn TP Hà Nội đã cấp được 611.370/625.257 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 97,8%, tăng 158 giấy so với quý I/2017. Một số địa phương đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất.


Hà Nội có 46 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội thông tin tại buổi họp báo.

Đặc biệt, Bà Hoàng Thị Huyền cho biết, thời gian qua, các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân được các địa phương rất quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vậ động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện phương châm “đường có hoa, nhà có số, phố có tên” rất tốt như huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên. Thậm chí, trong tổ chức thực hiện xã NTM kiểu mẫu, việc phát động phong trào tang văn minh, bên cạnh tuyên truyền, vận động hỏa táng, huyện Đan Phượng còn chỉ đạo các xa xây dựng nhà tiếp nhận tro hỏa táng văn minh, trang nghiêm tại các nghĩa trang của xã theo quy chế dân chủ để tiết kiệm đất cũng như động viên tình thần nhân dân địa phương trong thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu.

Tuy nhiên, bà Huyền cũng cho biết một số khó khăn, tồn tại trong xây dựng NTM của Thủ đô như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô hộ gia đình là chính; thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Việc sản xuất liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chee, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo của người dân Thủ đô. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, cac doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm.

Đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn thiếu tính bền vững. Giá cả sản phẩm chăn nuôi thấp, giá thịt lợn giảm mạnh đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Tuy đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng số lượng còn ít, việc triển khai còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu là nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Công tác môi trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm còn thấp, thiếu ổn định. Trong công tác dồn điền đổi thửa, cẫn còn 13.887 trường hợp của 12 huyện, thị xã còn chưa cấp Giấy chứng nhận do còn khó khăn, vướng mắc.

Việc xây dựng nông thôn mới, triển khai ở một số địa phương còn chậm; kết quả chưa đồng đều; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo cao và tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch thấp.

Thúy Hương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/