Thu hút, sử dụng, gắn kết nhân sự giỏi: “Chìa khóa” giúp khởi nghiệp sáng tạo

19:54 | 15/02/2017
TTTĐ.VN - “Có nhiều dạng thức khởi nghiệp nhưng với khả năng tạo giá trị gia tăng cao, khởi nghiệp sáng tạo luôn được các quốc gia chú trọng. Tuy nhiên, các start-up phải coi việc thu hút và sử dụng, gắn kết nhân sự giỏi là “chìa khóa” dẫn đến thành công” - PGS.TS Lê Quân - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Thu hút, sử dụng, gắn kết nhân sự giỏi: “Chìa khóa” giúp khởi nghiệp sáng tạo

Áp dụng quyền chọn mua cổ phiếu

Khởi nghiệp sáng tạo là dạng thức dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo để tạo dựng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, có giá trị lớn chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh công nghệ thì các cộng sự giỏi cùng nhau triển khai ý tưởng công nghệ, tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường và cạnh tranh thành công là điều bắt buộc với hầu hết start-up. Tuy nhiên, trong điều kiện tài chính đầu tư ban đầu còn hạn chế và bản thân giải pháp tiền lương còn khiêm tốn chưa tạo được động lực mạnh thì giải pháp chia sẻ tương lai của doanh nghiệp thông qua chương trình Quyền chọn mua cổ phiếu được phần lớn các start-up lựa chọn.


Thu hút, sử dụng, gắn kết nhân sự giỏi: “Chìa khóa” giúp khởi nghiệp sáng tạo

Luật sư Nguyễn Văn Lộc


Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại Việt Nam, rất nhiều start-up đã sử dụng chương trình quyền chọn mua cổ phiếu. Ví dụ, PeaceSoft Group đã đưa vào chương trình quyền chọn mua cổ phiếu để đãi ngộ nhân sự chủ chốt cùng với quá trình thu hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi tham gia Chương trình quyền chọn mua cổ phiếu, các nhân sự chủ chốt có cơ hội được trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp, hoặc tăng số cổ phiếu của mình lên khi doanh nghiệp thành công.

Theo PGS.TS Lê Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, tính bền vững và động lực làm việc của nhân sự chủ chốt là yếu tố chi phối đáng kể đến thành công của start-up. Do vậy, nhà đầu tư thường yêu cầu start-up phải áp dụng chương trình này khi tiếp nhận vốn đầu tư.

“Khi tham gia làm việc cho một start-up, nhân sự chủ chốt có niềm tin vào sự thành công của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thành công, giá trị tăng lên rất cao, khi đó giá trị cổ phiếu mà nhân sự chủ chốt được mua cũng có giá trị tương ứng. Cụ thể, start-up có thể cam kết với một nhân sự giỏi sẽ bán cho người đó 100.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong 5 năm tới nếu nhân sự này gắn bó và có đóng góp tốt cho doanh nghiệp. Sau này, nhân sự có quyền từ chối mua cổ phiếu nếu thấy không có lợi. Ngược lại, doanh nghiệp chỉ có quyền từ chối bán cổ phiếu cho nhân sự này nếu chứng minh được họ không hoàn thành các cam kết đã ký với doanh nghiệp” – một start-up chia sẻ.

Như vậy, tham gia vào chương trình quyền chọn mua cổ phiếu, nhân sự chủ chốt được thụ hưởng thành quả của doanh nghiệp và của sự nỗ lực bản thân. Còn với doanh nghiệp, quyền chọn mua cổ phiếu sẽ gắn kết nhân sự chủ chốt với doanh nghiệp, hạn chế tỷ lệ nghỉ việc, tạo động lực mạnh để nhân sự chủ chốt sáng tạo và cống hiến. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm được ngân sách dành cho quỹ lương trong những giai đoạn đầu khởi nghiệp. Các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào những start-up biết sử dụng công cụ này để đãi ngộ nhân sự.

Bài toán nhân sự

Ngoài mô hình quyền chọn mua cổ phiếu, để khởi nghiệp sáng tạo phát triển theo luật sư Nguyễn Văn Lộc, các start-up phải biết cách đưa ra chương trình chính sách cho nhân viên trung thành. Cụ thể, chủ doanh nghiệp có thể trả bằng cổ phần/phần vốn góp cho những sáng lập viên là người lao động có đóng góp quan trọng đối với start-up hoặc vừa trả lương và vừa trả cổ phần. Tuy nhiên, cũng cần nhận định rằng, start-up có tính chất thử nghiệm những ý tưởng, những dự án nên tỷ lệ thất bại là rất cao. Các bên luôn luôn phải có những thỏa thuận về việc nếu công ty phá sản, giải thể hoặc một người sáng lập rút vốn ra khỏi công ty. Khi khởi nghiệp thì tài sản mà sáng lập viên đóng góp không chỉ thể hiện qua các tài sản là giá trị vật chất mà còn cả những giá trị vô hình, những ý tưởng sáng tạo, công sức lao động... cho nên tất cả những đóng góp đó phải “định giá” được, cụ thể hóa bằng văn bản, định giá được giá trị mà người lao động đó mang lại. Thực hiện được giải pháp này là một cách để start-up giữ chân những nhân viên giỏi cống hiến nhiều hơn cho công ty.

“Để nhân viên sáng tạo, sếp phải tạo cơ hội để họ phát triển bản thân tốt nhất có thể, chứ không phải đòi hỏi người ta đóng góp, cống hiến cho mình. Đặc biệt với khởi nghiệp sáng tạo, thách thức nằm ở bài toán nhân lực chứ không phải nằm ở vấn đề của quản lí cấp trung, hay chế độ lương thưởng. Vậy nên, đối với start-up nhân lực luôn là bài toán khó, chỉ có thể thực hiện bằng cách chia sẻ tầm nhìn cùng nhau. Mọi giá trị mà chúng ta đang dùng đều được tạo ra bởi con người. Nếu bài toán nhân sự “ngon”, các bài toán khác như tài chính hay kinh doanh sẽ tự đâu vào đó. Vậy theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất cho việc kích thích sự sáng tạo của nhân viên là áp dụng các chương trình, chính sách cho nhân viên trung thành” – ông Đỗ Nam, một thành viên đồng sáng tạo của công ty Basis Watch chia sẻ.

Tóm lại, trong quá trình khởi nghiệp các bạn có những giai đoạn lập chiến lược dựa trên cơ sở những gì các bạn có nhưng đừng bao giờ quên chiến lược “giữ chân” nhân tài.

Phương Uyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/