Khởi nghiệp từ mỹ phẩm “handmade”

21:26 | 20/08/2017
TTTĐ.VN – Từ tình yêu với dòng mỹ phẩm handmade (tự làm) có nguyên liệu từ thiên nhiên, cô gái trẻ Đỗ Anh Thư (1987) sau 10 năm làm việc không ngừng nghỉ đã đưa thương hiệu Grandpa's Garden trở thành đơn vị đào tạo được biết đến toàn quốc và có giáo trình xuất bản trên 4 thứ tiếng.

Khởi nghiệp từ mỹ phẩm “handmade”


Khởi nghiệp từ mỹ phẩm “handmade”
Đỗ Anh Thư - Sáng lập thương hiệu Grandpa's Garden

Grandpa's Garden khởi đầu là một dự án mỹ phẩm handmade của cá nhân.

Ngay từ nhỏ, Anh Thư đã từng sống tại Mỹ một số năm trong nhiệm kỳ công tác của bố. Thư nhớ lại năm đó cô 12 tuổi, cô đã có niềm đam mê mãnh liệt với những thỏi son. Đi qua các quầy mỹ phẩm, cô thường đi đi lại lại để ngắm chúng và ước mơ một ngày nào đó có thể có nó. Lớn hơn một chút, Thư xin bố mẹ đăng ký khoá học dạy làm mỹ phẩm. Cô thường xuyên biến căn hộ bố mẹ thành xưởng chế son dưỡng và son môi.

Ở nhà đã có sẵn dầu ăn, dầu ô-liu và dầu ngô, cô mua thêm sáp ong và sô cô la rồi hì hục làm suốt 3 giờ liền. Thỏi son thành phẩm có màu nâu đen, mùi sô-cô-la và vị hơi đắng. “Tưởng đã thành công, tôi chụp ảnh gửi bố mẹ và bạn bè xem. Khoảnh khắc cầm thỏi son đầu tiên do mình làm thật tuyệt. Tôi tưởng chừng đã chạm tay tới giấc mơ”, cô kể lại.

Tuy nhiên, quá trình học làm mỹ phẩm của Thư cũng không hề suôn sẻ. Lúc đó, là giai đoạn những năm 2009, không có tài liệu tiếng Việt, không đủ tiền mua nguyên vật liệu nên Thư liên tiếp làm hỏng những sản phẩm đầu tiên. Song mỗi lần hỏng là một lần Thư tự rút kinh nghiệm. Kiên trì và cần mẫn, cô gái trẻ cẩn thận ghi lại thời gian, nguyên liệu, trọng lượng… Cuối cùng, những thỏi son cô làm ra dành tặng bạn bè, người thân được yêu thích và nhiều người tìm đến Thư.

Lo lắng các loại mỹ phẩm đầy hóa chất tiềm ẩn khả năng gây hại cho da, các bạn gái ngày nay có xu hướng ưa chuộng các loại mỹ phẩm handmade (tự làm) có nguyên liệu từ thiên nhiên.

Cô trở về nước và thành lập Công ty TNHH Thực mỹ phẩm Grandpa’s Garden.

Dự định ban đầu là sản xuất và bán mỹ phẩm handmade của Thư khó thành công vì người tiêu dùng không tin son dưỡng được làm dễ đến vậy. Họ nghi ngờ sản phẩm được nhập từ hàng chợ Trung Quốc rồi mang về dán nhãn.

Nhận thấy mô hình không phù hợp với thị trường Việt Nam lúc bấy giờ, Anh Thư nhanh chóng chuyển hướng sáng bán nguyên liệu nhập từ Mỹ cho chị em tự chế. Khi quyết định dừng bán mỹ phẩm handmade, Thư tạo ra những video hướng dẫn làm mỹ phẩm đầu tiên, ban đầu với mục đích bán hết nguyên liệu tồn kho. Sau những video ấy, mọi người bắt đầu ý thức được về việc thỏi son, hũ kem có thể tự làm ra ở nhà. Từ đó, Grandpa's Garden trở thành nơi hướng dẫn làm mỹ phẩm handmade, mở ra những workshop đầu tiên. Đó là thời điểm tháng 8 năm 2011.

Đến năm 2012, Anh Thư được quỹ Thriive (Mỹ) cho vay vốn đầu tư. Theo cam kết, Grandpa’s Garden trả nợ Thriive bằng cách đào tạo nghề miễn phí cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2013, Anh Thư chính thức mở đào tạo cho người làm mỹ phẩm để kinh doanh. Dự án mở đồng bộ tại Hà Nội và TP HCM.

Dấu ấn quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của cô gái trẻ chính là xuất bản cuốn sách đầu tiên (Tự làm mỹ phẩm) vào năm 2014. "Tự làm mỹ phẩm" sau này được vinh dự xuất bản ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, trên Amazon. Sau đó, năm 2015, Grandpa’s Garden đã kết nối được với đội ngũ chuyên môn của tạp chí Innolab Thái Lan (chuyên dành cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm trong khu vực Châu Á).

Đến năm 2016, Anh Thư tiếp tục xuất bản cuốn sách thứ hai (Dưỡng da trọn gói). Một chương của "Dưỡng da trọn gói" sau này được xuất bản ở Hàn Quốc. Dự án của Anh Thư cũng được hỗ trợ lần đầu bởi dự án PUM (tổ chức Hà Lan cử các chuyên gia lão thành đến các doanh nghiệp tiềm năng để hỗ trợ về chuyên môn). Trong lần này, chuyên gia Ries de Winter tư vấn nâng cấp khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuẩn ISO 22716.

Hiện tại, Grandpa’s Garden đã mở rộng ra cả chương trình đào tạo cho người kinh doanh mỹ phẩm mở rộng từ handmade đến chuyên nghiệp. Học viên của cô không ít người đã tự kinh doanh mỹ phẩm riêng hoặc trở thành đại lý phân phối của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng.

Anh Thư cho biết, khi làm mỹ phẩm tại nhà, điểm chú ý đầu tiên là quy trình và lượng dùng nguyên liệu. Tiếp đó là môi trường ở nhà không đảm bảo vô trùng nên các sản phẩm dễ nhiễm khuẩn. Để bảo quản tốt mà không nguy hại sức khỏe, cần làm sạch dụng cụ và khu vực làm mỹ phẩm ở mức cao nhất có thể, không để thú cưng chơi quanh khu vực này trước và trong quá trình làm.

Có thể nói, Đỗ Anh Thư là cô gái đầu tiên làm mỹ phẩm handmade tại Việt Nam. Cô không chỉ thành công trong kinh doanh, mà còn góp phần và tạo trào lưu cho các bạn trẻ có niềm đam mê với mỹ phẩm như cô. Cô luôn quan niệm: “Khi bạn làm mỹ phẩm, bạn không chỉ đang làm đẹp đơn thuần mà còn là bạn làm đẹp trên chính tri thức và đam mê của bạn”.


Hà Linh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/