200.000 cử nhân thất nghiệp: Vì sao khó tìm việc

13:33 | 20/02/2017
TTTĐ.VN- Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm nay, cả nước có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Tháng 2 là thời điểm thị trường lao động, việc làm sôi động nhất trong năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản khiến cung và cầu chưa gặp nhau.

200.000 cử nhân thất nghiệp: Vì sao khó tìm việc

Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tình trạng cử nhân nhìn nhận năng lực bản thân cao hơn khả năng đáp ứng công việc trên thực tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng.

Thất nghiệp do chưa tìm được tìm được việc làm theo ý muốn là một thực tế đang phổ biến hiện nay. Theo một số liệu thống kê, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vậy nên, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học. Chính vì học không đi đôi với hành, nên đa số cử nhân, thạc sĩ bị sốc và lúng túng trước các câu hỏi thực tế của nhà tuyển dụng.

200.000 cử nhân thất nghiệp: Vì sao khó tìm việc


Do các ứng viên chưa nhận thức được các giá trị trên thị trường lao động nên thường xuyên nhảy việc khi thấy có vị trí việc làm “dễ thở” và thu nhập cao hơn, kể cả làm việc trái ngành, trái nghề. Mặc dù đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động nhưng lại mâu thuẫn với nhu cầu tuyển dụng của các công ty.

Chọn nhầm nghề, ngồi nhầm trường là nguyên nhân khiến cho sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Muốn có cơ hội khởi nghiệp tốt, người lao động cần tự ý thức được nhu cầu của mình phải trên cơ sở trình độ, năng lực, từ đó, tự bổ sung những thứ còn thiếu như tăng cường học tập, rèn luyện những kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.

Cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ này đưa ra trong quý 1 còn cho thấy một thực tế là học càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ đại học cao hơn hẳn so với tỷ lệ những người không có chuyên môn kỹ thuật, bằng cấp, chỉ chiếm 1,75%; tỷ lệ có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng chiếm 1,29%; sơ cấp nghề chiếm 1,99%.

Để giải quyết vấn đề thất nghiệp của cử nhân, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, giáo dục nên gắn liền với thực tế. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp bị động ngồi đợi ứng viên đến ứng cử, sinh viên mới ra trường cũng còn rất bỡ ngỡ. Nên có nhiều hơn nữa sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, để có thể chọn lọc và hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sinh viên được làm quen với môi trường làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hơn thế nữa, ngay từ bước xác định chọn trường chọn nghề khi thi đại học cũng cần hết sức chính xác, tránh việc học một đằng, ra làm một nẻo, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/