Huyện Thường Tín đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

21:14 | 14/03/2017
TTTĐ.VN - Từ kết quả công tác dồn điền đổi thửa, huyện Thường Tín đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với Quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, qua đó đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Huyện Thường Tín đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Thông tin được ông Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín chia sẻ tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14/3 tại Hà Nội.

Ông Thịnh cho hay, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay trên địa bàn huyện đã có những mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, như mô hình rau VietGap tại xã Ninh Sở đạt 2,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi lợn thịt doanh thu 8 tỷ/năm…

Huyện Thường Tín đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín chia sẻ thông tin tại buổi giao ban báo chí chiều 14/3.

Thường Tín là huyện ven đô, có nhiều nghề thủ công cho thu nhập ổn định và cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt so với độc canh cây lúa. Chính vì thế, Huyện ủy - UBND huyện xác định tất yếu phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, giá trị cao, tập trung nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi và đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, phát triển thủy sản để khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí, địa lý là vùng ven đô… kết quả cơ cấu nội ngành nông nghiệp đang dần có sự chuyển dịch, tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2016 đã chiếm 42% (năm 2014 là 39%).

Từ kết quả công tác dồn điền đổi thửa, huyện Thường Tín đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với Quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, qua đó đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa ở xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Văn Tự, Nguyễn Trãi...; vùng cây ăn quả ở xã Tự Nhiên, Chương Dương, Dũng Tiến...; vùng hoa cây cảnh ở xã Vân Tảo, Hồng Vân...; vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Thư Phú, Lê Lợi, Thống Nhất, Nghiêm Xuyên…; vùng sản xuất rau an toản tại xã Hà Hôi, Thư Phú, Vân Tảo, Quât Động,...

Đặc biệt, từ năm 2006, huyện đã xác định việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả là hướng đi đúng. Để tránh tình trạng chuyển đổi tự phát, manh mún, huyện đã quy hoạch vùng chuyển đổi và có định hướng cơ cấu cây trồng vật nuôi cho các vùng chuyển đổi, lựa chọn cây trồng, vật nuôi thế mạnh để phát triển kinh tế như: trồng cây ăn quả, rau màu có hiệu quả kinh tế cao như: nhãn, bưởi diễn, cam canh, chuối tây thái nuôi cấy mô, chuối tiêu hồng,....

Đối với một số diện tích trũng thì cấy lúa ở vụ xuân và thả cá ở vụ mùa, qua đó vừa tận dụng lúa chết ở vụ xuân làm thức ăn cho cá hoặc chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi cá như vùng nuôi trông thủy sản. Đến hết năm 2016, toàn huyện đã chuyển đổi 813 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả, trong đó chuyển đôi sang trong rau an toàn 256,51 ha, chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản 429,81 ha, chuyền đổi sang trồng hoa cây cảnh 84,91 ha...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm nên huyện đã chỉ đạo thành công nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng bầu xã Văn Phú đạt 280 triệu/ha/vụ, mô hình rau VietGap xã Ninh Sở đạt 2,5 tỷ đồng/ha/năm .

Cùng với trồng trọt, huyện Thường Tín đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch nông thôn mới để thực hiện mô hình chăn nuôi, thả cá, kết hợp trổng cây ản quả. Đồng thời, đưa nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất, như giống lợn hướng nạc; gia cầm siêu thịt, siêu trứng; bò lai Sind và bò siêu thịt BBB… Đến nay, toàn huyện có 93 trang trại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong xã, có những trang trại đạt doanh thu 6,6 tỷ đồng/năm, đặc biệt mô hình chăn nuôi lợn tại xã Hồng Vân đạt doanh thu 8 tỷ đồng/năm,...

Với những kết quả trên, nhiều hộ dân ở huyện Thường Tín đã có kinh tế ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, thu nhập bình quân trong huyện đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3,8% .

Năm 2017, huyện Thường Tín tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết 4 nhà (nhà khoa học, nhà nông, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp). Tiếp tục phát triển vùng sản xuất chuyên canh gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất.

Thúy Hương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/