Những “mảng xám” sức khỏe VNPT nhìn từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước

15:00 | 29/05/2017
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện chưa thực hiện nghiêm quy định công bố thông tin theo Nghị định 81 của Chính phủ. Nhưng trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây đã cho thấy nhiều mảng xám trong bức tranh sức khỏe của VNPT.

Những “mảng xám” sức khỏe VNPT nhìn từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước

Báo cáo đăng tải trên web sai cả ngày tháng

Trong công văn số 2691/VNPT-KTTC ngày 24/5/2017 về việc công khai tài chính năm 2016 của VNPT do Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhiễn ký gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và đầu tư có một sai sót đáng tiếc khi công văn đề sai ngày tháng là 24/5/2016.

Những “mảng xám” sức khỏe VNPT nhìn từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước

Công văn đề nhầm ngày của VNPT

Tại công văn này, VNPT viện dẫn lý do chưa thể đăng tải toàn bộ báo cáo tài chính do “Bộ đang xem xét, thẩm định báo cáo, chưa có ý kiến về việc phê duyệt báo cáo tài chính năm 2016”. Vì vậy, VNPT chỉ gửi “các quý bộ một số chỉ tiêu trong báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016” để kịp thời hạn công khai tài chính theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều đơn vị thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu

Tại báo cáo tổng hợp kiểm toán năm 2016 số 159/BC-KTNN ngày 26/4/2017 do Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ký, đã hé lộ rất nhiều mảng tối trong bức tranh sức khỏe của VNPT. Theo đó, nhiều DN trực thuộc lại thua lỗ lớn. Tính đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế của các doanh nghiệp trực thuộc VNPT lần lượt là: Công ty Cổ phần Vật liệu Bưu điện Việt Nam 53,28 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến VDC 26,86 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất thiết bị viễn thông - TELEQ 22,49 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật viễn thông 16,65 tỷ đồng.

Những “mảng xám” sức khỏe VNPT nhìn từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước


Công ty TNHH MTV Cáp quang FOCAL 13,15 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cáp quang Việt Nam 13,62 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển công trình viễn thông 8,18 tỷ đồng; Công ty CP Bất động sản Bưu chính Viễn thông 6,35 tỷ đồng; Công ty CP Vật liệu xây dựng Bưu điện Việt Nam 6,11 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Du lịch trực tuyến 4,52 tỷ đồng.

Một số nơi còn âm vốn chủ sở hữu như Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (43,14 tỷ đồng) hoặc trích lập dự phòng chưa đủ điều kiện như TCT Hạ tầng mạng và VNPT Hà Nội (34,26 tỷ đồng).

Một số đơn vị chưa được góp đủ vốn điều lệ như TCT Dịch vụ Viễn thông - VNPT Vinaphone thiếu 2.473 tỷ đồng; TCT Truyền thông thiếu 1.594 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông thiếu 187,5 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất ổn như trong quá trình tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, một số doanh nghiệp còn chưa tuân thủ đầy đủ quy định về đăng ký giá bán hàng, đăng ký chương trình khuyến mại hoặc thực hiện khuyến mại vượt thời gian quy định. Điều này xảy ra ở các đơn vị như TCT Dịch vụ Viễn thông, VNPT Hà Nội, VNPT Hồ Chí Minh, VNPT Đồng Nai.

Chưa nộp hơn 2000 tỷ đồng vào ngân sách

VNPT cũng chưa hạch toán các khoản thu lợi nhuận sau thuế, chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại các công ty con là công ty TNHH MTV do mình nắm giữ 100% vốn điều lệ vào doanh thu hoạt động tài chính theo quy định. Khoản tiền này lên tới 3.072,5 tỷ đồng.

Việc quản lý, sử dụng hàng tồn kho ở VNPT cũng chưa hiệu quả như ở Công ty Dịch vụ vật tư và Trung tâm điều hành thông tin quản lý thuộc VNPT Hà Nội để ứ đọng 137,74 tỷ đồng; VNPT Cà Mau 12,63 tỷ đồng.

Đáng chú ý là khoản nợ khó đòi phát sinh lớn, lên tới 1.455,31 tỷ đồng (19,5%). Kiểm toán Nhà nước yêu cầu VNPT nộp lại 2.054 tỷ đồng lợi nhuận năm 2015 vào Ngân sách Nhà nước.

Đầu tư ngoài ngành ồ ạt, thoái vốn nhỏ giọt

VNPT trước đây đã ồ ạt kinh doanh ngoài ngành ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản , chứng khoán.... Hiện nay, theo đề án tái cơ cấu, VNPT chỉ tập trung vào 3 ngành, lĩnh vực chính là các sản phẩm dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện. Thế nhưng tiến độ thoái vốn các lĩnh vực này vẫn rất ì ạch.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2015, giá trị thoái vốn của VNPT là 647 tỷ đồng, giá trị thu về là 1.036 tỷ đồng. Đến ngày 15/10/2016, VNPT mới hoàn thành thoái vốn được 16 danh mục, tổng giá trị đầu tư thu về là 1.043 tỷ đồng. Hiện vẫn còn còn 52 danh mục phải thoái vốn bao gồm 16 danh mục thoái vốn theo phương thức tích tụ và 36 danh mục là thoái vốn theo phương thức trực tiếp như khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể, phá sản…

Vì sao thoái vốn không thành công? Theo chính báo cáo của VNPT, một số doanh nghiệp đã triển khai đấu giá công khai song không thành công bởi không có người mua. Việc thoái vốn tại Maritime Bank, hai lần công bố thông tin đấu giá nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm là một ví dụ.

Gần đây, VNPT tiếp tục bán cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land) – doanh nghiệp khiến tập đoàn thua lỗ hàng tỷ đồng mỗi năm - với giá khởi điểm chỉ 9.700 đồng/cổ phần nhưng không khả quan. Tình trạng tương tự cũng diễn ra khi thoái vốn ở Công ty Cổ phần Phát triển Công trình Viễn thông, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng bưu chính viễn thông Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Thiết kế viễn thông tin học Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Tin học viễn thông hàng không...

Làm việc với tập đoàn vào ngày 15/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã nhắc nhở việc thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành quá chậm và yêu cầu VNPT giải trình, làm rõ nguyên nhân và sớm có biện pháp khắc phục trong thời gian tới, nêu rõ mốc thời gian hoàn thành. Theo ông Mai Tiến Dũng, từ đầu năm 2016 tới ngày 5/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao VNPT 111 nhiệm vụ, trong đó tập đoàn đã hoàn thành 108 nhiệm vụ (đúng hạn 104, quá hạn 4), còn lại 3 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành.

Theo Quang Nam/Công lý

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/