Cần nhân rộng mô hình "sạch từ trang trại tới bàn ăn"

10:33 | 26/07/2017
TTTĐ.VN - Tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn diễn biến phức tạp, từ nguồn cung ứng đến khâu lưu thông. Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ đến tận tay người dân.

Cần nhân rộng mô hình


Xây dựng chuỗi liên kết

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn diễn biến phức tạp, từ nguồn cung ứng đến khâu lưu thông. Hơn nữa, do tập quán sản xuất và vì lợi nhuận nên việc quản lý, hướng dẫn sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Một số sản phẩm lưu thông trên thị trường đến các bếp ăn tập thể và gia đình vẫn chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, gây bức xúc trong nhân dân. Trước nhu cầu cấp thiết về sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ đến tận tay người dân. Việc làm này vừa giúp kiểm soát chất lượng cũng như giá cả của các loại thực phẩm.

Đi tìm mô hình tiên phong trong việc tổ chức khép kín chuỗi chăn nuôi an toàn, chúng tôi đến Trạm chăn nuôi số 5 thuộc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có địa chỉ cơ sở 1 tại Vân Đình (Ứng Hòa) và cơ sở 2 tại Đồng Tâm (Mỹ Đức), tại đây chúng tôi được nghe giới thiệu về mô hình chăn nuôi lợn sinh học đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường chăn nuôi và đặc biệt là Trạm đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giúp sản phẩm sản xuất ra được chuyển đến tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.


Cần nhân rộng mô hình
Chị Cao Thị Huệ, phụ trách Trạm chăn nuôi số 5 kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn lợn nuôi sinh học


Chia sẻ về mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại Trạm chăn nuôi số 5, chị Cao Thị Huệ, phụ trách trạm cho hay: "Nhiều năm nay, chúng tôi đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lợn sinh học rất hiệu quả. Hiện Trạm đang liên kết với một doanh nghiệp để nhập cám sinh học về chăn nuôi, sau khi lợn được xuất chuồng, doanh nghiệp đó lại thu mua luôn sản phẩm để cung ứng ra thị trường. Mô hình chăn nuôi khép kín, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng rất quan tâm và ủng hộ. Hiện tại, Trạm chăn nuôi số 5 đang nuôi khoảng hơn 500 con lợn theo mô hình chăn nuôi sinh học. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ tăng đàn và tập trung xây dựng chuỗi liên kết thêm những sản phẩm chăn nuôi mới như vịt, gà...".

Hiện tại, đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm với Trạm chăn nuôi số 5 chính là Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green, nói về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn nuôi sinh học, anh Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green cho hay: "Trước đây, tôi chỉ sản xuất và kinh doanh cám sinh học để cung cấp cho các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, nhận thấy sản phẩm lợn sinh học sau khi xuất chuồng mặc dù có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có chất cấm, hóa chất tồn dư nhưng lại không được nhiều người dân biết đến. Do vậy, tôi đã lên ý tưởng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lợn sinh học. Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp cám sinh học cho Trạm chăn nuôi số 5 và một vài trang trại chăn nuôi lợn sinh học trên địa bàn Hà Nội, sau khi lợn được xuất chuồng, chúng tôi sẽ thu mua lại và có kênh phân phối ra thị trường, rút ngắn khâu trung gian, góp phần hạ giá thành sản phẩm mà chất lượng lại được đảm bảo".

"5 nhà" cùng vào cuộc

Trong những năm qua, ngành Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, vẫn chưa có nhiều người tiêu dùng tiếp cận được với nguồn cung cấp thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Nguyên nhân chính là do khâu liên kết giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và nhà quản lý còn thiếu bền chặt. Chính vì vậy, việc tăng cường sự phối hợp giữa các bên nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng nông sản thực phẩm có vai trò rất quan trọng.

Cần nhân rộng mô hình

Đàn lợn nuôi sinh học luôn được kiểm tra, theo dõi sức khỏe hàng ngày

Xuất phát từ thực tế trên, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố đã khởi động chương trình “Bữa ăn an toàn” và ra mắt trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn”. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm kết nối chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn của mỗi gia đình người dân Thủ đô. Để chuỗi cung ứng sản phẩm đến được bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình, cần phải có sự kết nối rộng hơn với nội dung sát thực hơn của 5 "nhà" bao gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà báo và người tiêu dùng. Sự liên kết này còn nhằm xây dựng cơ chế đầu tư hỗ trợ, thanh kiểm tra ở tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch.


Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội cho rằng: Việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn được xem là giải pháp quan trọng để có được các bữa ăn an toàn. Hiện nay, toàn thành phố đã xây dựng được 47 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn cả trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với đó, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang hỗ trợ 1.000 mã sản phẩm nông, lâm, thủy sản để truy xuất nguồn gốc qua tem nhận diện thông minh QR code. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để kết nối chương trình “Bữa ăn an toàn” được thành công.

Huyền Thanh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/