Tổ chức Đoàn cần định hướng, dẫn dắt, kết nối để thanh niên phát triển mô hình kinh tế

14:50 | 22/08/2017
TTTĐ.VN - Sáng 22/8, Trung ương Đoàn tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2022”. Hội thảo đã được nghe rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, đại diện các Tỉnh, Thành đoàn góp phần xây dựng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn.

Tổ chức Đoàn cần định hướng, dẫn dắt, kết nối để thanh niên phát triển mô hình kinh tế

Nhân rộng mô hình hay


Với lợi thế của đô thị lớn có môi trường kinh doanh sôi động nhiều năm qua, Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã có những sáng kiến, giải pháp cụ thể để đồng hành, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình thanh niên khởi nghiệp, trong đó chú trọng cả hai nhánh khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, Đoàn Thanh niên thành phố đã chủ động tham mưu với cấp ủy chuyển đổi mô hình hoạt động từ Trung tâm tư vấn kinh tế thanh niên sang Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp - BSSC (Business Startup Support Centre) – đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn với chức năng hỗ trợ thanh niên Việt Nam thực hiện ước mơ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo.

“Tại thời điểm ra mắt năm 2011, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là đơn vị đầu tiên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam bao gồm: Tài chính; Cơ sở vật chất; Tư vấn chuyên gia; Đào tạo; Xúc tiến thương mại, với cơ chế tự chủ hoàn toàn về kinh phí. Trong đó, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một sáng kiến của Thành đoàn – Hội LHTN thành phố, với hình thức cho vay tín chấp, nguồn vốn ban đầu là 1 tỷ đồng (giai đoạn 2006 - 2010), được nâng lên thành 30 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2015) và sau 5 năm hoạt động hiệu quả, cuối tháng 11/2016, Quỹ đã chính thức hoàn tất các thủ tục để mở rộng quy mô lên 100 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2021)” – đại diện Thành đoàn Hồ Chí Minh cho biết.

Nhờ có nguồn vốn này Thành đoàn Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tích cực thanh niên trong khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Tổ chức Đoàn cần định hướng, dẫn dắt, kết nối để thanh niên phát triển mô hình kinh tế

Tham gia hội thảo có anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn cùng nhiều chuyên gia, đại diện các Tỉnh, Thành đoàn trong cả nước

Anh Đoàn Văn Hải, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh cũng cho biết: Hàng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức 10-15 lớp chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên. Thậm chí, để khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, Đoàn còn tặng cả con giống.

Vì vậy, rất nhiều mô hình kinh tế của thanh niên trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã phát triển. “Một số mô hình truyền thống chúng ta nên tiếp tục giữ vững nhưng các mô hình mới cần phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Đoàn phải đóng vai trò chung gian kết nối với các doanh nghiệp để có định hướng sản xuất cho thanh niên tránh tình trạng lúc thị trường cần thì không có sản phẩm và ngược lại” – anh Hải nhấn mạnh.

Phát huy vai trò định hướng của Đoàn

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Ngọc Việt, UVBCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Đoàn phải xác định được những phần việc phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của tổ chức đó là tính định hướng, dẫn dắt. Theo đó, Đoàn nên chia nhỏ các đối tượng để có những định hướng, hỗ trợ kịp thời. Điển hình như thanh niên nông thôn là hỗ trợ về chăn nuôi, trồng trọt và phát triển làng nghề. Đối với thanh niên đô thị và trí thức phải là khởi nghiệp sáng tạo. Việc khuyến khích đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp là hết sức cần thiết nhưng tránh tình trạng làm theo phong trào. Thanh niên khởi nghiệp rầm rộ nhưng lại không có hiệu quả, thậm chí “sớm nở tối tàn”.

Cũng theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, việc vay vốn của Đoàn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội còn nhiều bất cập. Số vốn được vay ít, thủ tục còn rờm rà nên khiến thanh niên e ngại và khó tiếp cận. Vì vậy, Đoàn cần nghiên cứu và có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho đoàn viên, thanh niên. “Nếu chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển kinh tế thì họ sẽ tự tìm đến với Đoàn. Đây cũng là hoạt động thiết thực trong việc đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp” – anh Nguyễn Ngọc Việt nói.


Tổ chức Đoàn cần định hướng, dẫn dắt, kết nối để thanh niên phát triển mô hình kinh tế

Anh Nguyễn Ngọc Việt, UVBCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Là người có kinh nghiệm nhiều năm cọ sát với những mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên anh Nguyễn Quốc Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên nông thôn sản xuất sản phẩm hữu cơ công nghệ Mỹ (thuộc Trung ương Đoàn) cho rằng để các mô hình kinh tế phát triển bền vững cần đảm bảo ba yếu tố. Thứ nhất về sở hữu nhưng hiện rất ít các mô hình đăng kí kinh doanh cấp hộ, cấp tổ hợp tác… Điều này ảnh hưởng không ít đến việc phát triển kinh tế.

Thứ hai là thanh niên khi áp dụng công nghệ phải có chọn lọc. Rất nhiều mô hình của thanh niên đã áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhưng lại không tìm được đầu ra. Thứ ba là chọn mô hình sản xuất gì cho phù hợp. “Việc chọn mô hình gì cũng phải làm thực chất tránh tình trạng làm ẩu, làm bừa, vì vậy, rất cần đến vai trò định hướng của Đoàn. Đoàn phải trở thành người kết nối, dự báo tình hình cho thanh niên. Đặc biệt, Đoàn cần làm tốt công tác tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia, từ đó, thúc đẩy thanh niên phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo” – anh Nguyễn Quốc Văn chia sẻ.



Phương Thanh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/