Triển khai hệ thống bảo lãnh thông quan giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

22:42 | 01/09/2017
TTTĐ.VN – Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á mà Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) lựa chọn đề nghị tham gia triển khai áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan. Theo các chuyên gia, Bảo lãnh thông quan sẽ là giải pháp đột phá trong việc tạo thuận lợi thương mại, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Triển khai hệ thống bảo lãnh thông quan giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) đã phối hợp với Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tổ chức hội nghị toàn thể công bố kế hoạch triển khai nghiên cứu áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam hôm 1/9 tại Hà Nội.

Triển khai hệ thống bảo lãnh thông quan giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Hội nghị toàn thể công bố kế hoạch triển khai nghiên cứu áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam

Tại hội nghị, ông Philippe Isler - Giám đốc điều hành GATF cho hay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á mà GATF lựa chọn đề nghị tham gia triển khai áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan. Dự án áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam đồng thuận chỉ đạo nghiên cứu triển khai.

Ngày 18/8/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8783/VPCP-KSTT, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, các bộ, ngành có liên quan triển khai nghiên cứu khả năng áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/11/2017.

Theo ông Philippe Isler, GATF sẽ cung cấp giải pháp khả thi cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện các cam kết WTO; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thông qua nỗ lực hợp tác giữa GATF - VPSF với các đơn vị của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đến quản lý nhà nước về hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa.

“Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép các bộ ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phối hợp với những quy trình thủ tục được xây dựng và áp dụng bởi Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính Việt Nam… Bảo lãnh thông quan sẽ là giải pháp đột phá trong việc tạo thuận lợi thương mại” - ông Philippe Isler nói.

Dự án hỗ trợ này có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài đến từ các quốc gia thành viên của WTO để giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu. Dự án cũng bao gồm việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý, hỗ trợ vận hành và công nghệ thông tin cho hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các hỗ trợ khác trong nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại.

Bà Nguyễn Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho hay, với sự hỗ trợ của GATF, cơ quan hải quan đã có 4 ngày làm việc với nhóm chuyên gia nghiên cứu, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm về bảo lãnh thông quan của các nước tiên tiến, như: Anh, Mỹ, Úc… Bước đầu cho thấy, một số công cụ bảo lãnh thông quan này sẽ là bước tiến tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, trong bối cảnh khâu thông quan hàng hóa của Việt Nam còn nhiều vướng mắc do thủ tục kiểm tra chuyên ngành (chiếm tới 72% thời gian giải phóng hàng hóa).

Với kinh nghiệp 40 năm hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký VPSF phát biểu, doanh nghiệp (DN) Việt Nam mong muốn, bảo lãnh thông quan sớm được triển khai tại Việt Nam, để thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh của DN theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP

"Bảo lãnh thông quan ở các nước phát triển mang lợi ích cho DN, các nhà nhập khẩu, các công ty bảo hiểm và cơ quan hải quan trong việc kết nối thông tin và kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả, qua đó rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa. Trong khi Singapore đặt chỉ tiêu rút ngắn thời gian thông quan tính bằng phút, thì Việt Nam đang nỗ lực giảm thời gian thông quan tính bằng giờ…” - ông Giám chia sẻ.

Tại hội nghị, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, áp dụng các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nhanh chóng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ việc áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan vào Việt Nam.

Đóng góp ý kiến về dự án, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho rằng, bảo lãnh thông quan đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới và lợi ích tạo thuận lợi thương mại đã được khẳng định. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm thông quan tại Việt Nam là rất thách thức cần có cơ chế hỗ trợ và phối hợp giữa các bộ, ngành và các bên liên quan.

Thúy Hương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/