Cô giáo cho 42 bạn tát vào mặt nam sinh lớp 4 (Thường Tín, Hà Nội): Có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác

11:06 | 09/01/2017
TTTĐ - Mới đây dư luận xã hội bất bình trước thông tin vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 4 trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) cho 42 bạn trong lớp tát vào mặt một nam học sinh cùng lớp. Trước sự việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch huyện Thường Tín xử lý vụ việc và báo cáo thành phố trước ngày 10/1.

Cô giáo cho 42 bạn tát vào mặt nam sinh lớp 4 (Thường Tín, Hà Nội): Có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác

Cô giáo cho 42 bạn tát vào mặt nam sinh lớp 4 (Thường Tín, Hà Nội): Có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác
Mặt nam sinh sưng tấy, trầy xước sau khi bị cô giáo cho 42 bạn tát

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xác minh thông tin, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan có sai phạm. Kết quả xử lý được báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/1.

Trước đó, ngày 26/12/2016, tại lớp 4A trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội), khi được lớp trưởng báo là bạn Đỗ Tuấn L nói bậy ở trường, cô chủ nhiệm Hồng Anh đã cho hơn 42 bạn cùng lớp tát vào mặt Đỗ Tuấn L. Hậu quả má em này bị sưng tấy, tâm lý rất sợ hãi.

Liên quan đến sự việc này, bà hiệu trưởng Trần Thị Cậy cho biết, trường đã ra quyết định đình chỉ công tác giảng dạy của cô Hồng Anh, thời gian là một học kỳ. Trong bản tường trình, cô giáo thừa nhận "sai phạm lớn", sau đó đến nhà xin lỗi phụ huynh, học sinh.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Luât sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sự Hà Nội cho rằng: Giáo dục tiểu học có vai trò rất quan trọng trong hệ thống giáo dục của một quốc gia, đó là nền tảng cơ bản trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trẻ em ở lứa tuổi tiểu học như búp trên cành cần được quan tâm, săn sóc và dạy dỗ một cách đặc biệt.

Luật sư Thơm nhấn mạnh, những hoạt động của trẻ em ở trường đều phải được giáo viên ân cần chỉ dẫn, nhắc nhở. Ở trường học, các em không chỉ được các thầy cô dạy học chữ mà còn được uốn nắn để hình thành nhân cách. Giáo viên trong hoạt động giáo dục dạy học đều phải hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho các em thông qua hoạt động của mình để hình thành và phát triển nhân cách.

Sự việc em Đỗ Tuấn L đã bị cô giáo cho 42 bạn cùng lớp tát vào mặt là đi ngược lại mục tiêu giáo dục tiểu học để đào tạo ra một thế hệ mới, là những chủ nhân tương lai của đất nước sau này. Hành vi của cô giáo này đã đi ngược lại với tư cách, đạo đức của nhà giáo chân chính, vi phạm nghiêm trọng nhiệm vụ của nhà giáo là luôn phải giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học; đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em; Điều 75 Luật giáo dục 2005 quy định về các hành vi nhà giáo không được làm: Nhà giáo không được có các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học…

Xét hành vi của cô giáo trong vụ việc này đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự cháu Đỗ Tuấn L trước mặt các cháu học sinh cùng lớp bằng cách bắt 42 bạn cùng lớp tát vào mặt cháu. Đây là hành vi cố ý làm nhục cháu được thực hiện công khai. Hậu quả cháu bé đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe. Hàng đêm, bé thường xuyên nói mơ và van xin các bạn đừng tát mình. Dưới sự động viên của gia đình và nhà trường, nam sinh đã quay trở lại trường học nhưng rất xa cách với bạn bè.

Cháu bé còn quá ít tuổi, sự phát triển tâm sinh lý còn rất hạn chế mà cô giáo lại có hành xử nóng giận như vậy thì không thể chấp nhận được ngay với tư cách là một người bình thường chứ chưa nói là người thầy. Do đó, theo quan điểm của luật sư, dưới góc độ pháp luật, hành vi của cô giáo đã có dấu hiệu phạm tội “làm nhục người khác”. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.



Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định về Tội làm nhục người khác:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến 3 năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.




Thành Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/