Bài 109: Tình yêu chóng vánh, hay ít - dở nhiều

15:52 | 19/06/2017
TTTĐ.VN - Nhiều người thắc mắc, tại sao ngày xưa quen biết nhau chóng vánh, chẳng cần xem ngày tốt xấu, xem tuổi xung hợp mà vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long. Còn bây giờ, nhiều cặp vợ chồng tìm hiểu nhau kĩ càng, nhờ thầy xem bói xem toán, tổ chức ở nhà hàng lớn, tuần trăng mật ở nước ngoài mà sống với nhau chưa được nửa năm đã đường ai nấy đi....

Bài 109: Tình yêu chóng vánh, hay ít - dở nhiều

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 108: Nét văn hóa gia đình đặc trưng của người Hà thành


Bài 109: Tình yêu chóng vánh, hay ít - dở nhiều
Hôn nhân thời hiện đại cũng là bài toán để những cặp đã thành chồng thành vợ phải kiên trì tìm lời giải và rất cần vượt qua cái tôi của chính mình... Ảnh minh họa.

Quan hệ hôn nhân và quá trình tìm hiểu để đi đến hôn nhân ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Ngày trước, người ta rất ít khi được trực tiếp tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Thường chỉ là thông qua việc dò hỏi từ người khác, nhất là những người mai mối. Những thông tin nhận được theo cách ấy thường ít khi chính xác bởi sự sai lệch qua lời giới thiệu của các bà mối. Thế mới có câu chuyện hài về một cô dâu sứt môi được bà mối thông báo trước với nhà trai là cô dâu "mồm mép không được lành lặn cho lắm...". Nhà trai hiểu theo cách là cô dâu chắc có lẽ hơi khuyết điểm về cách ăn nói, thôi thì về nhà chồng chịu khó dạy dỗ thêm. Đến khi cưới xong mới vỡ lẽ... Bà mối đàng trai cũng thuộc loại “cao thủ” chẳng kém gì, đã báo trước với nhà gái là chàng rể “không được ngay thẳng lắm”. Nhà gái hiểu theo cách là chàng rể tương lai có lẽ tính tình không được hoàn toàn chân chất, lương thiện nhưng điều đó có hề gì, miễn có gia đình rồi thì nó hẳn phải lo làm ăn thôi. Đến chừng cưới xong mới vỡ lẽ đó là một anh... gù lưng.

Đó là những câu chuyện đùa nhưng để nói lên một thực trạng về quá trình tìm hiểu để xây dựng hôn nhân ngày xưa. Còn những chuyện thật như đùa thì nhiều vô kể: Tình cờ ngồi trong quán nước thấy ưng liền đem lòng vương vấn, về nhà thưa chuyện với ông bà nội rồi nhờ người dò hỏi đến tận nhà. Sau đó là các thủ tục cưới xin trong khi hai người chưa một lần được trực tiếp nói chuyện cùng nhau. Hoặc như chuyện mấy ngày nữa chàng trai lên đường ra mặt trận, bố mẹ hỏi cho cô X trong làng là hai họ tổ chức đám cưới ngắn gọn, nhanh chóng để tranh thủ thời gian...

Ngày nay, việc yêu nhau và xây dựng gia đình hoàn toàn khác biệt. Người ta chẳng những được tìm hiểu nhau mà thậm chí còn tìm hiểu rất kĩ bằng cách gặp gỡ thông thường hoặc trước đó là qua các ứng dụng của mạng cá nhân. Vai trò của cha mẹ rất mờ nhạt trong giai đoạn tìm hiểu này bởi vì lắm khi "các cụ" chẳng biết gì cho đến khi con cái chính thức thưa chuyện xin tiến hành việc cưới hỏi.

Có người từng nói, tại sao ngày xưa quen biết nhau chóng vánh, chẳng cần xem ngày tốt xấu, xem tuổi xung hợp mà vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long. Còn bây giờ, nhiều cặp vợ chồng tìm hiểu nhau kĩ càng, nhờ thầy bà xem bói xem toán, tổ chức ở nhà hàng lớn, tuần trăng mật ở nước nước ngoài mà chưa được nửa năm đã đường ai nấy đi. Cũng không quá khó hiểu, xét về nguyên nhân khách quan là do điều kiện công việc, sự cám dỗ hiện hữu xung quanh, còn nguyên nhân chủ quan là do cái tôi của mỗi người quá lớn, lòng vị kỉ nhiều hơn lòng vị tha, chóng thất vọng về đối phương và cho phép mình tìm đến một "sự giải thoát".

Một thực tế cho thấy, với sự khác biệt tưởng như tích cực như thế nhưng tỉ lệ những cặp li hôn ngày nay lại cao hơn gấp bội trong khi ở thế hệ của cha mẹ, ông bà chúng ta trở về trước, vợ chồng li hôn là chuyện cực kì hiếm hoi.

Có ý kiến cho rằng, các cụ ngày xưa chưa hẳn đã có gia đình hạnh phúc nhưng lễ giáo khắc nghiệt không cho phép nghĩ đến chuyện li hôn nên phải gượng ép sống chung đó thôi. Nếu nói sự khắc nghiệt của lễ giáo thì hơi quá, có lẽ đó là một nề nếp, một quan điểm sống được gìn giữ trong truyền thống văn hóa dân tộc ta từ xưa đến nay. Việc li hôn được các cụ ngày xưa xem như một điều rất đáng xấu hổ, không chỉ cho cá nhân hai người mà còn là cho cả hai bên dòng họ nữa. Chính cách suy nghĩ này đã tạo nên một tinh thần trách nhiệm rất cao trong cuộc sống hôn nhân. Nhờ đó, người ta có thể vượt qua hầu hết những trở ngại, vấp váp khó tránh khỏi trong cuộc sống chung của một gia đình.

Ngày nay, những quan niệm mới cởi mở hơn, tự do hơn cho rằng việc li hôn là giải phóng người ta khỏi những cảnh sống bất đắc dĩ đó. Theo những người này, rất có thể sau nhiều lần li hôn thì cuối cùng mỗi người đều sẽ tìm được cho mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Một trong những khác biệt lớn có thể dễ dàng nhận ra trong quan niệm của ngày nay là việc xem hôn nhân không còn là vấn đề bắt buộc nữa. Cha mẹ không còn theo như ngày xưa, ép buộc con cái phải lập gia đình ngay cả khi chúng không muốn mà bản thân mỗi người thì tỉ lệ những người chọn sống độc thân đang ngày càng lên cao. Ở nước ta, con số này đã bắt đầu đáng gây chú ý, còn ở những nước công nghiệp, nó đã lên cao đến mức kỉ lục so với trước đây. Ngoài ra, số người lập gia đình muộn cũng gia tăng đáng kể. Đây cũng là những tiêu cực về quan hệ hôn nhân trong thời hiện đại.

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lí học, việc lập gia đình không chỉ đơn thuần là đáp ứng các nhu cầu về tính dục và duy trì nòi giống. Sự kết hợp tình cảm nam nữ còn tạo ra những điều kiện tâm sinh lí cần thiết để con người tiếp tục phát triển bình thường. Một cuộc sống gia đình hạnh phúc thật sự giúp người ta dễ dàng phát triển thêm năng lực sáng tạo cũng như nhiều khả năng khác trong cuộc sống. Ngoài ra, tình cảm lứa đôi còn là chỗ dựa rất cần thiết cho mỗi người trước những biến cố bất ngờ trong cuộc sống.

(còn nữa)

Khánh Vy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/