Bài 93: Một bộ phận học trò bị lệch chuẩn đạo đức

09:21 | 11/05/2017
TTTĐ.VN - Những năm gần đây, hiện tượng học sinh coi thường nội quy nhà trường, hỗn láo với thầy, cô... khiến dư luận nhiều phen dậy sóng. Qua nhiều vụ việc cho thấy, đạo đức của học sinh đang thách thức năng lực không chỉ với giáo viên mà còn đối với cả hệ thống giáo dục.

Bài 93: Một bộ phận học trò bị lệch chuẩn đạo đức

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 92: Khi người thầy tự làm mất hình ảnh...


Học sinh ngày càng hỗn láo

Thông thường, điều chúng ta được học đầu tiên khi tới trường không phải học bảng chữ cái hay con số mà là học những bài về đạo đức: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tuy nhiên, nhiều học sinh hiện nay lại quên đi những bài học ấy. Trong nhà trường, học sinh cãi lại, “trả đũa” thầy cô giáo, “xử” lẫn nhau, đánh hội đồng… được đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Không ít thầy, cô giáo từng chán nản tâm sự rằng, văn hóa học đường đang xuống cấp. Học sinh bây giờ được thầy cô tận tâm dạy mà chẳng được lời cảm ơn, ra trường nhìn thấy thầy cô không chào. Học sinh đã vậy, nhiều phụ huynh còn coi giáo dục như một dịch vụ, một món hàng. Nếu giáo viên có hành động gì đó mà phụ huynh cho là không đúng, lập tức bị phản ánh lên cấp trên, thậm chí là thay đổi lớp khác, trường khác cho con ngay mà không tìm hiểu lý do. Chính vì thế học sinh tự cho mình cái quyền là “thượng đế”.


Bài 93: Một bộ phận học trò bị lệch chuẩn đạo đức
Bài học đạo đức là bài học cần đến sự giáo dục từ hai phía: cả gia đình và nhà trường... Ảnh minh họa.

Cách đây một vài chục năm, khi học sinh bị thầy, cô trách mắng thì chỉ biết cúi gằm mặt, không dám cãi thì bây giờ đã khác. Nhiều trường hợp bị phạt đứng tại chỗ, chép phạt, viết kiểm điểm... học sinh chẳng coi ra gì. Giờ học như cái chợ, học sinh đi lại lung tung trong lớp, nói chuyện, đùa giỡn... coi như giáo viên không tồn tại. Khi bị mời ra ngoài, có học sinh phản ứng: “Không làm gì sao phải ra?”, rồi thách thức: “Chép phạt thì chép, sợ gì”…

Tình trạng học sinh nói bậy là phổ biến. Có thể bắt gặp ở nơi ngã tư đường phố lúc đợi đèn xanh, nhiều học sinh chở nhau đi bằng xe đạp điện rất vô tư nói bậy làm cho người nghe phát ngượng. Nam sinh đã vậy, nhiều nữ sinh ăn diện, xinh xắn cũng thoải mái văng bậy.

Em Nguyễn Minh L, học sinh lớp 10 trường THPT Trần Phú (Hà Nội) hồn nhiên cho biết: “Những lời lẽ, câu chửi như thế bọn em nghe quen lắm. Dĩ nhiên trước mặt thầy cô, bố mẹ, bọn em dám, chỉ nói với nhau thôi. Nói nhiều thấy bình thường”.

Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ việc giáo dục nhân cách, kĩ năng sống cho trẻ nhỏ trong trường học đã đi chệch hướng bởi nhà trường chỉ lo dạy kiến thức, chưa chú trọng đến giáo dục hành vi.

Lỗi do nhà trường và gia đình

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục học Hà Nội, Hiệu Trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), hiện chúng ta đang coi trọng việc dạy kiến thức hơn dạy làm người. Cụ thể, chương trình giáo dục hiện nay ở Việt Nam quá chú trọng đến dạy chữ. Môn học có hơi hướng giáo dục đạo đức, rèn luyện tư duy và kĩ năng sống cho học sinh bị lệch sang văn hóa giáo dục kiến thức. Việc dạy kĩ năng sống, dạy cách làm người để học sinh biết cư xử đúng mực, biết rõ những chuẩn mực đạo đức xã hội thì trong các trường phổ thông hiện nay không hề có. Điều này đáng báo động là trong giáo dục học đường, chúng ta chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức văn hóa cho học sinh, sinh viên mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống và sống trách nhiệm cho các em.

Tuy nhiên, theo TS Lâm về sâu xa, việc học sinh ngày càng hỗn láo, nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng và phức tạp hơn là do trong quá trình giáo dục, cả gia đình và nhà trường chưa giúp học sinh nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người. Kĩ năng sống của học sinh rất kém, các em không có cách giải quyết vấn đề thích hợp mà chủ yếu theo bản năng. Thực tế vẫn chưa có các biện pháp hay quy định về pháp luật xử lí vi phạm đủ mạnh để học sinh biết sợ.

Thời gian qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều văn bản nhắc các trường chấn chỉnh và định hướng đúng cho học sinh trong việc ăn nói và ứng xử với thầy cô, bạn bè... Một số trường đã tổ chức các câu lạc bộ Sống đẹp, diễn đàn trao đổi các vấn đề học sinh quan tâm. Tuy nhiên những hoạt động này còn ít trong khi hàng ngày các em vẫn tiếp nhận nhiều thông tin trên mạng không được kiểm chứng, chọn lọc...

Rất nhiều gia đình mong muốn con mình trở thành công dân toàn cầu, nhưng họ chỉ chăm chú lo cho con học thật giỏi mà quên đi những hành vi ứng xử văn hóa. Đó là thiếu sót lớn. Giáo dục gia đình là gốc rễ của mọi hành vi ở trẻ. Vì vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải bắt đầu từ gia đình.

(còn nữa)

Mai Khôi

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/