Bài 115: Đáng buồn “văn hóa chen lấn”

09:56 | 10/07/2017
TTTĐ.VN - Hà Nội đang bước vào mùa “cao điểm” du lịch, các điểm đến, khu vui chơi giải trí thu hút lượng khách rất lớn. Đáng buồn là nhiều người không tuân thủ các nội quy của điểm đến, chen chúc xô đẩy nhau thay vì phải xếp hành để chờ đến lượt. Hiện tượng đó luôn xảy ra, để lại một hình ảnh vô cùng xấu trong mắt bạn bè quốc tế.

Bài 115: Đáng buồn “văn hóa chen lấn”

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Bài 114: Du lịch – Cơ hội và thách thức


Mạnh ai người nấy... chen

Ở nước ngoài, việc phải xếp hàng mọi lúc, mọi nơi trong tất cả các lĩnh vực là điều dĩ nhiên. Sau vụ thảm họa kép xảy ra năm 2012 tại Nhật Bản, hẳn chúng ta ai cũng xúc động trước hình ảnh những hàng người kiên nhẫn xếp hàng, chờ đợi đến lượt mình được nhận khẩu phần cứu trợ trong thời khắc khó khăn và thiếu thốn nhất.

Ngược lại, ở nước ta, cảnh xô đẩy, chen lấn tại các nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bến tàu, các điểm du lịch là khá phổ biến, khiến nhiều người khó chịu. Mặc dù đã có rất nhiều người lên án gay gắt hành vi này nhưng có vẻ như việc chen lấn, xen ngang vẫn tồn tại và trở thành “văn hóa” của người dân.


Bài 115: Đáng buồn “văn hóa chen lấn”

Văn hóa... mạnh ai người nấy chen

“Văn hóa chen lấn" là một câu chuyện đã từ rất lâu nhưng không bao giờ cũ ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Điển hình, thời bao cấp, với chế độ tem phiếu, mọi người phải xếp hàng để mua những nhu yếu phẩm cần thiết song cũng có thể không đến lượt. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, người người chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau bằng được.

Nhưng hiện tại, khi cuộc sống đã được cải thiện, xã hội phát triển cũng như đời sống văn hoá của người dân được nâng lên thì "văn hóa chen lấn" vẫn ngang nhiên xuất hiện thường xuyên, nhất là tại các điểm du lịch đông đúc, sự kiện văn hóa lớn, thu hút đông người tham gia, theo dõi.

Tại các lễ hội như lễ phát ấn đền Trần, hội cướp phết hay lễ hội đền bà Chúa Kho... Gần nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, cảnh hàng triệu người chen lấn, giẫm đạp, chen vào đền dâng lễ vật đang tạo nên hình ảnh rất xấu cho du khách Việt Nam. Tại các đêm ca nhạc có ca sĩ ngôi sao “hot”, các lễ hội văn hóa diễn ra tại Thủ đô thì đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất là “biển người” chen lấn nhau đến... ngạt thở.

Sự kiện Countdown Heneiken vào Tết Dương lịch năm nào cũng diễn ra tình trạng dòng người ùa về ngày càng đông mà phần đa là giới trẻ, tình trạng hỗn độn, chen lấn chèn ép khiến cho một sự kiện sôi động, đáng nhớ trong năm trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người. Câu chuyện về công viên nước Hồ Tây “thất thủ” tuy không mới nhưng cũng đủ gióng lên hồi chuông cảnh tình cao độ về ý thức nơi công cộng của người dân Hà thành.

Bao giờ mới hết cảnh chen lấn?

Dường như nơi nào đông đúc, nơi đó thể hiện rõ sự văn minh hay lối mòn ý thức kém cỏi. Tại các lễ hội, điểm thăm quan nơi người dân Hà Nội tự hào giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên đất nước và nét đẹp văn hóa đến du khách từ khắp nơi trên thế giới... Vậy mà giữa một "biển" người đến tham dự, nhiều du khách vẫn cố gắng chen lấn lên phía trước, bất chấp những lời nhắc nhở của nhân viên, bất chấp các nội quy được niêm yết ngay từ cổng các khu vực du lịch, điểm thăm quan.

Chị Thu Hoài (Hà Nội) cho biết: “Nhiều điểm du lịch, tham quan của Hà Nội cứ vào mùa “cao điểm” là diễn ra hiện tượng chen lấn, xổ đẩy. Công viên vui chơi cho trẻ em dịp 1/6 thì đông nghịt các phụ huynh cố chen nhau vào mua vé sớm nhất. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì thu hút sĩ tử chen nhau sờ tay vào các tấm văn bia để “lấy hên”. Ngày rằm, mồng 1 đi vãn cảnh các chùa chiền lớn lại chứng kiến cảnh họ xô đẩy nhau để cúng khấn, để “dúi” tiền lẻ hối lộ thần thánh. Còn các sự kiện văn hóa cuối năm, hay các chương trình có ngôi sao nước ngoài nếu có vào cửa miễn phí thì tôi cũng đành chào thua và quyết định ở nhà còn hơn phải hòa vào “biển người” chen lấn xổ đẩy nhau”.

Những gì được coi là nếp sống, nếp suy nghĩ, tiềm thức của một con người, một cộng đồng thì thật sự không thể thay đổi một sớm một chiều. Chuyện xếp hàng đối với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng quả thật khó khăn. Người ta luôn có tâm lý so đo rằng mình sẽ thua thiệt nếu không chạy lên trước nên chẳng ai chịu nhường ai. Họ sẵn sàng xô đẩy, đạp lên nhau để tranh giành một vị trí đẹp hay để sớm được mua vé vào các khu vui chơi giải trí… Có hàng trăm lý do được đưa ra để biện minh cho hành động thiếu văn hóa của mình như: sợ trễ giờ, ngại chờ đợi, muốn chiếm lợi thế hơn người khác…

Dường như nhiều người do “không quen” với thói quen văn minh xếp hàng này nên đã chen ngang hay làm nhiều hành động không đẹp giữa đám đông. Câu chuyện chen lấn, mất trật tự nơi công công của một số người có lẽ đã được dư luận “mổ xẻ” nhiều lần nhưng sự thay đổi theo chiều hướng tích cực vẫn diễn ra chậm chạp. Đáng buồn thay những hành vi không tốt này vẫn được “giúp sức” bởi những người tổ chức khi vẫn sẵn sàng phục vụ những kẻ chen ngang, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Như vậy ngẫu nhiên những người có ý thức xếp hàng đành chịu thiệt thòi.

Đi tìm giải pháp cho việc xếp hàng nơi công cộng thì cũng có nhiều nhưng chắc chắn không thể chỉ tuyên truyền, kêu gọi ý thức người dân. Những người tổ chức cũng phải tạo cho người tham gia thói quen xếp hàng thông qua việc để những tấm biển nhỏ “vui lòng xếp hàng” hay đặt những barie tạo thành hàng… như thế lâu dần sẽ hình thành được thói quen xếp hàng trong người dân Hà thành và tiến tới là thành một nếp sống văn hóa.


Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/