Bài 139: Khi người dân “ngại”…

10:34 | 06/09/2017
TTTĐ.VN - Hơn 1 tháng trôi qua, nhiều người vẫn chưa quên “vụ Văn Miếu”: Người dân tố bị gây khó dễ khi đi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu và sau đó những cán bộ có liên quan đã phải chịu hình thức xử lí thích đáng. Sự việc cũng cho thấy Ủy ban nhân dân thành phố và các ban ngành quan tâm sát sao đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, kịp thời xử lí những sai phạm để loại bỏ những hành vi không xứng đáng của những người đứng trong hàng ngũ công chức, viên chức của thành phố. Điều đó sẽ khiến lòng tin của người dân vào cơ quan Nhà nước ngày được củng cố.

Bài 139: Khi người dân “ngại”…

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 138: Lòng yêu nước như sông Hồng chảy mãi


Có một thực tế mà nhiều người dân trên địa bàn thành phố bấy lâu nay mắc phải, đó là việc “ngại” phải tiếp xúc với các cơ quan hành chính. Thủ tục lôi thôi rườm rà, qua rất nhiều công đoạn, đợi chờ xếp hàng “dài cổ”, mất ngày mất buổi, thậm chí mất vài ngày mới xong được một số giấy tờ khiến người ta oải, nản. Có nhiều quy định chưa thực sự hợp tình hợp lí, chẳng hạn như vụ xin giấy chứng tử xong mới được tổ chức tang lễ. Chưa xin được nghĩa là người chết và gia đình… hãy đợi đấy, chẳng được phát tang cũng chẳng được chôn cất.


Bài 139: Khi người dân “ngại”…
Người dân làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm (một trong những đơn vị được người dân đánh giá cao về công tác tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính)

Với người Việt, việc tang lễ không chỉ là việc trọn đạo nghĩa với người đã khuất mà còn là việc liên quan đến tâm linh, có truyền thống lâu đời từ xưa là phải chọn ngày chọn giờ chôn cất để khỏi ảnh hưởng đến chính người sống. Trong gia đình có người mất, tang gia đã bối rối lại còn thêm bị “hành” thì đương nhiên ai cũng bức xúc. Vì thế, khi sự việc được đưa ra dư luận và được xử lí, không phải chỉ riêng gia đình người trong cuộc thấy được giải tỏa mà tâm lí của rất nhiều người dân đã từng gặp phải những trường hợp tương tự đều cảm thấy mát lòng mát dạ.

Nhà anh Nguyễn Ngọc Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) có người thân phải vào bệnh viện khám. Do không quen biết ai trong bệnh viện để nhờ, lại thấy phải xếp hàng quá đông, anh Hải đã nghe lời dụ dỗ của một “cò” bệnh viện để mong được khám chữa nhanh. Kết quả, vẫn phải đợi mà anh còn mất khoản tiền lớn vì “cò” đã “mất hút con mẹ hàng lươn” sau khi nhận tiền. Nhiều người khi biết chuyện trách anh Hải là người thành phố chứ có phải ở quê lơ ngơ ra đâu mà vẫn bị lừa vậy. Anh đành đổ tại “số” mình xui nhưng sự thực có rất nhiều người như anh. “Ngại” phải chờ đợi, ngại mỗi công đoạn quay ra quay vào từ lấy số, siêu âm chụp chiếu cho đến đọc kết quả đều phải xếp hàng lại từ đầu trong khi bị rất nhiều “người nhà” của bác sĩ, nhân viên y tế chen ngang rất khó chịu. Thế là họ đành phải “đi tắt” bằng những con đường rất mờ mịt nếu như không may mắn quen thân ai đó trong bệnh viện. Tương tự như vậy, tại các cơ quan hành chính nhiều người quá biết “cò” chẳng tốt đẹp gì, thậm chí tin “cò” còn “tiền mất tật mang” nhưng vẫn tồn tại những người làm ăn bất chính này bởi người dân vẫn “cầu viện” đến họ, cho họ cơ hội sống bằng đồng tiền bất chính.

“Hối lộ” cảnh sát giao thông khi bị phạt để được đi nhanh là hành vi xấu, cần phải lên án nhưng có những người lại lí giải việc làm đó là “cực chẳng đã”. Sở dĩ làm như thế vì ngại phải cầm phiếu phạt, ngại phải ra kho bạc nộp tiền, ngại bị giữ bằng lái, giữ xe sau đó mất bao nhiêu thủ tục mới lấy được bằng, được xe ra… Vẫn biết rằng mọi việc đều phải có quy trình của nó. Thành phố đã nỗ lực rất lớn trong việc cải cách hành chính, rất nhiều thủ tục rườm rà xưa kia nay được rút gọn nhưng tâm lí người dân vẫn chưa được đả thông. Điều đó dẫn đến việc những hành vi sai trái vẫn diễn ra. Tất cả là bởi người ta ngại phải đối mặt với những thủ tục lôi thôi, nhiều khi còn bị “ăn mắng” bởi không hiểu thì phải hỏi, hỏi nhiều thì bị nhân viên hành chính cáu gắt, gây khó dễ.

Trong khi đó vẫn tồn tại những “điển hình” về việc “hành là chính” của nhân viên các cơ quan Nhà nước như “vụ Văn Miếu”. Trước đó, dư luận cũng đã ồn ào về việc xe chở nữ Phó Chủ tịch UBND quận nọ đi ăn bún đỗ sai vị trí lại còn lớn tiếng thanh minh, bao biện và lộ ra những hành xử chẳng mấy văn minh giữa người dân và người có chức tước trong bộ máy hành chính của quận. Đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Cũng như nốt đen làm hỏng khuôn mặt người thiếu nữ đẹp, những hành xử không đúng chuẩn mực của chỉ một trong số rất nhiều công chức, viên chức của thành phố khiến người dân bức xúc và mất lòng tin vào cơ quan công quyền.

Công chức, viên chức phải hiểu rằng mình là người nhà nước, ăn lương Nhà nước để làm việc phục vụ nhân dân và từ đó có những cư xử đúng đắn, chuẩn mực sao cho công việc của mình được hoàn thành tốt nhất, để nhân dân hài lòng nhất. Làm sao để nhân dân tin tưởng, gần gũi và không còn tạo nên những nỗi buồn trong ứng xử giữa người làm việc ở quan Nhà nước và nhân dân chính là một yêu cầu thiết yếu của cơ quan hành chính hiện nay.

(còn nữa)


Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/