Bài 138: Lòng yêu nước như sông Hồng chảy mãi

08:36 | 02/09/2017
TTTĐ.VN - “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”... Hàng năm thu sang, đi giữa quảng trường Ba Đình lộng gió, trong lòng mỗi người dường như đều ngân nga câu hát ấy. Hà Nội, trái tim thương yêu của cả nước. Xây dựng, bảo vệ Hà Nội cũng chính là làm cho đất nước được thanh bình, tươi đẹp.

Bài 138: Lòng yêu nước như sông Hồng chảy mãi

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 137: Cần có cái nhìn khách quan và cảm thông


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những chàng trai cô gái, những trí thức Hà thành, những người lao động hay cả lớp nghệ sĩ, bằng lòng yêu nước và sự thức thời của mình sớm giác ngộ Việt Minh, đi theo cách mạng, làm nên một mùa thu lịch sử để Cách mạng tháng Tám mãi mãi trở thành một mốc son chói lọi của dân tộc. Khi nước nhà độc lập, đứng trước âm mưu chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, họ lại nhanh chóng gia nhập vào đội quân “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, giành giật từng tấc đất để bảo vệ Hà Nội - Thủ đô của đất nước tự do. Ngày nay, nhiều người đi qua hai đài tưởng niệm đó của Hà Nội ở vườn hoa Vạn Xuân và gần đền Bà Kiệu đều thấy hình ảnh chiếc bom ba càng vươn lên rất đẹp. Ít ai biết, đó là vũ khí có tính sát thương cao, người sử dụng thường phải mạo hiểm tính mạng của mình để tiêu diệt xe tăng địch nhưng đã tạo nên nỗi kinh hoàng, khiếp đảm cho kẻ thù.


Bài 138: Lòng yêu nước như sông Hồng chảy mãi
Lòng yêu nước nồng nàn luôn cuộn chảy trong trái tim lớp lớp thế hệ thanh niên và người dân Việt Nam

Hẳn những ngày tháng những người con của Hà Nội- Trung đoàn Thủ đô rút khỏi mảnh đất yêu dấu của mình lên chiến khu Việt Bắc trong Toàn quốc kháng chiến năm 1946, trong lòng mỗi người đều không nguôi nỗi nhớ từng góc phố, hàng cây nơi mình sinh ra, lớn lên. Trong phong trào Tiêu thổ kháng chiến, nhiều ngôi nhà bề thế, cổ kính, sang trọng với những vật dụng sập gụ tủ chè đắt tiền đều trở thành vật dụng hữu ích để cản bước truy đuổi của giặc Pháp. Người Hà Nội một lần nữa đã không tiếc tiền của như với Tuần lễ Vàng do Bác Hồ phát động để xây dựng, bảo vệ Hà Nội cũng như đất nước. Với người Hà Nội, mỗi sự hi sinh đều là để dựng xây, mỗi cuộc ra đi đều là để trở về. Chín năm sau đó, Hà Nội hân hoan hát khúc khải hoàn, biết bao nước mắt, nụ cười tỏa như nắng mùa thu ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng giống như những cuộc tản cư, sơ tán của người Hà Nội năm 1972 để bảo vệ tài sản nhà nước, đảm bảo sản xuất, lao động và học tập trước mưa bom B52 dữ dội chụp xuống thành phố.

Những ngày tháng ấy, dù biết bao mất mát, hi sinh, mỗi trận bom hủy diệt rải xuống, người Hà Nội lại đứng lên từ tổ nát, đau thương. Người tản cư cứ đi, người bám trụ thành phố vẫn cứ bám. Còn biết bao lứa thanh niên Hà Nội náo nức lên đường tòng quân ra trận, nối tiếp bước chân cha anh, rải xương máu của mình khắp các chiến trường để góp công sức vào ngày toàn thắng của đất nước.

Hà Nội cũng có những người như anh sinh viên Hoàng Nhuận Cầm đang học dở khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 đã “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” (tên một bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm) và chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Sau những “Thơ tuổi hai mươi”, “Những câu thơ viết đợi mặt trời”, “Xúc xắc mùa thu”, bằng tình yêu đất nước, yêu đồng đội và những trải nghiệm chiến tranh của mình, Hoàng Nhuận Cầm đã viết nên những kịch bản phim nổi tiếng “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Áo chàm Bắc Sơn” và đặc biệt là “Mùi cỏ cháy”- bộ phim dựa trên quyển nhật ký “Mãi mãi tuổi 20”. Tác phẩm này của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc- một người con của làng Bưởi, Hà Nội, nhập ngũ ngày 6/9/1971, hy sinh ngày 30/7/1972 tại chiến trường Quảng Trị vẫn luôn là một bài ca bất tử về lẽ sống, sự chiến đấu và hi sinh tiêu biểu cho thanh niên yêu nước Việt Nam và của Hà Nội.

Hà Nội còn có bác sĩ Đặng Thùy Trâm- cựu học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội và là giọng ca xuất sắc của trường Chu Văn An và Đại học Y Hà Nội. Là con nhà y, kết quả học tập tốt, chị không chọn ở Hà Nội với nhiều cơ hội thăng tiến mà xung phong và được cho tốt nghiệp sớm để đi chiến trường. Hi sinh khi mới 28 tuổi xuân nhưng cùng với cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”, những năm tháng sống và cống hiến của chị thì mãi mãi vẫn là tấm gương sáng cho tuổi trẻ Hà Nội cũng như cả nước soi chiếu vào và học tập.

Ngày nay, thế hệ thanh niên Hà Nội có rất nhiều người sau khi học tập tại nước ngoài đã chọn trở về xây dựng quê hương chứ không mưu cầu danh lợi riêng cho bản thân. Lại có những bạn trẻ mang trí tuệ của mình đi khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để xóa đói, giảm nghèo. Còn đó hàng nghìn bạn trẻ ngày đêm miệt mài học tập, sáng tạo để biến tình yêu thành phố, tình yêu đất nước của mình thành hành động. Nghĩa là đóng góp công sức để Hà Nội hiện đại hơn, văn minh hơn, thanh lịch hơn. Họ hiểu được sự hi sinh, mất mát của cha ông trong quá khứ để đổi được hòa bình như ngày nay. Họ hiểu rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nếu trái tim khỏe mạnh thì cả cơ thể Việt Nam cũng sẽ cường tráng. Là thế hệ chủ nhân tương lai của Hà Nội, họ nắm bắt được vận mệnh trong tay để sử dụng sứ mệnh ấy một cách tự hào và phát huy hiệu quả cao nhất. Tình yêu đất nước, tình yêu nơi mình sinh ra lớn lên vẫn luôn cuộn chảy như dòng sông Hồng, vẫn nóng hổi như máu trong tim người Hà Nội và đang thăng hoa để đưa đất nước lên những tầm cao mới.

(còn nữa)


Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/