Bài 137: Cần có cái nhìn khách quan và cảm thông

11:39 | 01/09/2017
TTTĐ.VN - Như một thói quen, cứ đưa người nhà vào bệnh viện khám, điều trị thì người thân phải tìm mọi cách để được giải quyết sớm nhất. Khi không được đáp ứng, họ sẽ cho là có tiêu cực và nổi nóng, phán xét, thậm chí có những hành động thiếu kiềm chế, rất đáng chê trách.

Bài 137: Cần có cái nhìn khách quan và cảm thông

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 136: Thu hẹp khoảng cách giữa bệnh viện công và tư


Nhiều người thường đổ lỗi cho bác sĩ đã gây ra rủi ro cho người bệnh, mặc cho ai ra sức thanh minh, họ lại càng lấn tới và ngông cuồng hơn. Trong khi không mấy ai đủ tri thức và nhẫn nại để hiểu được bác sĩ không phải thánh thần mà làm đảo ngược một quá trình sinh – tử vốn đã được hình thành từ trước, nếu như người bệnh rơi vào tình huống hiểm nghèo. Bởi thế, họ sẵn sàng có cách hành xử lỗ mãng với bác sĩ. Họ không biết rằng, bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng Y học cũng có giới hạn của nó.

Bác sĩ sợ ra tòa, sợ kiện cáo, sợ làm ầm ĩ câu chuyện, một phần vì giáo dục nhân cách xã hội của chúng ta còn kém dẫn đến thái độ hung hãn bầy đàn xuất hiện trong bộ phận không nhỏ người dân, phần khác là do luật pháp của ta chưa coi trọng việc bảo vệ danh dự của bác sĩ. Với một bác sĩ, danh dự được đặt lên hàng đầu và quan trọng nhất. Muốn bảo vệ danh dự đó, bác sĩ phải không ngừng học tập và trả giá bằng chính cuộc sống cá nhân của mình.


Bài 137: Cần có cái nhìn khách quan và cảm thông
Những chiến sĩ áo trắng rất cần nhận được những cái nhìn khách quan, cảm thông, chia sẻ... Ảnh minh họa.

Nếu luật pháp nghiêm minh và bảo vệ được người thầy thuốc theo đúng những gì khoa học hiện có, nếu như mọi quy định đều rõ ràng và nếu bác sĩ có một chỗ dựa luật pháp thì lợi ích lại thuộc về người bệnh, bởi khi đó bác sĩ mới yên tâm hành nghề và sẵn sàng ra tòa đối chất về mặt chuyên môn một cách văn minh mà không sợ bị người nhà BN đánh, thay vì tâm lí “thôi xoa dịu cho xong” như hiện nay.

Một phần nguyên nhân dẫn đến cái nhìn không hay về đội ngũ y bác sĩ chính là việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên chưa làm tốt và chưa đạt hiệu quả đáng kể. Sinh viên y cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi bước vào đời, các bác sĩ trẻ tuổi có năng lực chuyên môn tìm mọi cách để vào các trung tâm y khoa hoặc các bệnh viện lớn. Khi đã bỏ ra thật nhiều tiền để được vào những chỗ đó thì phải tìm cách lấy lại ở những người bệnh. Bởi vậy mới có cảnh những thầy thuốc hành nghề vì tiền đối xử lạnh lùng với người bệnh không có phong bì lót tay mặc dù họ đang quằn quại trong cơn bệnh nguy cấp.

Lương tâm thày thuốc hình thành trong bối cảnh xã hội, vừa mang tính đặc thù của nghề nghiệp, vừa mang tính chung của một nền kinh tế nặng tính cách trao đổi hàng hóa. Vì vậy, quan điểm thực dụng ngày càng phát triển trong ngành y.

Được biết, các khoản phụ cấp dành cho bác sĩ khá thấp. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg quy định về phụ cấp cho người lao động thường trực 24/24 giờ. Theo đó, người lao động thường trực 24/24 giờ sẽ được hưởng những phụ cấp như sau: Vào ngày thường: 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; Vào ngày nghỉ hàng tuần: 1,3 x 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; Vào ngày nghỉ lễ, Tết: 1,8 x 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II, ngoài ra hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực.

Tuy nhiên, nhiều người thường nhìn vào một số trường hợp cá biệt bác sĩ tiếng tăm ở các thành phố lớn để quy chụp cho toàn bộ ngành Y. Không chỉ nhận mức lương, phụ cấp vừa phải, đội ngũ nhân viên y tế của Việt Nam còn làm việc trong điều kiện rất thiệt thòi: Tiếp xúc với dịch bệnh và bị lây nhiễm, tiếp xúc với chất ô nhiễm, chất độc hại, chất phóng xạ... Nếu ai đã đến bệnh viện ở các nước phát triển sẽ thấy số bệnh nhân mà một bác sĩ Việt Nam phải khám chữa hàng ngày là vượt xa đồng nghiệp nước bạn. Nếu các bác sĩ của chúng ta không bị quá tải, mỗi ngày họ chỉ phải thăm khám vài ba trường hợp như ở bệnh viện nước ngoài thì chắc họ cũng rất chậm rãi, tỉ mỉ, nói cười vui vẻ.

Y tế Việt Nam đang tồn tại rất nhiều nghịch lí không dễ tháo gỡ trong ngày một ngày hai, và cũng không phải chỉ ngành Y mà giải quyết được. Cả xã hội chỉ trích tình trạng quá tải và lộn xộn trong bệnh viện nhưng làm sao có thể giảm tải được ở tuyến Trung ương khi mà chúng ta luôn có thói quen đi thẳng lên tuyến cao nhất.

Như nhiều lĩnh vực khác, ngành y tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập. Chúng ta còn có tật xấu là vào bệnh viện sẽ bằng mọi cách để được khám sớm nhất. Nếu không được đáp ứng, họ sẽ cho là có tiêu cực và nổi nóng, dẫn đến đuổi đánh cán bộ y tế.

Không như các ngành nghề khác, y khoa có một tỉ lệ nhất định những sự cố không thể tránh khỏi. Theo báo cáo Viện Y khoa Mỹ (Institute of Medicine) đưa ra năm 2000, hàng năm những sai sót y tế của Mỹ gây ra từ 44.000 cho đến 98.000 ca tử vong lẽ ra có thể phòng tránh được, ngoài ra đấy cũng là nguyên nhân gây ra một triệu trường hợp chấn thương. Còn ở Việt Nam, bất kì tai biến nào cũng có thể trở thành sự kiện chấn động, bị cả xã hội lên án.

Các bác sĩ và ngành Y nước ta đang bị đánh giá một cách thiếu công bằng, xuất phát từ sự thiếu thông tin, thiếu cái nhìn đa chiều từ dân chúng. Bởi vậy, những chiến sĩ áo trắng rất cần nhận được những cái nhìn cảm thông, chia sẻ.

(còn nữa)


Duy Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/