Bài 151: Thư viện Hà Nội đi đầu trong công tác tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử

16:28 | 09/10/2017
TTTĐ.VN - Đến Thư viện Hà Nội để đọc sách, nâng cao kiến thức, bồi đắp nuôi dưỡng tâm hồn là đam mê của rất nhiều người. Bước vào trụ sở 47 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), bỏ ngoài sự ồn ào, náo nhiệt của nườm nượp người xe, không gian ở đây tĩnh lặng để người đọc có thể tập trung tuyệt đối.

Bài 151: Thư viện Hà Nội đi đầu trong công tác tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 150: Sở VH&TT Hà Nội đi đầu trong việc triển khai quy tắc ứng xử


Từ tầng hầm đỗ xe cho tới bàn hướng dẫn, nơi làm thẻ, chỗ mượn sách, tất cả nhân viên của thư viện đều có tác phong nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, niềm nở, nhiệt tình. Những người đến đọc sách đều vội vã gửi đồ lên phòng đọc miệt mài nhưng không hề gây tiếng động ảnh hưởng tới người khác. Ngay ở sảnh tầng một của Thư viện, bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội được treo trang trọng để ai đến cũng có thể đọc và thực hiện.

Bài 151: Thư viện Hà Nội đi đầu trong công tác tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử
Độc giả đọc sách tại Thư viện Hà Nội

Đồng chí Lương Văn Ninh, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Thư viện Hà Nội cho biết: “Thư viện Hà Nội là một cơ quan trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, của cấp ủy và Ban giám đốc, ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành hai bộ quy tắc ứng xử thì Thư viện Hà Nội đã triển khai đến toàn bộ công chức, viên chức trong cơ quan. Chúng tôi đã tổ chức các buổi phổ biến, quán triệt những bộ quy tắc này. Sáng thứ hai đầu tuần sau khi thực hiện nghi lễ chào cờ chúng tôi đều đọc những quy tắc khác nhau để mọi người trong toàn cơ quan nắm rõ và thực hiện. 100 % cán bộ, viên chức và người lao động trong cơ quan kí Bản cam kết thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Cơ quan chúng tôi cũng đã thành lập một Tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức và người lao động trong cơ quan. Đối với bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, chúng tôi đã in, đóng khung treo trang trọng ngay sảnh tầng một của thư viện để tất cả bạn đọc, nhân dân đến học tập, công tác đều có thể nắm rõ và làm theo hướng dẫn”.

Trong quá trình triển khai, thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng tại Thư viện Hà Nội, đông đảo bạn đọc rất nghiêm túc, vui vẻ thực hiện quy tắc này. Họ nói rằng đây là một bộ quy tắc rất hay, góp phần làm cho giao tiếp giữa mọi người trong xã hội văn minh hơn, tốt đẹp hơn. Đa phần đều cho rằng bộ quy tắc đã thấu đáo, đủ để điều chỉnh hành vi của mọi người nơi công cộng nên không góp ý gì thêm.


Bài 151: Thư viện Hà Nội đi đầu trong công tác tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử
Cán bộ thư viện hướng dẫn về “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại Thư viện Hà Nội

Thư viện Hà Nội là một cơ quan văn hóa nên những người đến đây rất có văn hóa, luôn thực hiện tốt những quy định mà thành phố cũng như thư viện đề ra. Bộ quy tắc đã triển khai, ai nấy đều vui mừng vì đã giúp cho họ biết rõ cụ thể mình sẽ phải ăn mặc, nói năng, đi đứng, hành xử như thế nào khi đến những địa điểm văn hóa cụ thể để không bị lệch chuẩn, khó coi trong mắt người khác mà họ vô tình không biết. Tựu chung, bộ quy tắc này rất hữu ích cho cả các cơ quan quản lý cũng như quần chúng nhân dân.

Là một người con của Hà Nội, đồng chí Ninh thấy rất tâm đắc khi bộ quy tắc ứng xử được ban hành vì đây gần như là một chuẩn mực về văn hóa và giao tiếp của người Hà Nội để mọi người làm theo.

Năm 1956, Thư viện Hà Nội ra đời với tên gọi ban đầu là Phòng đọc sách nhân dân. Ba năm sau, Thư viện nhân dân Hà Nội chính thức được thành lập vào tháng 1/1959 và chuyển về trụ sở 47 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Theo quyết định số 593/QĐ- UBND ngày 4/2/2009 của UBND TP, Thư viện Hà Nội mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất Thư viện Hà Nội và Thư viện Hà Tây. Thư viện Hà Nội mới gồm 2 trụ sở: 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm và 2B Quang Trung, quận Hà Đông.

Trong những năm qua Thư viện Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ sưu tầm, thu thập, tàng trữ, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu trong xã hội, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của nhân dân Thủ đô. Đồng thời Thư viện Hà Nội còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa thành văn của Thăng Long - Hà Nội qua hàng nghìn năm lịch sử. Với những thành tích đã đạt được, Thư viện Hà Nội đã được nhận nhiều phần thưởng quý giá, như: Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội…

(còn nữa)


Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/