Sự kiện Lý Nhã Kỳ ở LHP Cannes: Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?

15:33 | 24/05/2017
TTTĐ.VN - Sự kiện Lý Nhã Kỳ tài trợ 1 triệu euro để được đăng banner quảng bá hình ảnh du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Cannes đang khiến dư luận có nhiều ý kiến tranh luận. Chúng ta thử đánh giá sự việc dưới góc nhìn hai chiều để thể hiện sự công tâm và có trách nhiệm.

Sự kiện Lý Nhã Kỳ ở LHP Cannes: Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?

Sự kiện Lý Nhã Kỳ ở LHP Cannes: Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?
Sự kiện Lý Nhã Kỳ ở LHP Cannes: Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?

Làn sóng phản ứng và tranh luận sẽ không gay gắt nếu phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải chỉ rõ việc đăng banner quảng cáo của Lý Nhã Kỳ có hay không việc phải xin phép cơ quan chức năng của Việt Nam. Nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu Lý Nhã Kỳ “không sai phạm”, tức việc đăng banner quảng cáo hình ảnh du lịch Việt Nam tại sự kiện quốc tế lớn như Liên hoan phim Cannes không cần thông qua sự đồng ý các cơ quan chức năng Việt Nam. Điều này thực sự tạo thành các nguy cơ rất đáng báo động. Bởi, sau này, khi tham dự các sự kiện quốc tế ở nước ngoài, nếu các nghệ sĩ Việt chỉ cần “tâm huyết trong việc tài trợ, quảng bá du lịch, điện ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới”, vung tiền để đăng những banner vô ý mang tính phản cảm hoặc sai lệch thì sẽ ra sao? Giải quyết hậu quả khi ấy không chỉ đơn thuần là kiểm tra, có sai phạm thì xử phạt, mà quan trọng hơn là hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đã trở nên méo mó, khó lòng sửa chữa.

Phải khẳng định rằng, tấm lòng và nỗ lực của các nghệ sĩ Việt khi quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Xã hội cần phải ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để họ có cơ hội đóng góp cho hình ảnh nước nhà. Tuy nhiên, ý kiến của dư luận không phải là vô lý khi mong muốn cần có một cơ chế để đề phòng các nguy cơ có thể xảy ra. Trong sự việc trên, dư luận không phải “chuyện bé xé ra to” như quan điểm của một số người. Lý Nhã Kỳ, ở trường hợp này là đơn lẻ. Song nếu cơ quan quản lý Nhà nước không có hình thức quản lý phù hợp ngay bây giờ, có gì đảm bảo sau này có thể quản lý tốt những nghệ sĩ khác mang “tâm huyết” của mình ra thế giới?!

Ở một khía cạnh khác, nếu việc Lý Nhã Kỳ đăng banner quảng cáo tại Liên hoan phim Cannes về du lịch, điện ảnh Việt Nam cần có sự đồng ý từ cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam. Không cần phải nói gì thêm, lời khẳng định “không vi phạm gì” thật sự sẽ tạo nên sự giận dữ cho dư luận bởi sự chối bỏ các quy định một cách công khai, hoặc khâu kiểm duyệt có vấn đề nếu không muốn nói là bao che. Khi ấy, ngoài việc cần xây dựng một cơ chế quản lý hiệu quả hơn, rõ ràng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần thiết phải có hình thức xử lý hành vi “qua mặt” cơ quan chức năng đối với Lý Nhã Kỳ.

Dù nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh nào, vẫn cần phải nhắc lại tinh thần hoan nghênh sự đóng góp tự nguyện của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, cần phải chỉ rõ trách nhiệm rất lớn ở đây là của cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể chủ quan chỉ mong chờ tâm huyết, nỗ lực và chỉn chu từ phía cá nhân các nghệ sĩ khi họ bước chân vào môi trường quốc tế. Nhất thiết cần có sự chấn chỉnh ngay từ bây giờ, nếu không muốn một ngày đẹp trời nào đó, ở một sự kiện quốc tế hoành tráng nào đó, một nghệ sĩ Việt Nam vô tình quảng bá hình ảnh Việt Nam chưa chuẩn mực. Khi ấy, hậu quả thiệt hại gây ra không chỉ cho người nghệ sĩ, nhà quản lý, mà tất cả người dân Việt Nam đều có phần trong đó.


Khánh Hòa

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/