Bài 46: Để lễ Giáng sinh vui và ý nghĩa

18:54 | 24/12/2016
TTTĐ - Năm nào cũng thế, cứ gần đến Noel là bà Yến lại nhắn các con, cháu thu xếp một buổi để cùng bà về lại phố Khâm Thiên. Cả nhà lên một chuyến taxi, xuống từ đầu phố để cùng nhau đi dọc hết chiều dài gần 1,2km. Bà Yến và các con cùng nhau nhắc lại chỗ này từng là gốc bàng nơi có người trèo lên hái quả bị ngã giờ vẫn còn vết sẹo. Chỗ kia là nơi đứng xếp hàng chờ hứng nước máy hay chỗ nọ từng bị bom san phẳng khiến hàng xóm không thể nhận ra nhà mình.

Bài 46: Để lễ Giáng sinh vui và ý nghĩa

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
* Bài 40: Để lại cho con những thứ còn quý hơn tiền bạc…
* Bài 41: Sự tiếp nhận văn hóa ngoại lai
* Bài 42: Yêu động vật nhưng cần có ý thức bảo vệ môi trường
* Bài 43: Kí ức bi tráng ở phố Khâm Thiên năm 1972
* Bài 44: Thanh niên Hà Nội nghiêng mình trước dấu tích lịch sử
* Bài 45: “Bức tranh” văn hóa đa sắc màu của Hà Nội

Bài 46: Để lễ Giáng sinh vui và ý nghĩa
Được gặp Ông già Noel là niềm vui của trẻ em mỗi dịp Giáng sinh về...

Chả là nhà bà Yến từng ở phố Khâm Thiên nhiều năm, sau đó do chật chội mới chuyển ra chỗ rộng hơn để cả nhà cùng quây quần nhưng kí ức về nhà cũ, phố cũ vẫn còn đây. Mỗi năm về lại phố vào dịp tháng 12 mỗi người trong gia đình bà đều có những cảm xúc đặc biệt khi nhớ lại thuở bom Mỹ rải thảm kinh hoàng tháng 12 năm 1972. May mắn không ai trong nhà bà bị thiệt mạng, nhưng biết bao nhiêu hàng xóm đã “ra đi mãi mãi”. Giờ gặp lại những người cũ, kí ức dội về khiến họ rưng rưng xúc động. Ai cũng bảo phố đổi thay mỗi ngày, chỉ tình người Khâm Thiên là vẫn vậy, ấm áp sẻ chia với nhau như thuở hoạn nạn, gian khó.

Bao giờ về lại phố, bà Yến cũng dắt các con cháu đến dâng hương trước Đài tưởng niệm mẹ bồng con. Tượng đài được dựng trên nền ba ngôi nhà bị san phẳng hoàn toàn đó là 47, 49 và 51. Bà Yến vừa lau nước mắt vừa kể cho các cháu nghe để có những Giáng sinh an lành hòa bình như ngày nay, Hà Nội đã từng có một Giáng sinh ngập tràn nước mắt, khi những dãy nhà bị san phẳng sau một đêm, khi những số phận chôn vùi sâu dưới hố bom, những gia đình cả 4 thế hệ đã hòa vào đất trong đêm Giáng sinh cách đây 44 năm. Các cháu bà còn trẻ, không sinh ra và lớn lên ở phố này như bố mẹ nhưng cũng xuất phát là người phố Khâm Thiên, dù không phải chịu hoàn cảnh chiến tranh nhưng bà luôn muốn nhắc lại để chúng thấy quý hơn, trân trọng hơn hòa bình, hạnh phúc mà mình đang được hưởng. Nếu ngày ấy những quả bom không dội vào ai khác mà vào chính gia đình bà thì hẳn sẽ có một ai đó hoặc chẳng còn ai được đứng trên đất này đến lúc này nữa. Các cháu bà đều cúi đầu trước vong linh những người tuy xa lạ nhưng lại thấy thân quen, ấm áp như những người thân vì họ đã là người cùng thời với ông bà, cha mẹ mình.

Dù năm nào cũng ôn lại chuyện cũ nhưng thấy các cháu vẫn bày tỏ niềm xúc động, bà Yến thấy rất mừng vì giới trẻ ngày nay không quay lưng lại với những gì mà người thân của họ phải trải qua. Nhắc lại điều đó, bà Yến không muốn khắc sâu vết thương chiến tranh mà chỉ muốn nhắc nhở con cháu mình hãy có trách nhiệm hơn với cuộc sống bình yên mà mình đang được hưởng. Cha ông xưa kia đã đổ máu vì thành phố, vì đất nước thì người trẻ ngày nay càng nên cống hiến sức lực, trí tuệ và cả tình yêu của mình cho thành phố, cho đất nước mình. Như thế để thấy, mỗi Giáng sinh về, không chỉ có niềm vui mà còn có cả nước mắt, không chỉ có đèn hoa sáng trưng với sắc đỏ sắc xanh rợp trời trang trí cho thành phố rực rỡ như hiện tại mà còn cả chiều dài lịch sử của những Giáng sinh trước.

Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội những ngày này rất vui mừng, hạnh phúc, bất ngờ vì nhiều món quà từ người yêu, bạn bè được các “ông già Noel” chuyển đến tận nơi. Xã hội phát triển, điều kiện kinh tế khá giả, nhiều dịch vụ mở ra để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, điều đó rất đáng mừng. Song vẫn có những mối lo. Chẳng hạn người giao quà vì nhiều đơn hàng mà giao chậm, bị khách hàng giục giã nên vội phóng nhanh trong khi giao thông cuối năm đông đúc, rất dễ xảy ra va quệt, tai nạn. Những “ông già Noel” này phần lớn mặc áo quần màu đỏ, đội mũ trắng, đeo râu cho “giống thật”, nhưng chính vì thế mà vi phạm luật giao thông vì không đội mũ bảo hiểm. Nhiều cảnh sát giao thông nhìn thấy cũng đành phải “ngó lơ”, chẳng lẽ lại bắt phạt. Chung quy đó cũng là dịch vụ và người giao hàng đang phải kiếm tiền, cũng là mang đến niềm vui cho những cặp trai gái yêu nhau hay các em nhỏ. Dù sao thì mỗi năm mới có một vài ngày, người giao hàng và cả người đặt hàng cũng nên chú ý để đảm bảo sự an toàn thì Noel mới thực sự là ngày vui và những món quà mới thật sự có ý nghĩa.

(còn nữa)

Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/