Kỳ vọng sự khởi sắc của văn hóa đọc

12:51 | 10/02/2017
TTTĐ - Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, doanh thu của Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017 đạt trên 7 tỷ đồng, một con số rất ấn tượng. Điều này cho thấy, độc giả chưa quay lưng với văn hóa đọc. Từ thành công trên, dư luận rất kỳ vọng, Phố sách Hà Nội dự kiến khai trương vào tháng 4/2017 sẽ tạo được dấu ấn đặc biệt trong việc phát triển văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ…

Kỳ vọng sự khởi sắc của văn hóa đọc

Dấu ấn phố sách Xuân

Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017 đã khép lại sau sáu ngày (từ mùng 3-9 Tết) phục vụ bạn đọc Thủ đô cũng như khách du Xuân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao văn hóa đọc và tạo điểm nhấn văn hóa đặc sắc cho người dân trong những ngày Tết trên địa bàn Hà Nội.


Kỳ vọng sự khởi sắc của văn hóa đọc

Phố sách Xuân năm nay được sắp xếp với hai gian chuyên đề Báo Tết Đinh Dậu và giới thiệu nghệ thuật Thư pháp và 25 gian hàng sách, giúp bạn đọc tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng...


Một điểm mới của Phố sách Xuân năm nay là gian trưng bày báo Tết của các cơ quan báo chí Hà Nội và một số báo Trung ương đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Tổng số tiền thu được từ bán báo Tết (trên 15 triệu đồng) sẽ được chuyển thành sách để tặng cho các thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn.

Doanh thu của Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017 đạt trên 7 tỷ đồng với 250.000 bản sách bán ra. Đơn vị có doanh thu cao nhất là Nhà xuất bản Kim Đồng, đạt trên 1 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Sách Alpha, Công ty Cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh chi nhánh Hà Nội (FAHASA), Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A là những đơn vị có doanh thu cao.

Những tên sách được bạn đọc quan tâm nhất tại Phố Sách Xuân năm nay gồm: “Tư duy nhanh và chậm” và “Xứ Đông Dương” (do Công ty Cổ phần Sách Alpha và NXB Thế giới liên kết xuất bản), “Nhân tố Enzyme” (do Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và NXB Thế giới liên kết xuất bản), “Lãnh đạo bằng khí óc, trái tim và khí phách” (do Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và NXB Lao động liên kết xuất bản), “Lược sử nước Việt bằng tranh” và “Dế mèn phiêu lưu ký” (của NXB Kim Đồng), “Cái Tết của Mèo con” (do Công ty Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Văn học liên kết xuất bản)…

Tới với Phố sách Xuân, độc giả Thủ đô có cơ hội được viết tặng chữ thư pháp miễn phí, tham dự chương trình thơ Xuân, thưởng thức cà phê miễn phí và được tặng sách tại khu vực Cà phê Trung Nguyên; tô màu dành cho thiếu nhi; tham gia các chương trình mừng tuổi bạn đọc bằng sách...


Đặc biệt là các hoạt động như Triển lãm ảnh trong bộ sách “Hà Nội một thời” của tác giả John Ramsden, Chương trình “Mời trà tặng chữ” của các tác giả Nguyễn Sử và Trần Quang Đức. Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam với chương trình viết tặng chữ, ký tặng sách “Lịch sử thư pháp Việt Nam” và "Ngàn năm áo mũ". Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tìm hiểu “Lược sử nước Việt bằng tranh” qua những bức tranh khổ lớn được trích in từ cuốn “Lược sử nước Việt bằng tranh.” Công ty Cổ phần Văn hóa Huy Hoàng ra mắt bộ sách “Góc sân và khoảng trời” phiên bản đặc biệt cùng chương trình giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa và các họa sỹ trẻ.

Phố sách Xuân năm nay được sắp xếp với hai gian chuyên đề Báo Tết Đinh Dậu và giới thiệu nghệ thuật Thư pháp và 25 gian hàng sách, giúp bạn đọc tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng. Không gian Phố sách Xuân được thiết kế đẹp, trang trí nhiều hoa, cây cảnh và được tô điểm bởi sắc thắm của hoa đào mang đậm không khí Tết đặc trưng của Hà Nội, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và nhân dân Thủ đô. Ước tính đã có hàng vạn lượt bạn đọc tham gia.


Những hi vọng mới

Thành công của Phố sách Xuân khiến dư luận hi vọng vào sự phát triển của văn hóa đọc trong thời gian tới. Theo thông báo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ngày 21/4 tới đây, Phố sách Hà Nội sẽ chính thức khai trương và đi vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam lần thứ tư; hoạt động từ 8 giờ-22 giờ hằng ngày.

Phát hành sách, văn hóa phẩm (với những tựa sách thuộc đủ các lĩnh vực: văn học, y học, kinh tế, khoa học, giáo dục… và sách điện tử, thiết bị số) sẽ là hoạt động chính tại phố sách. Bên cạnh đó, các chương trình giới thiệu sách, giao lưu tác giả-bạn đọc… sẽ được tổ chức thường xuyên vào những ngày cuối tuần, ngày lễ…

Tại không gian phố sách, ban tổ chức sẽ tiến hành xây dựng mô hình cây sách công cộng (để bạn đọc tự trao đổi sách), phủ sóng wifi (để quảng bá các hoạt động tại phố sách và hỗ trợ hoạt động phát hành sách điện tử)..

Phố sách Hà Nội được xây dựng tại phố 19/12 (phố nối giữa phố Hai Bà Trưng và phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi từng là chợ Âm phủ, một địa danh gắn với lịch sử hào hùng của Thủ đô những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Nhiều kỳ vọng cho tương lai văn hóa đọc được đặt ra trên nền của những câu chuyện quá khứ, lịch sử.

“Khu chợ với tên gọi đặc biệt ấy tồn tại cho tới cuối năm 2008. Sau đó, con phố này có chức năng chủ yếu là khu vực trông giữ xe. Chính bởi vậy, việc biến con phố có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này thành phố sách là một việc làm rất ý nghĩa. Tuy tên gọi là phố sách nhưng đơn vị quản lý cần xây dựng kế hoạch để nơi này không chỉ là nơi mua bán, trao đổi sách mà sẽ là một điểm hẹn, không giăn văn hóa thực sự của Hà Nội”, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội bày tỏ.

Có cùng quan điểm trên, ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, độc giả cần có sự phân biệt rõ ràng giữa phố sách và tập hợp những cửa hàng kinh doanh sách. Những con phố như Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Đinh Lễ… vốn chỉ là tập hợp chuỗi cửa hàng bán sách. Trong khi đó, một đường sách đúng nghĩa thì không chỉ là nơi bán sách mà còn phải là điểm gặp gỡ, giao lưu tác giả - bạn đọc, nơi tổ chức các cuộc tọa đàm để giới thiệu những cuốn sách mới, giá trị hay để tạo ra không gian tranh biện, trao đổi nhằm thúc đẩy văn hóa đọc phát triển và sự vận dụng những tri thức trong sách vào cuộc sống.

Đứng ở một góc độ khác, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” (được UNESCO trao giải “Xóa mù chữ quốc tế”) cho rằng, ban quản lý phố sách nên phân loại các nhóm đối tượng độc giả đến phố sách và tập trung ưu tiên trước hết đến nhóm độc giả trẻ (học sinh, sinh viên). Việc ưu tiên này nên được cụ thể hóa thành các hoạt động như trao đổi phương pháp đọc sách hiệu quả, xây dựng các mô hình tương tác, không gian trải nghiệm thực tế những tri thức trong các cuốn sách…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, tỷ lệ đọc sách trung bình của người Việt Nam là 0,8 cuốn sách/năm. Với thực tế này, việc nâng cao văn hóa đọc không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. “Bởi vậy, việc xác định nhóm đối tượng ưu tiên để có kế hoạch, chương trình phù hợp, tránh những hoạt động dàn trải là điều quan trọng; từ đó, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. Các bậc phụ huynh cần có ý thức bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu sách của con từ nhỏ”, ông Thạch bày tỏ.

Có cùng quan điểm trên, ông Đỗ Hoàng Sơn (Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh) cho rằng, ban quản lý phố sách Hà Nội nên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để tổ chức những giờ học thực tế cho học sinh tại phố sách; để ít nhất, mỗi học sinh sẽ được đến phố sách một lần/học kỳ. Tại đó, học sinh sẽ được giới thiệu những cuốn sách hay theo từng chủ đề, lịch sử của sách, trải nghiệm những thiết bị công nghệ số hỗ trợ việc đọc và được ôn lại lịch sử hào hùng của Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp…



Văn An

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/