Giới trẻ lại “phát cuồng” với nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh

16:54 | 22/02/2017
TTTĐ.VN – Chưa đầy 48 giờ đồng hồ mở bán trên kênh Fanpage “Mộng ước không xa vời”, toàn bộ các đêm diễn đã chính thức “cháy vé”. “Cậu bé vàng của nhạc kịch” Nguyễn Phi Phi Anh lại một lần nữa khiến giới trẻ “phát cuồng” với vở nhạc kịch này.

Giới trẻ lại “phát cuồng” với nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh

Trước đó, hai vở nhạc kịch được biểu diễn 21 đêm là “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng” cùng trong dự án “Mộng ước” của “cậu bé vàng của nhạc kịch” Nguyễn Phi Phi Anh cũng nhanh chóng “cháy vé.”

Giới trẻ lại “phát cuồng” với nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh

Đại diện dự án “HOPE” cho hay, sự khan hiếm vé của hai vở nhạc kịch trước khiến một bộ phận lớn công chúng trẻ nhanh chóng đặt giữ vé trên Fanpage ngay khi vở nhạc kịch thứ hai “Góc phố danh vọng” khép lại vào tháng 11/2016. Động thái này khiến toàn bộ số vé “Mộng Ước Không Xa Vời” nhanh chóng “sạch sành sanh” ngay sau khi có thông tin về lịch biểu diễn cũng như ngày mở bán vé chính thức.

“Mộng ước không xa vời” là vở nhạc kịch lần đầu tiên được ra mắt công chúng Hà Nội và cũng là vở cuối cùng khép lại dự án HOPE. “Mộng ước không xa vời” sẽ thắp sáng ánh đèn sân khấu Hà Nội các ngày 28/2 và 6, 7, 8, 9/3/2017 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

“Mộng ước không xa vời” tiếp tục là vở nhạc kịch đương đại kết hợp ca hát, vũ đạo và diễn xuất do PPAN viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. Nếu khán giả đã từng được làm quen và trải nghiệm câu chuyện cổ tích qua “Góc phố danh vọng”, câu chuyện đậm màu sắc trinh thám qua “Đêm hè sau cuối”, thì “Mộng ước không xa vời” sẽ tiếp tục là một thách thức cảm thụ cho người xem. Đây là một câu chuyện đời thường pha chút màu sắc khoa học viễn tưởng, khởi đầu với cuộc trò chuyện phiếm trên một chuyến taxi tự động. Ken và Mina, hai người không quen biết, đã cùng nhau theo đuổi một cuộc du hành kỳ lạ để ngăn chặn đại dịch virus H-Ô-Hô có nguy cơ xoá sổ nhân loại.

Cũng như hai vở trước, “Mộng ước không xa vời” quy tụ 35 diễn viên, 17 nhạc công và 15 kiến tạo trẻ và không chuyên.

Bên cạnh những cái tên nửa Việt nửa Tây, trang phục sành điệu, “Mộng ước không xa vời” còn có sự đột phá về việc mở rộng biên độ sử dụng âm nhạc quốc tế. Ngoài sử dụng “nhạc Tây” như hai vở đầu, thông qua các bản hit của Coldplay, Kelly Clarkson… “Mộng ước không xa vời” còn sử dụng cả nhạc Nhật và nhạc Hồng Kông, với phiên bản tiếng Việt do PPAN viết lời.

Giới trẻ lại “phát cuồng” với nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh

NSND Lê Khanh từng đánh giá rất cao Phi Anh khi cho rằng chỉ cần có 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, những vấn đề hiện nay của sân khấu sẽ được giải quyết.

PPAN sinh năm 1991 tại Hà Nội, từng giành học bổng du học toàn phần 4 năm tại ngôi trường phổ thông hàng đầu Singapore là Anglo-Chinese School (Independent); 4 năm tại Đại học Hampshire College, Massachusetts, Mỹ - chuyên ngành Sân khấu - Điện ảnh.

Từ nhỏ PPAN sớm bộc lộ khả năng nghệ thuật đa dạng. Về Mỹ thuật, PPAN từng có tranh cá nhân được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore ở tuổi 19. Về Sân khấu, PPAN viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất hai vở nhạc kịch với hai phong cách hoàn toàn khác nhau là Góc Phố Danh Vọng, Đêm Hè Sau Cuối vào năm 21 và 22 tuổi.

Về Điện ảnh, PPAN đã thực hiện một bộ phim truyện nhựa dài 92 phút, quay hoàn toàn theo chiều dọc ở tuổi 24. Ngoài ra, PPAN từng có kinh nghiệm làm việc tại Walt Disney và tham gia một số dự án điện ảnh tại Hollywood, Mỹ với nhiều vai trò khác nhau như Trợ lý sản xuất, Dựng phim,…

Nhờ sự hăng say trong lao động, sự cởi mở trong tư duy và khả năng sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, PPAN luôn thực hiện các dự án một cách chỉn chu với kinh phí và thời hạn “không tưởng”. Điển hình là năm 2013, chỉ trong bốn tháng hè, “PPAN và đồng bọn” đã tập luyện và sản xuất hai vở nhạc kịch, với mười đêm diễn “cháy vé”, được cả công chúng lẫn những người hoạt động trong ngành Nghệ thuật đánh giá cao. Thành công này giúp PPAN lọt vào Top “30 Under 30” - 30 người trẻ dưới 30 tuổi có đóng góp tích cực cho xã hội - của Forbes Vietnam năm đầu tiên (2015).

Sau thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, PPAN quay trở lại Việt Nam, mang theo mộng ước định hướng khán giả đại chúng tới những tiêu chuẩn thẩm mỹ văn minh, nhưng vẫn bảo tồn được giá trị truyền thống cốt lõi của người Việt. PPAN tập trung xây dựng các tác phẩm vừa mang tính đột phá, vừa có sự thuyết phục và ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp khán giả, từ bình dân tới trí thức.

Hương Thúy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/