Bài 64: Người khơi dậy những giá trị văn hóa

10:12 | 27/02/2017
TTTĐ.VN - Hội chợ sách cũ Hà Nội diễn ra từ 23-25/2-/2017 với những hoạt động hấp dẫn khiến nhiều người Hà Nội háo hức. Lần này, Hồ Văn (thuộc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) là địa điểm được lựa chọn.

Bài 64: Người khơi dậy những giá trị văn hóa

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
* Bài 60: Phố phường thắm sắc hương xuân
* Bài 61: Độc đáo tò he
* Bài 62: Hồn nhiên “tra tấn” nhau bằng âm thanh
* Bài 63: Nếp nhà, nết người


Bài 64: Người khơi dậy những giá trị văn hóa
Các bạn trẻ say sưa chọn sách tại Đại hội sách cũ lần thứ V - 2016. Ảnh: Quang Anh



Hội chợ sách cũ Hà Nội thực sự đã trở thành sân chơi của những người đam mê sách cũ, muốn tìm lại một chút hoài niệm trên những trang sách vương màu thời gian. Theo đó, Hội chợ sách cũ Hà Nội 2017 sẽ mang đến cho những người yêu sách cũ tại Thủ đô một triển lãm sách thú vị về Văn Miếu cũng như các danh nhân văn hóa liên quan đến Văn Miếu như: Bà Điểm họ Đoàn; Chế độ đào tạo và tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ (1428-1527); Hội thảo khoa học Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì con người và sự nghiệp; Khiếu Năng Tĩnh (1835-1915) con người và sự nghiệp …


Cuối tháng 11/2016 vừa qua, Đại hội Sách cũ được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long cũng là một ngày hội lớn, làm nức lòng người yêu sách. Không chỉ bởi quy mô to lớn, tổ chức ở nơi sang trọng mà còn là sự ghi nhận của nhà nước và tư nhân khi cùng chung tay đưa đến một hoạt động đầy ý nghĩa cho người dân Thủ đô. Đây là lần thứ V Đại hội Sách cũ diễn ra. 20 tấn sách được mang đến phục vụ những người muốn tìm kiếm những giá trị tưởng khuất lấp chứng tỏ sách vẫn là một món ăn tinh thần hấp dẫn, bền bỉ và chưa bao giờ là cũ. Trước đó, khuôn viên trường Đại học Văn hóa có vẻ như đã chật chội và không đáp ứng được hết nhu cầu của người yêu sách tăng dần qua mỗi năm.

Mỗi năm ngành xuất bản cho ra đời bao nhiêu cuốn sách mới, cả tác phẩm trong nước và ngoài nước, từ những xu hướng sáng tác mới nhất với những tác giả best-seller cho đến những cuốn sách kinh điển làm mê đắm bao nhiêu tâm hồn ở nhiều thời đại. Những hội sách thường niên tổ chức tại Hà Nội cũng hút bao nhiêu khách đến “khuân” sách về. Vậy mà Đại hội Sách cũ vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả, hẳn là có những lí do riêng.

Hoa Thúy, khi cầm được trên tay cuốn “Đèn không hắt bóng” của Wantanabe Dzunichi bản in năm 1978 giấy ố vàng, sần sùi, chữ thì như là đánh máy, mừng đến phát khóc. “Cuốn này mình đọc từ khi còn bé tí, trong tủ sách của bố mình. Chục năm trước, bố mình mất, tủ sách bị mối mọt phải bỏ đi hết, mình cứ tiếc mãi. Giờ mua được cuốn y hệt ngày xưa, xúc động không từ nào tả nổi”. Nhiều người như Hoa Thúy, gặp lại sách như gặp lại kỉ niệm thời thơ ấu, như một người bạn hay như một dấu mốc trong cuộc đời. Cũng có người thích cảm giác được sở hữu những tác phẩm đượm màu thời gian. Trong khi nhiều người sưu tầm sách cổ, sách cũ như một thú chơi của riêng mình. Có thể ví họ như những người làm sống dậy những giá trị văn hóa, để những giá trị ấy không nằm phủ bụi theo thời gian mà khiến nó có ích với hiện tại.

Nhắc đến giới sưu tập sách cũ phải kể đến ông Phan Trác Cảnh, người được mệnh danh là “vua sách cũ” của Hà Nội. Ngôi nhà trầm mặc ở số 5 Bát Đàn trông giản dị nhưng chứa đựng trong lòng nó hơn 10 tấn sách quý hiếm luôn mở cửa cho những ai yêu sách. Ông Cảnh đã ngoài 80 tuổi và có thâm niên hơn 30 năm sưu tầm sách. Khi nghỉ hưu, rời khỏi phận sự là cán bộ khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, với chiếc xe máy cà tàng, ông đi khắp các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam… để lùng mua bằng được những cuốn sách quý "Souvernirs de Hue" của tác giả Michel Duc Chaigneau viết về Huế in bằng tiếng Pháp từ năm 1867. Các quyển "Hán văn tân giáo khoa thư" xuất bản năm 1928 và "Ngũ thiên tự" năm 1929 cũng được ông giữ khá nguyên vẹn. Là người hiểu biết về văn hóa, lịch sử nên không chỉ sưu tầm bất cứ loại sách nào mà ông cũng chủ định tìm kiếm những cuốn sách, bài báo theo từng chủ đề riêng biệt, chẳng hạn người Hoa ở Việt Nam, 54 dân tộc Việt Nam, làng xã, các triều đại phong kiến, các cuốn sách gắn với những dấu mốc lịch sử xã hội Việt Nam...

Để duy trì hoạt động mua, sưu tầm sách, ông Cảnh buộc phải bán đi một số cuốn mình có nhưng đó cũng là một hoạt động văn hóa để sách được đến đúng tay người dùng, vào các công trình nghiên cứu hay trở thành tài liệu hữu ích phục vụ xã hội hiện tại. Cũng từ hoạt động này mà ông Cảnh có thêm những người bạn thân thiết khắp cả nước cũng như từ nước ngoài đến. Lặng lẽ, âm thầm nhưng như một dòng chảy bền bỉ, quyết liệt, ông Cảnh như một người khơi thông dòng chảy văn hóa đọc, văn hóa sử dụng sách để nó miệt mài chuyên chở giá trị đích thực của mình dọc theo thời gian. Sưu tầm, mua bán sách cũ vì thế là một hoạt động văn hóa hết sức đáng trân trọng, nó vừa làm dày thêm văn hóa cho người Hà Nội vừa đánh thức văn hóa đọc để nó đi sâu rộng hơn vào đời sống của mỗi người.

(còn nữa)


Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/