Bài 74: Khi nói tục chửi bậy len lỏi vào công sở…

08:00 | 19/03/2017
TTTĐ.VN - UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1665/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Quy tắc ứng xử gồm 4 chương, 14 điều áp dụng cho các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống tại Hà Nội và cả những người đến công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố. Bộ quy tắc này định hướng những việc nên làm và không nên làm tại những điểm công cộng với mục tiêu từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố; xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, hướng tới mục tiêu xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa; gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bài 74: Khi nói tục chửi bậy len lỏi vào công sở…

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 70: Thể hiện đúng tác phong “người nhà nước” nơi công cộng
Bài 71: Hết giờ làm thì là “người của nhân dân”
Bài 73: Sức mạnh của văn hóa nghệ thuật


Bài 74: Khi nói tục chửi bậy len lỏi vào công sở…
Mỗi người dân Thủ đô, mỗi nhân viên công sở của thành phố… cần phải làm gương, đầu tiên là trong giao tiếp ứng xử. Ảnh minh họa.

Thực tế hiện nay, trong một bộ phận giới trẻ có hiện tượng lây lan, a dua lối sống buông thả, thiếu văn hóa thể hiện qua nói tục, chửi thề làm cho người nghe phản cảm, ức chế, bị xúc phạm. Hiện tượng này không chỉ xả ra ở chợ búa mà còn len lỏi vào các công sở, gây nhức nhối trong dư luận…

Tình trạng “chửi bậy như hát hay” đã thành thành “mốt” trong một số cơ quan. Ban đầu, tình trạng này chỉ xuất hiện ở một vài đồng nghiệp nam nhưng dần dà các chị em cũng “góp vui”, rồi kể cả một số sếp cũng văng tục chửi thề và nói bậy trong khi kiểm điểm các nhân viên… khiến cho việc chửi bậy, nói bậy càng trở nên “xôm” hơn bao giờ hết. Ai không nói bậy, chửi thề thì bị xếp vào xó và bị liệt vào hạng “cười mót”. Hậu quả của trào lưu này là tạo ra một môi trường tiêu cực với những sở thích bóp méo sự thật, sẽ tiêm nhiễm vào đầu những ngôn từ vẩn đục tạo thành thói quen xấu.

Nói tục, chửi thề liên quan chặt chẽ với những hành động có dấu hiệu vi phạm pháp luật; là tiền đề cho những cuộc cãi cọ, chửi bới, xô xát, đánh lộn, nhiều vụ việc đã dẫn đến án mạng đau lòng mà khởi nguyên là do nói tục, chửi thề…

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới thực trạng trên. Tuy nhiên, chúng ta không thể không kể đến nguyên nhân do sự tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường; sự bùng nổ của công nghệ thông tin; sự tuyên truyền, xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy… Bên cạnh đó, công việc bàn giấy nhàm chán nhưng đầy áp lực khiến dân công sở vốn khá lành tính bỗng trở nên “dữ dội” trong ngôn từ nhừm xả stress và tạo không khí thoải mái cho môi trường ngột ngạt quanh mình. Những chủ đề được đem ra bàn tán cũng phong phú không kém nhưng tựu trung lại không hẳn chỉ là chuyện tào lao. Tuy nhiên, có lẽ căn nguyên trực tiếp nhất dẫn đến hiện tượng hay nói tục, chửi thề trong giới trẻ hiện nay chính là do ý thức văn hóa sử dụng ngôn ngữ giao tiếp kém.

Để hình thành được ý thức trong giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, khắc phục hiện tượng xấu - nói tục, chửi thề của giới trẻ hiện nay, nhất là giới trẻ trong các công sở, cần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, khu dân cư, khu phố văn hóa. Để thực hiện biện pháp này trước hết cần nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh; giao tiếp, ứng xử văn hóa; xóa bỏ các loại tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, phải lồng ghép các phong trào thi đua của Đoàn Thanh niên trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tự giác thực hiện và nhắc nhở nhau nói năng, giao tiếp, ứng xử văn hóa, không nói tục, chửi thề; đẩy mạnh công tác xã hội nhằm huy động nhiều nguồn lực trẻ, có chất lượng để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao...; tập trung khắc phục những tồn tại, tính hình thức, sự thiếu đồng bộ ở một số địa phương, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, khu dân cư, khu phố, công sở văn hóa.

Ý thức trong giao tiếp là một nội dung biểu hiện nhân cách, nó được hình thành từ nhỏ thông qua chính môi trường hoạt động sống của con người mà cụ thể là từ gia đình, nhà trường và xã hội. Để giải quyết được câu chuyện về văn hóa ứng xử xuống cấp hiện nay, “chìa khóa” nằm ở tính gương mẫu từ trên xuống dưới. Nếu những người ở trên gương mẫu thì tự nhiên những người dưới sẽ tự giác làm theo. Để làm gương cho con trẻ thì trước tiên người lớn phải tự giáo dục mình. Để cấp dưới không vi phạm thì cấp trên phải nghiêm túc.

Ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy. Do đó hãy giao tiếp bằng những lời lẽ, ngôn từ đẹp, trong sáng, dễ hiểu. Từ tư duy đến ngôn ngữ rồi đến hành động luôn là ba mặt biểu hiện quan trọng của đời sống con người. Không ai được đánh giá là một người tốt khi họ phát ngôn bằng những lời lẽ thiếu trong sáng.

Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ trò chơi: Tự viết ra cảm nghĩ của mình ra một tờ giấy và đưa lại cho nhóm trưởng? Vậy thì, hãy thử một lần đặt mình vào vị trí người nghe khi “được” chửi, “được nghe” những lời nói bậy bạ, tục tĩu từ người thân quen, hay những người xa lạ và mô tả lại một cách cụ thể “cảm giác của bản thân”. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều và tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Hà Nội là “trái tim”, trung tâm văn hóa của cả nước, nhân dân khắp nơi luôn hướng về Hà Nội với một niềm tin yêu, trân trọng. Vì vậy, mỗi người dân Thủ đô, mỗi nhân viên công sở của thành phố… cần phải làm gương, đầu tiên là trong giao tiếp ứng xử. Sự ra đời của “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố” vừa có hiệu lực muốn phát huy được hiệu quả rất cần sự đồng thuận, tự giác thực hiện của toàn xã hội và những cán bộ công chức (những người có tri thức các trong xã hội) phải xung kích đi đầu…

(còn nữa)



Đoàn Thị Hương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/