Băn khoăn về quy định Đô thị du lịch

20:34 | 29/05/2017
TTTĐ.VN- Tại phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV chiều 29/5, một trong những nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận liên quan đến quy định về đô thị du lịch, lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Băn khoăn về quy định Đô thị du lịch

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về nội dung đô thị du lịch, có ý kiến đề nghị giữ quy định như Luật hiện hành về đô thị du lịch vì trên thực tiễn đã hình thành đô thị du lịch. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định đô thị du lịch trong dự thảo Luật.

Băn khoăn về quy định Đô thị du lịch


Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu hai phương án. Phương án 1, không quy định về nội dung đô thị du lịch vì Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 không quy định về loại hình đô thị du lịch. Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản luật. Hơn nữa, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch. Phương án 2, quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch tại Điều 29, Điều 30 dự thảo Luật.

Góp ý về nội dung trên, nhiều đại biểu đề nghị quy định theo phương án 1. Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) phân tích, theo dự thảo, thu nhập từ du lịch chiếm tỉ trọng từ 30% trở lên trong tổng sản phẩm nội địa của đô thị, nhưng thực tế có lúc tỉ lệ này trên 30% sẽ được công nhận, nhưng dưới 30% lại không đủ điều kiện công nhận, như vậy sẽ làm mất thời gian thực hiện thủ tục, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của các địa phương.

Trong khi đó, theo quan điểm của đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch quốc gia nằm trong hệ thông quy hoạch quốc gia được quy định trong Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thảo luận. Nếu quy định như dự thảo sẽ bị trùng với quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn do Bộ Xây dựng chủ trì và làm phân tán nguồn lực, gây lãng phí... Do đó, các địa phương tùy điều kiện tự nhiên và tiềm năng du lịch có thể quy hoạch về đô thị du lịch nằm trong quy hoạch tỉnh.

Mặt khác, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch là những luật chuyên ngành không quy định loại đô thị này, nên nếu quy định đô thị du lịch như dự thảo sẽ dẫn đến xung đột pháp luật và phải sửa cả hệ thống, đồng thời đô thị du lịch không khác so với quy định trong các luật chuyên ngành.

Nhiều đại biểu tranh luận việc liệu có nên thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hay không khi đã có quá nhiều loại quỹ. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng trong khi giá tour trong nước cao thì không thể thu thêm của khách du lịch và doanh nghiệp để đóng góp cho quỹ. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để nguồn thu, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và khách du lịch.

Băn khoăn về quy định Đô thị du lịch


Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cũng đưa ra nhiều con số cho thấy khoảng cách quá lớn giữa chi phí quảng bá du lịch của Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. “Cho đến nay, Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Trong khi Thái Lan, Singapore, Philippines đều có hàng chục văn phòng”, bà Hoa nói.

Cuối buổi chiều 29/5, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, văn hoá cao. Do đó, sự phát triển của ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào các ngành và nhiều đạo luật khác, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến dự án Luật Du lịch và sự phát triển của ngành du lịch như liên quan đến visa, ưu đãi đầu tư, thuế và quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đất đai, hạ tầng… Điều đó cho thấy, phát triển ngành du lịch phụ thuộc nhiều vào các ngành khác, không thể tự đứng một mình được. Vì vậy, cũng nên sửa đổi hoặc bổ sung các đạo luật khác cho phù hợp.

Băn khoăn về quy định Đô thị du lịch


Về đô thị du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, điều này đã được quy định nhưng trong quá trình thực hiện vấn đề này có một số khó khăn như chỉ có thị xã Cửa Lò đáp ứng được điều kiện đó. “Có lẽ, đô thị du lịch nên là một thương hiệu nhằm tạo ra thương hiệu như Hội An, Huế, Đà Lạt… để du khách quốc tế thấy được đó là đô thị du lịch thì sẽ đến nhiều hơn, đất nước chúng ta nên có nhiều đô thị du lịch hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề xuất.

Liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự đồng tình cao của đại biểu đối với quy định này là cần thiết để đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch. Thực tế hiện nay chúng ta chỉ có 2,5 triệu USD để làm công tác xúc tiến quảng bá du lịch, trong khi các nước trong khu vực có hàng trăm triệu USD.

“Do vậy, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của chúng ta không đi đến đâu cả, không tạo ra được ấn tượng gì đối với du khách. Việc hình thành Quỹ này là rất cần thiết”, Bộ trưởng Thiện thẳng thắn nhìn nhận.

Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng giải thích ban soạn thảo đưa ra rất nhiều phương án nhưng cuối cùng nếu đưa ra các phương án cụ thể lại vướng các luật khác như phí, lệ phí, ngân sách.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/