Cần thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Du lịch

20:20 | 29/05/2017
TTTĐ.VN- Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 29/5, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Trần Thị Phương Hoa đã nếu ý kiến nên thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Du lịch thay vì chỉ giao cho Bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch bởi du lịch có tính liên ngành

Cần thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Du lịch

Bà Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh, để phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn thì vấn đề tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quy hoạch du lịch đóng vai trò rất quan trọng, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã dành ra một chương (Chương III Tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch) nói về vấn đề này tuy nhiên chưa đầy đủ, thiếu tính định hướng các sản phẩm du lịch nước ta trong tương lai. Đề nghị cần bổ sung thêm vấn đề về các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh cao.

Cũng tại chương III, mục 2 Phát triển sản phẩm du lịch, điều 18 khoản 3 có quy định “Đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch”.

Cần thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Du lịch


“Những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch thì nên cấm chứ không nên khuyến khích, đừng nói đến phát triển thành sản phẩm du lịch. Hơn nữa, tâm lý của khách khi đi du lịch liệu có muốn sử dụng các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của chính bản thân mình hay không? Trong khi chúng ta đang hình thành những điều luật để bảo vệ an toàn tuyệt đối khách du lịch thì không nên đưa vấn đề này vào mục 2 phát triển sản phẩm du lịch”, đại biểu Phương Hoa cho biết.

Để ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp,hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường quốc tế, do đó yếu tố con người làm du lịch rất quan trọng, quyết định sự thành công của du lịch. Theo thống kê, tình trạng nhân lực du lịch Việt Nam hiện vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là đội ngũ lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch. Lực lượng nhân lực du lịch qua đào tạo chỉ chiếm dưới 50%.

Vấn đề này đặt ra nhiệm vụ vô cùng cần thiết và cấp bách là đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cùng với số lượng đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của khách du lịch theo mục tiêu đến năm 2020 tăng trưởng gấp đôi so với hiện nay, thu hút được 17 đến 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chú trọng phát triển các loại hình về quản lý, quản trị doanh nghiệp về lao động du lịch doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng về ngoại ngữ, tin học, văn minh, đạo đức nghề nghiệp… Như vậy mới hạn chế tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá giá giữa doanh nghiệp, kinh doanh chộp giật, cướp khách, bán tour du lịch 0 đồng làm Nhà nước thất thu… như trong thời gian vừa qua. Do đó, dự thảo nên dành hẳn một chương về đào tạo nguồn nhân lực du lịch tạo cơ chế để phát triển du lịch.

Du lịch là ngành Kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng trong tiến trình hội nhập do đó cần có bộ máy quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển liên ngành. Mặc dù Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về Du lịch nhưng cũng cần thiết có Ban chỉ đạo Quốc gia về Du lịch, đặt ra cơ sở pháp lý để khi triển khai, phải có đủ các thành viên của Ban chỉ đạo đa ngành. Nếu chỉ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quản lý thì vai trò hạn chế.

Chương VIII Dự thảo Luật về Quản lý Nhà nước về Du lịch, cần đưa thêm vào về vai trò của Tổng cục Du lịch, đây là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc các của Đảng và Nhà nước về du lịch, đưa vào Dự thảo để Tổng cục du lịch nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm. Trong Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi), vai trò của Tổng cục Du lịch rất mờ nhạt.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/