Câu lạc bộ bơi dành cho người khiếm thị

22:51 | 07/09/2017
TTTĐ.VN- Trong một góc của Trung tâm Thể dục thể thao huyện Thanh Trì (Hà Nội), cứ thứ 5 hàng tuần lại xuất hiện hơn 10 thành viên thuộc câu lạc bộ (CLB) bơi dành cho người khiếm thị được Hội người mù huyện Thanh Trì thành lập hơn 2 tháng qua.

Câu lạc bộ bơi dành cho người khiếm thị

Tiến bộ từng ngày nhờ học bơi

Ngô Đình Phúc, sinh năm 1998 tham gia vào CLB bơi lội của huyện hội ngay từ thời gian đầu và hiện nay em đã biết bơi sải, bơi ếch… CLB mang đến cho Phúc nhiều điều bổ ích trong cuộc sống.

Không chỉ Đình Phúc, hầu hết học viên trong lớp bơi đặc biệt dành cho người khiếm thị đều tự tin như thế. Bác Trần Tiến, thành viên cao tuổi nhất CLB, cũng rất hào hứng chăm chỉ tập luyện. Bác Tiến kể: “Tôi bị cao huyết áp, trước đây không nghĩ đến việc mình sẽ đi bơi. Tuy nhiên, được sự động viên của các anh chị em trong hội, sự hướng dẫn của thầy, tôi đã đến với CLB và sau 2 tháng, sức khỏe được cải thiện rất nhiều. Giờ tôi có thể bơi 200m một cách dễ dàng…”.

Câu lạc bộ bơi dành cho người khiếm thị

Các thành viên tham gia CLB bơi


Ngồi trên bờ quan sát, đôi mắt của chị Thanh Huyền ánh lên niềm hạnh phúc khi chăm chú nhìn người mẹ thân yêu của mình đang bơi dưới nước. Chị Thanh Huyền chia sẻ: “Suốt thời gian qua, chưa bao giờ tôi thấy thanh thản như lúc này bởi từ ngày mẹ tôi gia nhập vào CLB bơi của Hội, mẹ đã tự tin, vui vẻ và sức khỏe tốt hơn hẳn”.

Nói về ý nghĩa của việc thành lập CLB bơi lội, anh Trần Thế Đạt – Chủ tịch Hội người mù huyện Thanh Trì cho biết, CLB bơi lội rèn luyện được rất nhiều kỹ năng sinh tồn bổ ích cho các hội viên khiếm thị, đồng thời đây còn là nơi giao lưu, chia sẻ, nâng cao tinh thần đoàn kết của những người đồng cảnh, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

“Với những tín hiệu tích cực mà CLB bơi lội mang lại cho các hội viên, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và lan tỏa hoạt động ý nghĩa này tới các hội viên để mọi người đến với CLB ngày một đông hơn nữa. Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển CLB, chúng tôi đang kết hợp cùng các tổ chức hội người mù khác như Hội người mù quận Hoàng Mai, phát hiện và đào tạo những nhân tố mới trong môn thể thao bơi lội, hướng tới cung cấp các vận động viên xuất sắc cho đoàn thể thao khuyết tật TP Hà Nội” – anh Đạt thông tin thêm.

Sự tận tâm

Người khiếm thị tham gia vào CLB bơi lội và phát triển thể chất, mạnh khỏe hơn – câu chuyện nghe tưởng chừng như rất dễ dàng nhưng chỉ có nỗi lòng những người hướng dẫn CLB này mới thấu hiểu.

Nguyễn Văn Cường là vận động viên khiếm thị bơi lội tài năng của làng thể thao khuyết tật TP Hà Nội. Anh đã xuất sắc dành nhiều huy chương vàng tại các kỳ đại hội thể thao dành cho người khuyết tật trong và ngoài nước. Còn với các thành viên ở đây, anh vừa là một người thầy, một người anh thân thiết.

“Tôi và các thành viên trong CLB đều không nhìn thấy nhau. Mỗi lần hướng dẫn mọi người những động tác trong môn bơi lội, tôi phải dùng đến phương pháp đặc thù mà tôi đã từng được thầy dạy – cầm tay chỉ việc…” – anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Anh Cường còn cho hay, cũng là một hội viên của Hội nên rất thuận lợi trong tâm lý khi hướng dẫn các thành viên. Dù hơi vất vả nhưng chứng kiến anh chị em tiến bộ từng ngày, bản thân cũng thấy phấn khởi.

Các thành viên của CLB được anh Cường chỉ dẫn những kỹ năng cơ bản nhất của môn bơi lội. Từ động tác thở dưới nước, kết hợp chân tay đến việc xác định hướng bơi, kết cấu của bể bơi một cách rất chi tiết và cẩn thận.

Việc những người khiếm thị tâm lý luôn tự ti, rụt rè khi tiếp cận một điều gì đó mới lạ hoặc thường chóng nản, phản ứng mỗi khi không thực hiện chính xác thì giờ đây họ đã có thể bình tĩnh thở dưới nước, thực hiện các động tác thuần thục, đó là nhờ vào sự kiên nhẫn, tận tâm của người hướng dẫn.

Chị Thanh Huyền chia sẻ: “Nhìn thầy Cường dạy mẹ tôi và mọi người bơi với cử chỉ ân cần, nhẫn nại, tôi thật sự ngạc nhiên và nể phục. Có lẽ điều đó còn đến từ sự đồng cảm của những người cùng không được tạo hóa ban cho sự công bằng”.

Ngoài anh Cường, CLB bơi lội còn có những “người thầy” tận tâm khác như Trần Thế Đạt, Vũ Thủy, Ngô Quang Hiếu, cùng chung tay hướng dẫn các thành viên.

Nhờ thái độ đồng cảm của họ mà CLB bơi đặc biệt này giờ đây đã trở thành một nơi sinh hoạt lý tưởng cho người khiếm thị. Theo ghi nhận của phóng viên, nếu cách đây vài tháng chuyện các hội viên sợ hãi, vẫy vùng và nằng nặc đòi rời khỏi hồ nước xảy ra thường xuyên thì giờ đây CLB với hơn 10 học viên này diễn ra thật yên bình và hầu hết các thành viên đều luôn nở nụ cười trên môi.

Thành Nguyễn

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/