Bài 2: Thiếu hoài bão và xa rời thực tế

16:04 | 26/12/2016
TTTĐ - Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM đưa ra cuối năm ngoái, có tới 42,7% thiếu lí tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp. Đây là con số đáng lo ngại vì non nửa giới trẻ đang bị "hóa đá"...

Bài 2: Thiếu hoài bão và xa rời thực tế

>> Khi sinh viên không xác định được mục đích sống…
* Bài 1: Đi học vì… trách nhiệm


Bài 2: Thiếu hoài bão và xa rời thực tế
Nhiều thanh niên bây giờ sống thiếu hoài bão và có phần xa rời thực tế... Ảnh minh họa

Học sinh THPT bây giờ có xu hướng nghĩ cho bản thân và sống khá thực dụng. Thật ra, nếu hỏi học sinh THPT về lí tưởng sống, các em sẽ nói rất hay. Tuy nhiên thái độ sống, cách hành xử, sinh hoạt của các em thì gần như ngược lại.

Khi được hỏi “Em du học để làm gì?”, nhiều học sinh đã trả lời rằng, để sau này có công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn chứ các em chưa nghĩ tới công việc của mình sau này mang lợi gì cho cộng đồng, cho xã hội. Nếu có thắc mắc là tại sao không nghĩ tới những người xung quanh mình như bố mẹ, ông bà thì có học sinh đã trả lời: “Bản thân mình còn lo chưa xong thì làm sao lo được cho ai” (?!)

Về nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do gia đình, nhất là những gia đình chỉ có 1 con. Sự nuông chiều thái quá của cha mẹ với lối bao bọc, sắp đặt hết mọi bước đi của con khiến các em có lối sống ích kỉ, thiếu ước mơ, hoài bão và dựa dẫm vào cha mẹ mình.

Trước đây, tôi làm một cuộc khảo sát về hướng nghiệp và dạy nghề, kết quả cho thấy: học sinh THPT thiếu lí tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là do người lớn chưa làm tốt công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề cho các em.

Người lớn ở đây chính là các bậc cha mẹ và giáo viên. Do bận rộn với guồng quay của cuộc sống, nhiều phụ huynh chỉ yêu cầu con mình phải học thật nhiều, học thật giỏi chứ không định hướng được cho con rằng sau này sẽ làm nghề gì cho phù hợp với khả năng của mình.

Một trong những hệ lụy đó còn phải kể đến sự nhụt chí và không xác định phương hướng. Quỳnh Trang, quê ở TP Yên Bái có niềm đam mê trở thành cô giáo và ước mơ đó kéo dài cho đến những ngày học cấp III. Đến khi nộp hồ sơ xét đại học, Trang nộp vào ngành báo chí vì cho rằng ngành sư phạm khó xin được việc làm. Còn Minh Tiến, quê ở Bắc Giang thì chọn ngành xuất bản chẳng phải vì có đam mê, chẳng qua là vì điểm đầu vào thấp...

Nếu muốn thay đổi tình hình trên, trước hết phải thay đổi cách giáo dục con cái của phụ huynh học sinh. Tiếp đến là cách giáo dục trong nhà trường: Chương trình môn Văn và chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng có nội dung giáo dục học sinh về lí tưởng sống, ước mơ, hoài bão lập thân, lập nghiệp (mặc dù không nhiều) nhưng để truyền tải một cách có hiệu quả những nội dung ấy thì tùy thuộc vào mỗi trường. Lâu nay, nhiều người cứ quan niệm chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới làm công tác hướng nghiệp, thật ra tất cả giáo viên bộ môn đều có thể làm và tác động được đến lí tưởng và hoài bão của học sinh.

Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên trong trường phổ thông cần có những hoạt động thiết thực với cuộc sống của giới trẻ hơn, tác động được đến lối sống của các em theo hướng tích cực.

Từ việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp, từ việc ăn uống sinh hoạt, chọn người yêu... nhiều phụ huynh đều sắp xếp và lo cho con, không để cho con cái tự quyết định hoặc tự dấn thân, đương đầu với thử thách. Chính điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạch định tương lai và hoài bão của nhiều thanh niên hiện nay.

Từ đó người trẻ mắc phải “căn bệnh” ỷ lại, thụ động, thiếu bản lĩnh và không đủ chín chắn, cứ để mặc cho cha mẹ, gia đình lo hay cứ sống hôm nay đã rồi "để mai tính", những ước mơ, hoài bão chưa kịp nhen nhóm đã vội tắt.

Xét theo tính chủ quan thì do người trẻ chưa định hướng được tương lai cho mình, chưa xác định được điều mình muốn là gì, như thế nào.

Phần vì lười biếng, muốn hưởng thụ cuộc sống an nhàn, không lo nghĩ dẫn đến không dám ước mơ, sợ thất bại, sợ thua cuộc, sợ những điều mình muốn, mình nghĩ là viển vông, không thực hiện được.


Khánh Vy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/