Biết hổ thẹn làm nên nhân cách của người làm báo!

14:30 | 21/06/2017
TTTĐ.VN - Từng phát khóc vì không có tiền đổ xăng đi viết bài, rồi cũng đã từng đứng trước rất nhiều lời mời gọi hấp dẫn “đổi tiền lấy bài viết” nhưng nhà báo Nguyễn Quang Anh (báo Công an nhân dân) vẫn giữ vững, lập trường, quan điểm của mình. Với anh, đồng tiền không mua được nhân cách của người làm báo chân chính…

Biết hổ thẹn làm nên nhân cách của người làm báo!

Kỷ niệm đong đầy nước mắt

Sinh năm 1983 trong một gia đình làm nghề gỗ truyền thống ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, Hà Nội), anh Quang Anh tâm sự: Không giống như nhiều ông bố, bà mẹ khác thích con phải đỗ đạt, học hành, bố anh lại có suy nghĩ khá dị biệt. Ông muốn anh ở nhà theo nghề mộc, làm nông. Ngày anh thi đỗ đại học, bố anh… buồn ra mặt và buông một câu lạnh ngắt: “Thôi, mày thích oai oách với đời thì đi học, còn để giàu có thì đừng đi”.


Biết hổ thẹn làm nên nhân cách của người làm báo!
Nhà báo Nguyễn Quang Anh

Đến bây giờ, sau hơn 10 năm lăn lộn với nghề, anh thấy những điều bố nói… phần nào đúng. Đặc biệt là đối với nghề của anh - nghề báo mà như nhiều người vẫn thường đùa vui nói: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo - nhà nghèo”. Chưa từng mộng tưởng nuôi chí làm giàu từ nghề làm báo, anh Quang Anh khẳng định, mình theo đuổi nghề đơn giản chỉ vì yêu, vì say.

Nhớ lại những ngày đầu ra trường, nhà báo Quang Anh chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ, năm 2005, ra trường không xin được việc, tôi lang thang cộng tác với nhiều báo khác nhau. Có lúc, ngồi quán trà đá mà tôi phát khóc vì không có tiền đổ xăng để đi viết bài, phải đi nhặt nhạnh từng mẩu tin ngắn. Sau đó, tôi được nhận vào Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng cộng tác với mức lương 1 triệu đồng/tháng”.

Sau này, anh Quang Anh chuyển sang làm một vài báo khác như Du lịch, vài tờ chuyên về pháp luật, Vietnamnet và “đầu quân” cho báo Công an nhân dân được khoảng 7 - 8 năm nay.

Là phóng viên chuyên viết phóng sự xã hội, anh có cơ hội được đi nhiều nơi, trải nghiệm với nhiều đề tài gai góc. Anh bảo, đồng nghiệp hay gọi anh là “Chí Phèo” bởi biệt tài “ăn vạ”, nhất là ăn vạ cơ quan chức năng. Có lần, để theo đuổi 1 cuộc phỏng vấn, anh mang cả võng vào phòng ông chủ tịch xã và tuyên bố: “Em sẽ nằm đây đến khi nào anh trả lời mới đi”. Anh hăng say kể về những chuyến đi của mình đầy phấn khích xen lẫn niềm tự hào và cả những trải nghiệm khó quên. Đó là chuyến đi dài nhất trên chiếc xe máy từ Hà Nội vào Huế ròng rã suốt 3 tháng trời. Đến lúc về, mệt quá, anh cho xe máy lên tàu… Hay loạt bài buồn nhất về đề tài bạo lực gia đình với những giọt nước mắt của một nam nhà báo khi phỏng vấn biết bao phận đời phụ nữ bất hạnh bị bạo hành.

“Điều thú vị nhất khi làm nghề là tôi đã giúp những người dân nói lên tiếng nói của mình khi họ không biết phải làm cách nào để phản ánh bức xúc đến cơ quan chức năng để được giải quyết một cách “thấu tình, đạt lý”, anh chia sẻ. Ví dụ điển hình nhất là bài viết anh phản ánh về cuộc sống không có điện của hàng trăm hộ dân giữa lòng thủy điện Hòa Bình. Anh kể: “Bài viết đó tôi thực hiện ở Kim Bôi (Hòa Bình). Nơi đó, mấy chục năm qua bà con không biết đến điện là gì trong khi đó điện lưới chạy qua nhà. Sự thiếu thốn, lạc hậu của người dân đạt đến độ, đêm giao thừa, họ chỉ biết ra sân đứng, nhìn về phía nào sáng nhất thì đó là Thủ đô. Tôi lên đó vào đúng ngày nắng nóng nhất, cả làng kéo nhau vào trong hang ngủ…”.

Hạnh phúc là, sau bài viết “Xóm đèn dầu giữa lòng thành phố” với bút danh Phong Anh, chính quyền đã làm trạm điện để đưa ánh sáng văn minh về với người dân. “Ngày có điện, ở đó vui như mở hội. Bà con gọi điện cho tôi lên chung vui cùng. Lúc quay về, mỗi gia đình có ý tặng tôi 1 con gà nhưng tôi chỉ nhận 1 con và làm thịt ngay tại đó để liên hoan mừng cho bà con”, kể đến đây, ánh mắt anh lấp lánh niềm hạnh phúc…

Đến những hiểm nguy và bất trắc

Không theo dõi chuyên sâu về một lĩnh vực nào, cứ ở đâu có thông tin hay, đề tài nóng, anh Quang Anh lại “một mình một ngựa”, xách ba lô lên và đi. Có khoảng thời gian, anh đi công tác nhiều hơn ở nhà, ăn ngủ với dân là chuyện quá đỗi thường tình. Anh bảo, làm báo, nếu không được dân tin tưởng, ủng hộ thì không thể làm được gì, đặc biệt là với những loạt bài phản ánh tiêu cực.

Anh Quang Anh tâm sự: “Tôi nhớ mãi khi đi làm về vụ phá rừng Ba Bể ở Bắc Kạn. Lên đến nơi, tôi không quen ai, khó khăn lắm. Tôi đã lang thang quán nước, gợi chuyện và được người dân chia sẻ những bức xúc về tình trạng chặt phá rừng. Sau đó, có 1 bác tên Thẩn đã cho tôi về nhà bác ngủ. Ngày ngày, bác dẫn tôi đi khắp các cánh rừng bị phá để thu thập thông tin. Mà bạn biết đấy, chuyện dẫn đường vào vùng “nóng” như vậy không phải ai cũng dám làm bởi người ta rất sợ bị trả thù”.

Một loạt đề tài đi vào các vấn đề nóng của xã hội cũng được nhà báo trẻ Quang Anh thực hiện thành công và nhận được đánh giá cao từ dư luận xã hội vì có sự giúp đỡ của người dân: Vụ cả làng làm nghề đồng nát bị nhiễm chì, vụ bóng bì bẩn ở Hưng Yên hay vụ cả làng thu mua lợn chết ở Thường Tín (Hà Nội) đúng vào những ngày dịch tai xanh đang hoành hành…

Nghe anh kể, tôi có cảm giác như đang được cùng anh trải qua những phút tác nghiệp đầy phấn khích, say mê ấy. Anh bảo, nói về những kỷ niệm với nghề, chắc chắn vài ngày kể không hết chuyện. Có vui, có buồn, có cả tự hào cùng với những xót xa. Hiểm nguy luôn rình rập với những phóng viên làm phóng sự xã hội khi bị các thế lực xấu đe dọa là điều khó tránh khỏi nhưng điều khiến anh Quang Anh thấy đượm buồn là bởi một số nơi, cứ nghe đến hai chữ “phóng viên” hay “nhà báo” là người dân lại cực kỳ phẫn nộ. “Họ không có thiện cảm cũng là có lý do chính đáng của họ. Bởi chính một bộ phận nhà báo không làm bằng lương tâm và tình yêu nghề, cố tình bẻ cong ngòi bút để đào hố tự chôn mình” - anh chia sẻ.

Bằng tài ăn nói khéo léo, sự chân thành, nhà báo Quang Anh đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến và sự giúp đỡ của người dân trên mỗi chặng đường anh qua, mỗi đề tài nóng anh tiếp cận. Trầm ngâm bên chén trà nóng, nhớ về những ngày lang thang trên các cung đường để theo đuổi đề tài, anh chia sẻ: “Không giàu lên bằng nghề nhưng tôi luôn hạnh phúc vì mình làm nghề một cách “sạch sẽ”. Nói thật, trong 1 năm, ngày 21/6 - ngày “giỗ nghề” là ngày tôi nhàn nhã nhất vì không có ai mời ăn uống, gặp mặt chúc mừng, chỉ có vài người bạn chúc mừng trên facebook, một số người dân tận Hà Tĩnh, Quảng Bình hay các tỉnh xa gọi điện. Trong đó, có một chú trong Hà Tĩnh, gia đình nghèo, cả 3 người mắc bệnh ung thư. Tôi viết bài và qua đó có một số tổ chức, cá nhân giúp đỡ gia đình chú. Lần nào ra Hà Nội, chú cũng gọi điện cho tôi để chú cháu đi uống nước chè. Lúc ấy, tôi thấy đời làm báo hạnh phúc thế. Hạnh phúc gấp nhiều lần được lãnh đạo một đơn vị nào đó mời cơm”.

Từng nhận được rất nhiều cơ hội kiếm tiền hấp dẫn, đánh đổi một bài viết lấy nhiều tháng lương, nhuận bút nhưng anh Quang Anh cho biết, với anh, đồng tiền không làm nên nhân cách của người làm báo. “Nghề báo với tôi cũng là một công việc như bao công việc khác, như bố tôi làm một chiếc tủ đẹp, có nhiều người mua, nhiều người dùng. Tôi chỉ kỳ vọng bài viết của mình được sếp đăng mà không bị loại, bảo vệ được cho lẽ phải. Làm báo ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, sự khốc liệt và cạnh tranh nào cũng có cái giá của nó. Không nên lấy nhuận bút thấp, cơ chế khắt khe để bao biện cho những việc làm sai trái, mượn danh báo chí để làm lợi một cách phi pháp…”, nhà báo Quang Anh trải lòng.


Ngọc Minh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/