Bản lĩnh của những người vợ lính Trường Sa

16:51 | 22/09/2017
TTTĐ.VN- Các chị là “hậu phương” vững chắc, là chỗ dựa tinh thần cho những người lính Trường Sa chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió, kiên cường bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Bản lĩnh của những người vợ lính Trường Sa

Chị Đặng Thị Thúy An (sinh năm 1982) là vợ của anh Đào Văn Kha (hiện đang công tác tại đảo Nam Yết- Trường Sa, Khánh Hòa). Người vợ trẻ này luôn tự hào về chồng – anh lính nơi đầu sóng ngọn gió. Hơn chục năm nay, chị An một mình lo toan việc nhà, gánh vác trọng trách gia đình để anh Kha yên tâm công tác.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị An vào miền Nam lập nghiệp. Sau khi học chuyên nghiệp xong, chị làm việc tại một công ty sản xuất giày da ở tỉnh Đồng Nai cùng chị gái anh Kha.


Bản lĩnh của những người vợ lính Trường Sa

Chị Đặng Thị Thúy An cùng con gái


Anh Kha và chị cùng quê Thái Bình. Sau lần gặp gỡ đầu tiên khi được chị gái anh Kha chắp mối, họ đã tâm đầu ý hợp và yêu nhau. Tình yêu của anh lính và cô công nhân trải qua rất nhiều thách thức, bởi họ cách xa nhau cả nghìn cây số. “Thời gian tìm hiểu gần 2 năm, chúng tôi chỉ gặp nhau được vài lần vì mỗi đứa một nơi, quá xa nhau mà ai cũng bận rộn với công việc. Tuy ít gặp nhưng tôi luôn tin tưởng và dành trọn yêu thương cho anh”, chị Đặng Thị Thúy An tâm sự.

Kìm nén nỗi nhớ, hai anh chị chấp nhận cuộc sống xa nhau. Chị An xác định rằng, làm người yêu, vợ của bộ đội là chấp nhận nhiều thiệt thòi, nhất là người lính biển. “Thời gian mới yêu, chúng tôi còn chưa có điện thoại di động. Khi tôi muốn hỏi thăm anh ấy thì phải chạy ra bưu điện để gọi điện thoại công cộng. Những cánh thư tay trao đổi luôn là món quà quý và là niềm hạnh phúc vỡ òa với chúng tôi”, chị An tâm sự.

Thách thức là vậy, tình yêu của chàng lính và cô công nhân vẫn luôn nồng nàn, bền vững. Năm 2005, hai anh chị quyết định kết hôn. Ngày 4/9/2005 anh Kha và chị An cưới thì ngày 8/9/2005, anh Kha ra Hà Nội học. Hai vợ chồng mới cưới mà chỉ ở bên nhau được 4 ngày đã phải xa cách biền biệt. Năm 2007, chị An sinh em bé đầu lòng, anh Kha nhận công tác tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Anh ra đảo, một mình chị chăm bẵm con thơ, chỉ nghe giọng nói của chồng qua những cuộc điện thoại chập chờn sóng. Chị An cho biết, ngày chị sinh con gái thứ hai, anh vắng nhà. Vượt cạn không có chồng ở bên, chị tủi thân lắm nhưng lại nén nỗi niềm riêng, để anh không bị phân tâm khi làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, buồn nhất vẫn là lúc Tết đến, xuân về, người người, nhà nhà vợ chồng sum họp, còn gia đình chị thì chỉ 3 mẹ con. Những cái Tết trọn vẹn, có anh Kha ở nhà tính trên đầu ngón tay, chỉ được 4-5 lần từ khi họ cưới nhau. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị An chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để vơi đi nỗi buồn.

Dù một mình nuôi con nhưng vợ của người lính đảo Trường Sa vẫn vững vàng, là “hậu phương” vững chắc cho các anh yên tâm công tác. Cũng như chị Đặng Thị Thúy An, chị Lại Thị Châm- vợ anh Trần Văn Hùng, sinh năm 1975, hiện công tác tại đảo Nam Yết- Trường Sa, Khánh Hòa luôn dặn mình cố gắng và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để chồng an lòng nơi hải đảo.

Chị Lại Thị Châm cũng là một chiến sĩ. Hiện, chị đang công tác trong lực lượng Hải quân tại thành phố Hải Phòng. Chị Châm và anh Hùng từng làm việc cùng một đơn vị. Hai người đồng chí đã yêu nhau và kết hôn. Ngày anh Hùng nhận nhiệm vụ ra đảo công tác, cũng từ đấy, hai vợ chồng quân nhân trẻ xa nhau biền biệt.

Các anh em trong gia đình chị Châm đều là quân nhân. Làm việc ở môi trường quân đội, chị thấu hiểu được nỗi vất vả và sự hi sinh thầm lặng của người lính nên dễ dàng chia sẻ, thông cảm. Người lính nơi đất liền này luôn là chỗ dựa vững chắc cho anh lính ngoài Trường Sa.


Bản lĩnh của những người vợ lính Trường Sa

Chị Lại Thị Châm (người thứ hai, bên trái) trong một lần đến Trường Sa


Ở quê nhà, chị Châm luôn thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trong đơn vị, hoàn thành sứ mệnh của một quân nhân đối với Tổ quốc, dành trọn vẹn tấm lòng sắc son cho chồng. Chị đảm đang, tháo vát việc nhà, chăm sóc, nuôi hai con trưởng thành. Cả hai con gái của chị đều biết yêu thương bố mẹ, gia đình, người thân và học rất giỏi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ đối với chị. Không chỉ đảm việc nhà, chị Lại Thị Châm còn tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan và tấm lòng bao dung, tình nguyện vì cộng đồng.

Canh cánh nỗi nhớ thương chồng, mỗi khi hai vợ chồng rảnh rỗi, anh Hùng, chị Châm và các con cùa họ cùng trò chuyện với nhau qua mạng internet. “Nhiều khi nhớ anh, tôi khóc nhưng nhanh chóng sốc lại tinh thần. Bởi tôi nghĩ rằng, vợ của lính, lại là quân nhân, hơn ai hết, mình phải mạnh mẽ, vững vàng. Thế nên, tôi gạt đi mọi suy nghĩ tiêu cực, làm tốt vai trò của một người vợ, người mẹ, người con trong gia đình, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam”, chị Lại Thị Châm chia sẻ.

Dịp tháng 5 vừa qua, chị Châm đã đến Trường Sa, thăm chồng và các chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu. Trên đoàn tàu băng qua muôn trùng sóng gió, dừng chân ở đảo, giữa biển nước mênh mông, chị càng thấu hiểu những khắc nghiệt, khó khăn, cả sự hiểm nguy mà anh Hùng, cũng như các chiến sĩ ở Trường Sa đang kiên cường vượt qua hàng ngày và thêm yêu thương người đồng chí “cùng nhà” của mình.

Trong cuộc sống hàng ngày, chị Lại Thị Châm luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; cùng đồng chí, đồng đội nối tiếp truyền thống anh dũng, hào hùng của dân tộc, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bình Minh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/