BHXH tự nguyện - của “để dành” cho lao động tự do

11:18 | 08/05/2017
TTTĐ.VN - Khi hết tuổi lao động, nhờ Bảo hiểm xã hội tự nguyện mà người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, làm việc thời vụ,... được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, giúp họ chủ động và ổn định đời sống.

BHXH tự nguyện - của “để dành” cho lao động tự do

Theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 thì người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc.


Hiện tại, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 hạ mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn chứ không còn quy định bằng mức lương cơ sở như Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006.

Ngoài ra, phương thức đóng cũng linh hoạt hơn do người dân được lựa chọn đóng hàng tháng hoặc hàng quí, hoặc 6 tháng/lần. Cụ thể, mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (như vậy, mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hiện nay mà người tham gia đóng là 154.000 đồng/tháng).

Với trường hợp người tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc mà thời gian đóng Bảo hiểm Xã hội còn thiếu trên 10 năm, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức nói trên cho đến khi thời gian đóng Bảo hiểm Xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu sớm theo quy định.

Chị Nguyễn Phương Anh (ở Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi bán quán ăn nhiều năm nay, lời ngày nào dùng ngày đó, còn dư thì để tiết kiệm dự phòng về sau. Khi chưa biết thông tin về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi cứ nghĩ phải công tác tại các cơ quan Nhà nước hoặc lao động ở doanh nghiệp mới được đóng bảo hiểm, có lương hưu. Hiện tại, người lao động tự do cũng có cơ hội đó. Tôi sẽ tham gia để bảo đảm tương lai sau này, không phải phiền đến người thân, gia đình lúc tuổi già, khi không còn sức khỏe để lao động”.

BHXH tự nguyện - của “để dành” cho lao động tự do

BHXH tự nguyện chính là của “để dành” cho lao động tự do khi họ không còn sức lao động


Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết: Chính sách Bảo hiểm xã hội mang đậm tính nhân văn, nhân đạo. Thứ nhất Bảo hiểm xã hội là đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần khi bị mất thu nhập cho người lao động ổn định cuộc sống đối với những trường hợp do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tuổi già và khi chết. Đây là chính sách mang tính nhân văn, nhân đạo và tính xã hội rất cao... Thứ hai, chính sách Bảo hiểm xã hội của Việt Nam quy định như hiện nay mặc dù chưa được hoàn hảo như một số nước phát triển, nhưng chính sách này được xây dựng khá toàn diện cũng đã hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người lao động; hỗ trợ một phần khó khăn khi người lao động mất việc làm; đảm bảo cuộc sống ổn định khi tuổi già, cơ bản đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của họ.

Có thể nói, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp giống như “kiềng 3 chân” nhằm bảo vệ, giúp đỡ toàn diện cho người lao động, Cụ thể, Bảo hiểm y tế, giúp cho người lao động trong quá trình lao động bị ốm đau, bệnh tật phải đi khám chữa bệnh; Bảo hiểm thất nghiệp, khi người lao động bị mất việc làm thì có tiền trợ cấp thất nghiệp, hoặc được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để quay lại thị trường lao động.

Bảo hiểm xã hội, là hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, khi người lao động hết tuổi lao động có đóng Bảo hiểm thì được hưởng lương hưu, và họ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe (mà không phải đóng phí Bảo hiểm y tế); Khi về già người lao động từ trần thì thân nhân của họ được nhận tiền mai táng phí và tiền tuất một lần hoặc tuất hằng tháng.

“Đơn cử như, trong chúng ta, nếu ai có bố, mẹ hoặc người thân ở nông thôn hiện đang được hưởng chế độ "Hưu trí" thì sẽ thấy rõ những ưu điểm đó. Những ưu điểm về chính sách này được thể hiện ở một số khía cạnh như sau: một là, họ độc lập về kinh tế không hề phụ thuộc vào con cái; hai là, có vị thế trong xã hội, được người dân nể trọng (làng - xóm); ba là, họ có mức sống cao hơn so với nhiều đối tượng trong làng xã (không so với thị thành); bốn là, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế mà không phải đóng tiền; năm là, khi chết thân nhân được nhận tiền mai táng phí, nhiều trường hợp được giải quyết "Hậu" của chế độ hưu gọi là tuất... “, ông Hòa giải thích.

Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân bằng nhiều hình thức, tuy nhiên, cần phải có một thời gian để người dân “thấm” và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị để thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân.


Huyền Thanh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/