Ghi nhận nơi rốn lũ Nam Phương Tiến: Nỗ lực ổn định cuộc sống…

09:41 | 23/10/2017
TTTĐ.VN - Một tuần sau khi xảy ra trận lũ khủng khiếp, chúng tôi tìm về xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) – một trong hai xã bị ngập nặng nhất sau sự cố sạt lở, vỡ đê Bùi 2 vào đêm 11, rạng sáng ngày 12/10. Sau khi đi qua UBND xã, vào khoảng 100m trong khu vực nhà dân, toàn nước mênh mông, bùn, rác… đầy các con đường trong thôn. Mọi người đều phải di chuyển bằng xuồng.

Ghi nhận nơi rốn lũ Nam Phương Tiến: Nỗ lực ổn định cuộc sống…

Trận lụt lịch sử

“Nước bây giờ đang xuống rồi mới được như thế đấy chứ hôm qua, hôm kia…, tôi còn không vào được nhà mình” – anh Hùng, người dân xã Nam Phương Tiến, cho hay.

Không có phương tiện vào thôn, chúng tôi phải tìm hướng khác. Vẫn là nước, một đoạn ngập dài gần 200m chia cắt hai bên đường, phía trong là trường mầm non, trường tiểu học, một đoạn nhà dân ngập rất sâu. Người dân muốn vào được bên trong nhà mình buộc phải lội qua đoạn nước này…

“Trong này này, nhiều nhà dân bị ngập lắm, trong đó có nhà tôi. Những ngày qua, tôi phải đi ở nhờ vì không về được nhà” – chị Mai, người dắt chúng tôi đi vào xóm Đình, chia sẻ.


Ghi nhận nơi rốn lũ Nam Phương Tiến: Nỗ lực ổn định cuộc sống…
Việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn do nước vẫn ngập sâu

Nhìn ra cánh đồng, toàn bộ ruộng chìm trong biển nước, mênh mông không có chút hi vọng. Nếu không thấy những ngọn cây chuối nhô lên giữa dòng nước chắc hẳn không ai nhận ra đó từng là một khoảng ruộng mưu sinh của người dân.

Tất tả dọn dẹp ngôi nhà, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng lội trong biển nước, lâu lâu mới ngửa mặt lên. “Đâu cũng thấy nước, mấy nay sống trên tầng hai, người sống chung với lợn, gà, chó, mèo. Nước lũ lên nhanh quá, phải đưa đàn lợn lên trên đấy chứ không là mất hết. Ở tầng dưới vẫn phải lội bì bõm, không biết khi nào nó mới bớt ngập” – ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.

“9 năm rồi, nay mới thấy cái trận lụt nặng nề như thế. Tôi đang ngồi trong nhà ôm cháu thì nghe loa phóng thanh xã kêu vỡ đê. Mạng già sức yếu chỉ biết leo lên tầng cao, cứu được mình và cháu là mừng rồi. Đàn gà, đàn lợn chết hết” –bà Vũ Thị Bình, 76 tuổi, Xóm Đình, thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, kể.

Cạnh đó là nhà ông Nguyễn Huy Tư, nước vẫn ngập đến vườn nhà. Ông Tư đang cùng người thân đang múc nước từ vườn để dội sân cho trôi bùn đất. Vừa dội nước, ông Tư vừa nói: “Nước rút đến đâu, chúng tôi dọn luôn đến đó, để bùn bám lâu ngày khó cọ rửa hơn”.

Chỉ vào những bao thóc, gạo được kê cao trong buồng, ông Tư kể: “Hôm xảy ra lũ, khi nghe loa truyền thanh của xã thông báo sạt lở, vỡ đê Bùi 2, tôi cùng các cháu trong nhà vội kê cao các bao gạo này không thì ngập hết”.

Hoạt động dọn dẹp nhà cửa, lối xóm của người dân thôn Hạnh Bồ vẫn tất tả đến hơn 18 giờ, khi trời đã nhá nhem. Chúng tôi đi ngược ra UBND xã. Nước vẫn chưa rút thêm chút nào, vẫn phải lội nước đi giữa những chiếc thuyền nan, thuyền tôn bé nhỏ của người dân. Cậu bé Lê Minh Hiếu (học sinh lớp 5, trường tiểu học Nam Phương Tiến A) có vẻ thích thú với việc chèo thuyền. Hiếu chèo ra, chèo vào khoảng hơn 10 vòng chỉ để được nghịch nước. Hiếu còn quá nhỏ để hiểu những vất vả của người lớn…

Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Rời vùng ngập ở thôn Hạnh Bồ về lại UBND xã Nam Phương Tiến khi trời đã tối mịt, các phòng làm việc vẫn sáng đèn, cán bộ xã vẫn sẵn sàng hỗ trợ người dân. Lực lượng thanh niên, dân quân xã đang tiếp tục vận chuyển các thùng mì tôn, những bao gạo xếp vào phòng tiếp dân của xã để phân phát cứu trợ cho bà con.


Ghi nhận nơi rốn lũ Nam Phương Tiến: Nỗ lực ổn định cuộc sống…

Lực lượng chức năng xã vận chuyển gạo, thùng mì tôm cứu trợ cho dân

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, cho hay: Trước, trong và sau khi xảy ra sự cố sạt lở đê Bùi 2, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo các lực lượng chức năng giúp dân sơ tán người và tài sản, khắc phục hậu quả lũ lụt. Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo hỗ trợ kịp thời 2 máy lọc nước công nghệ cao, hàng chục bình đựng nước loại lớn và nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm khác để người dân có đồ ăn, nước sạch sử dụng. Bệnh viện Da Liễu Trung ương 200 gói Cloramin b-chất khử trùng diệt khuẩn y tế phòng chống dịch bệnh.

“Ngay sau sự cố, UBND xã đã cung cấp nước sạch, mì gói, nến cho người dân các điểm ngập. Tuy nhiên, do nước rút chậm, khả năng người dân vẫn phải sống trong ngập úng nên rất cần TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt” – ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết.

Cũng theo lãnh đạo UBND xã Nam Phương Tiến, đến thời điểm hiện tại, UBND xã vẫn duy trì lịch trực 24/24 đối với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, phân công người kiểm tra thường xuyên các điểm ngập để nắm bắt tình hình. Hiện nhân lực tại chỗ có gần 275 người cộng thêm 450 chiến sĩ các đơn vị quân đội hỗ trợ người dân trong những ngày ngập. Điểm ngập sâu nhất ghi nhận tới thời điểm này là hơn 4m, toàn xã có đến 831 hộ bị cô lập chiếm 4412 khẩu, 530 hộ ngập úng; thiệt hại hàng trăm ha hoa màu, ruộng vườn, chưa kể hơn 5.500 gia súc, 96.321 gia cầm bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân dọn dẹp, xử lý xác chết động vật, rắc vôi bột để tránh dịch bệnh sau mưa lũ; tuyên truyền trên loa phát thanh của xã cảnh báo người dân về đuối nước ở trẻ em, đề phòng trộm cắp vặt, bảo vệ tài sản của mình…

Rời rốn lũ Nam Phương Tiến khi trời đã tối mịt, đi dọc những con đê hai bên vẫn còn mênh mông nước, văng vẳng bên tai chúng tôi tiếng loa phát thanh của xã cảnh báo: “Tình trạng ngập nước vẫn đang khá nặng, người dân nên cảnh giác trông coi tài sản, đề phòng những đối tượng xấu lợi dụng trộm cắp ở những điểm tập kết. Bà con nên cẩn thận với những vùng nước sâu, không cho trẻ bơi lội một mình, tránh xảy ra tai nạn đuối nước đáng tiếc”.


Thành Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/